Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TẬP ĐOÀN CAFE NÊN GIAO CHO AI ?

TẬP ĐOÀN CAFE NÊN GIAO CHO AI ? Nếu chúng ta nghiên cứu về kinh tế, chúng ta sẽ thấy rằng tầm mức kinh tế của TNG không nằm ở con số 8000 tỷ...

TẬP ĐOÀN CAFE NÊN GIAO CHO AI ?

Nếu chúng ta nghiên cứu về kinh tế, chúng ta sẽ thấy rằng tầm mức kinh tế của TNG không nằm ở con số 8000 tỷ như toà vừa định giá mà nó cao hơn nhiều lần, vì lợi nhuận trung bình trong ba năm gần nhất của nó xoay quanh mốc 650 tỷ đồng. Đóng góp của TNG cho xã hội tương đương với đóng góp của vài tỉnh nhỏ của Việt Nam trong cùng kỳ thời gian.

Trong cơn bão về việc chia phe tranh luận với nhau về việc nên giao TNG cho ai trong cuộc ly hôn đình đám, tôi chú ý đến phát biểu của Giáo Sư Phan Văn Trường đăng trên tờ Viettimes và Báo Mới đăng lại.

GS Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp về đàm phán quốc tế, cố vấn cho chính phủ Pháp về thương mại quốc tế nên dĩ nhiên ông hiểu nhiều về nước Pháp. 

Ông nói rằng theo kinh nghiệm chính trị của Pháp, với các tập đoàn lớn của tư nhân mà có ảnh hưởng đến kinh tế vùng, khi xảy ra tranh chấp nội bộ dẫn đến có nguy cơ sụp đổ doanh nghiệp, chính quyền sẽ chậm lại việc tuyên bố xem ai sẽ giữ quyền cổ phần quản trị (trên 51%). Sau đó chính quyền sẽ mua lại (trên danh nghĩa) số cổ phần quản trị này rồi cử người đại diện của chính quyền để quản trị nó cho đến khi ổn định mới giao lại cho nội bộ của doanh nghiệp quản trị điều hành lại.

Ý này của GS Phan Văn Trường là một kinh nghiệm chính trị hay mà phía Việt Nam nên lưu ý để nghiên cứu thêm cho kinh nghiệm tố tụng về sau. Tuy nhiên với thực tế chính trị của Việt Nam hiện nay, việc các cán bộ nhà nước quản lý doanh nghiệp của nhà nước còn chưa ổn thì giao họ quản lý doanh nghiệp tư nhân (dù là lâm thời) thì cũng khó mang tính thuyết phục chung. Kể cả tôi dù thấy giải pháp này rất thú vị nhưng thú thật là không đủ niềm tin vào lúc này, còn sau này là việc khác.

Nhưng nếu giải pháp trên là chưa khả thi thì tiếp theo sẽ cân nhắc thế nào.

Thông thường để chọn lãnh đạo cho những tập đoàn lớn, người ta dựa vào khả năng quản trị bên trong, khả năng đối ngoại bên ngoài, thành tích quản trị trong quá khứ, nhân thân và thêm một số tiêu chí khác. Ví dụ như không ai lựa chọn một lãnh đạo tập đoàn có quá khứ kỳ thị người da đen đi đến châu Phi chẳng hạn.

Về quản trị bên trong, tôi cho là ông Vũ từng bổ nhiệm bà Thảo là phó tổng giám đốc thường trực của TNG thì hẳn nhiên ông Vũ tin rằng bà Thảo có năng lực quản lý bên trong cũng như ông. Và thực tế chứng tỏ rằng trong gần 20 năm bà Thảo làm Phó tổng giám đốc thường trực, Trung Nguyên ổn định bên trong nên mới có sức để vươn ra bên ngoài.

Về đối ngoại thì tôi cho rằng bà Thảo kém ông Vũ, có thể những người ủng hộ bà Thảo sẽ không vui nhưng đó là một thực tế. Dù tôi cho rằng ông Vũ đã có bệnh hoang tưởng (bao gồm hoang tưởng chính trị) nhưng tôi hiểu một phần nguyên nhân câu hỏi “tiền nhiều để làm gì” nổi tiếng của ông. Tiền nhiều làm gì thì chưa biết, nhưng để xây dựng một tập đoàn lớn, nói thẳng ra là cần biết dùng tiền để thu phục nhân tâm. 

