Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG

ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG Trong những ngày vừa qua ông Trần Đại Quang mất, tôi còn “nợ” các bạn và ông Quang một bài đánh giá về sự ra đi của ông. ...

ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG

Trong những ngày vừa qua ông Trần Đại Quang mất, tôi còn “nợ” các bạn và ông Quang một bài đánh giá về sự ra đi của ông.

Sau bao nhiêu chuyện thị phi có đúng có sai, có thật có hư trong cuộc đời một lãnh đạo đảng, cái tôi nhớ về ông Quang là một lãnh đạo có tinh thần dân tộc nhiều hơn các lãnh đạo cùng thời một chút.  Ít nhất là dù đi lên từ lực lượng còn đảng còn mình, nhân dân vẫn cho là bảo hoàng hơn vua, nhưng ông Quang trong một chừng mực nhất định, vẫn không hoàn toàn coi đảng CSTQ là đảng anh.

Ngành công an sau 10 năm nằm trong sự dẫn dắt của ông, ít ra cũng đã xuất hiện một thế hệ các tướng tá có lập trường dân tộc. Cũng trong thời kỳ ông lãnh đạo, mô hình tổ chức và vận hành của Bộ Công An mang dáng dấp của hệ thống an ninh Mỹ, dù tư duy ý thức hệ vẫn chiếm vai trò chủ đạo.

Cái không hay của lực lượng công an dưới quyền ông là hay dính dáng quá sâu vào các điểm nóng đất đai đền bù giải tỏa, cũng như góp phần lớn vào việc hình sự hoá các quan hệ dân sự. Bên cạnh đó, ông vẫn chưa chỉ rõ cho ngành công an thấy sự khác nhau của phản biện và “phản động”. 

Có những sự vụ, con người đáng làm, đáng xử lý thì lực lượng công an lại không rốt ráo, nhưng xử lý giới bất đồng chính kiến quá nhanh và nhiều lúc nặng tay làm nhân dân có cảm giác có sự “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.

Rời ghế lãnh đạo công an lên chức Chủ Tịch Nước, ông đã làm được cho đất nước (và cả đảng) một việc lớn làm hãm đà “lao vào Trung Quốc” của Việt Nam. Bằng cách đấu tranh để thay thế ông Phùng Quang Thanh trên ghế số 2, ông Quang đã góp phần làm cho rạn nứt cái vòng kim cô quốc phòng Trung-Việt.

Ngồi vào ghế số 2 của đảng, ông Quang cũng đã xoay sở để đề nghị đảng tăng thêm quyền lực thực tế cho cái ghế này. Ngày ông ra đi, các nguyên thủ các nước từ đông sang tây đều gửi điện chia buồn với những ngôn từ mang tính thực tế và sâu sắc cho ta thấy những nỗ lực thay đổi đường lối của đảng do ông Quang thực hiện đã có hiệu quả thực chất.

Sự ra đi của ông Trần Đại Quang khi đang đương chức cũng là sự kết thúc một thời kỳ “chuyển hoá” từ cấp cao bên trong đảng do 3 đời thủ tướng khởi xướng và dẫn dắt. Trong suốt hơn 30 năm kể từ “đổi mới 1 về kinh tế”, lần đầu tiên trong hàng ngũ tứ trụ của đảng không còn ngọn cờ có tính dẫn dắt để đảng đủ động lực tiến hành “đổi mới 2”.

Sự ra đi của ông Quang không chỉ là sự mất mát của “phái chuyển hoá” mà còn là sự thất bại của đảng trong việc bảo vệ và giữ gìn nhân sự lãnh đạo cấp cao của đảng. Từ việc thượng tướng Thi Văn Tám mất đột ngột vì “bệnh lạ” đến ngày hôm nay đại tướng Trần Đại Quang ra đi vì “vi rút hiếm” không phải là sự ngẫu nhiên.

Tôi nghĩ đơn giản rằng anh em trong nhà dù có đánh nhau sứt đầu mẻ trán để tranh giành quyền lực và lợi ích thì cũng phải ngăn chặn bàn tay của hàng xóm thò vào là điều bắt buộc phải thực thi. Nếu để nhà dột từ nóc vì bị hàng xóm ném đá thì đến một ngày nào đó sẽ không còn sự độc lập tự do nào nữa. 

Đây là điều làm nhân dân lo lắng nhất.

Sự ra đi của ông Quang trong bối cảnh đảng chưa có nhân sự phù hợp để thay thế ngay là một bằng chứng cho thấy sự khủng hoảng đường lối an ninh quốc phòng của đảng đã tích tụ trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua. Quyền Chủ Tịch Nước không phải là Uỷ Viên Bộ Chính Trị mà đi đối ngoại với quốc tế thì ai sẽ lắng nghe ? 

Chưa kể trong bối cảnh an ninh quốc tế và khu vực đang nhiều biến động, Quyền Chủ Tịch Nước đủ kinh nghiệm để vượt qua 2 năm sắp tới hay không là điều cần phải quan tâm.

Theo thông báo của đại diện BCHTW thì HNTW8 này đảng sẽ chưa xem xét bầu bổ sung Bộ Chính Trị. Như vậy với việc ông Quang mất, đảng đã khuyết đi 3 vị trí. 

Tôi cũng không hiểu có sự trùng hợp nào không, khi mà tôi khen ông Thưởng thì ông Thưởng bị bệnh nặng phải sang Nhật chữa. Tôi khen ông Huynh sau khi ông đi Mỹ thì ông phải nghỉ công tác vì bệnh. Tôi khen ông Thăng sau vụ đại học Fullbright thì ông vào tù. Đến ông Quang, sau khi ông đi Trung Quốc và được Tập đón bằng 21 phát đại bác, tôi có nói ông Quang nên thận trọng thì giờ đây ông đã mất khi tình hình quốc gia và quan hệ Trung-Mỹ đang rất phức tạp.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhiều người góp ý là nên nhất thể hoá để kiêm chức Chủ Tịch Nước, nhưng cá nhân tôi nghĩ ông Trọng và đảng không nên chọn hướng đi này. Nguyên nhân vì sao thì tôi nghĩ tổng bí thư và đảng hiểu còn hơn tôi hiểu. 

Có lẽ cứ để bà Thịnh đảm nhiệm hình thức và Tô Lâm cố vấn phía sau rồi đến khoá 13 thì Tô Lâm chính thức lên thay là một lựa chọn phù hợp nhất cho ngắn và trung hạn về sau.

Hi vọng rằng sau sự ra đi của ông Trần Đại Quang, con tàu Việt Nam vẫn chậm nhịp trong việc cập bến vào cảnh Trung Quốc, nhất là sau hội nghị Bắc Đới Hà, Tập đã chuyển hướng sang Châu Phi, giảm áp lực ở Châu Á để tránh bớt mũi nhọn của Mỹ.

Đảng CSVN đang đứng trước một thời khắc phải thay đổi, sau việc mất ông Quang, chỉ là không biết đảng thay đổi theo hướng mạnh lên hay tự mình làm suy yếu mình đi.

H.M



Không có nhận xét nào

Quảng Cáo