Với khả năng đối ngoại của ông Vũ, đã làm nên một tập đoàn từ xuất phát là một quán cafe nhỏ tại một thị xã nhỏ để nó đi ra quốc tế. Đây là điều không thể xoá bỏ đi. Tuy nhiên nhìn về tương lai thì cần sự bổ sung. Một huấn luyện viên giỏi thì không phải lúc nào cũng luôn đúng. Ông thầy giỏi có thể giúp đội bóng đoạt nhiều thành tích trong quá khứ, vai trò của ông cần được tôn trọng, nhưng không có nghĩa là tương lai cứ mãi như thế, điều này đã được thực tế chứng minh. Chính vì vậy mà ngay cả hùng mạnh như Mỹ nhưng tối đa 8 năm là thay lãnh đạo một lần.

Yếu tố thứ 3 là về nhân thân thì hai người trong quá khứ là như nhau, là những công dân tốt của xã hội, là một hình ảnh gia đình hạnh phúc. Nhưng nếu bà Thảo không thay đổi thì ông Vũ có vẻ thay đổi. Sau khoá thiền 49 ngày, ông có những thay đổi mà nhiều người nhận ra. 

Đầu tiên là ông tước quyền quản trị bên trong của bà Thảo. Cách chức Phó tổng giám đốc thường trực của bà. Trên cương vị là chủ tịch thì ông có quyền làm, trên cương vị tổng giám đốc ông cũng có quyền cách chức người phó, nhưng cần làm đúng quy trình pháp luật về quản lý lao động. Điều này thì ông sai. Chính vì ông làm sai luật nên toà án mới có cơ sở bắt buộc ông phục chức cho bà Thảo. Nhưng ông không chấp hành trước rồi tìm giải pháp khác đúng luật hơn, ông lại sai luật lần thứ hai.

Về đạo lý vợ chồng, sau khi cách chức xong, ông không cho bà quyền giám sát tài sản chung của hai người, lại không cho bà có ý kiến trên tư cách cổ đông quan trọng, là ông đã sai lại càng sai. Sai với pháp luật, sai với điều lệ công ty và sai với đạo lý hôn nhân.

Từ sau khi bà Thảo bị ông Vũ đuổi khỏi Trung Nguyên, Tập đoàn này có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật. Như việc treo bandrol quảng cáo sau đó bị cơ quan quản lý nhắc nhở phải sữa chửa hoặc tháo bỏ, chứng tỏ ông Vũ từ khi không có bà Thảo, đã có xu hướng xem nhẹ luật pháp, mắc vào bệnh kiêu ngạo tự cho mình là đúng. Độc quyền trong quản trị doanh nghiệp tư nhân là cần thiết nhưng xem nhẹ luật pháp thì đã là quá đà.

Về ứng xử xã hội, sau khoá thiền ông Vũ cũng khác đi. Tại một hội nghị do TNG tổ chức, phía ông Vũ đã đề nghị nhiều cựu quan chức cấp cao, nhiều trí thức lớn phải gọi ông là “chủ tịch” một cách chung chung làm nhiều người bất mãn bỏ về hoặc phản đối quyết liệt (có cả bà Nguyễn Thị Bình nguyên Phó chủ tịch nước). Sự tự cao và thiếu khiêm tốn không có lợi cho bất kỳ ai. Từ xem thường vợ đến xem thường xã hội là một bước đi ngắn không xa.

Với sự thay đổi của chủ tịch tập đoàn như thế, liệu rằng việc tập đoàn TNG có tiếp tục đi xa hơn hay không là điều cần xem xét thận trọng khi đánh giá nó về mặt kinh tế xã hội. Sau những lục đục nội bộ giữa hai người quan trọng nhất vừa qua, tôi nghĩ tập đoàn này cần ổn định bên trong trước khi tiếp tục hướng ra ngoài. Và nếu chúng ta đề cao pháp trị, thì rõ ràng bà Thảo là người tuân thủ pháp luật nhiều hơn. 

Từ các yếu tố trên, nếu nhìn từ ý kiến hay của GS Phan Văn Trường và phân tích về góc độ kinh tế xã hội, tôi nghĩ là chúng ta nên có một giải pháp trung hoà. 

Thế nào là trung hoà thì bà Thảo, ông Vũ và toà án (thay mặt nhà nước) chắc rành hơn tôi, và tiền thì cũng không phải của tôi.

H.M 

Bài nêu phân tích của GS Phan Văn Trường 

https://m.baomoi.com/tra-lai-vai-tro-dung-cho-nhung-nguoi-tai-gioi/c/30165669.epi





Không có nhận xét nào

Quảng Cáo