Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI ! TIẾNG MẸ SINH TỪ LÚC NẰM NÔI.

TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI ! TIẾNG MẸ SINH TỪ LÚC NẰM NÔI. Năm 1625  Alexandre de Rhodes đặt chân lần đầu tiên lên Hội An ở Đà Nẵng. Hơn 300 năm...

TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI ! TIẾNG MẸ SINH TỪ LÚC NẰM NÔI.

Năm 1625  Alexandre de Rhodes đặt chân lần đầu tiên lên Hội An ở Đà Nẵng. Hơn 300 năm sau, không ai ngờ rằng người Việt lại có một chữ viết hoàn chỉnh, đó là chữ Quốc ngữ. Một thứ chữ vừa dễ học, dễ đọc, dễ viết và nhờ tính chất này chữ Quốc ngữ đã đóng góp rất lớn lao vào việc mở mang dân trí, giảm thiểu nạn mù chữ. Chỉ cần một thời gian ngắn vài tháng là có thể đọc và viết được chữ Quốc ngữ, trong khi đó chữ Hán phải cần một thời gian lâu hơn, trung bình khoảng 2 hay 3 năm để nhớ được mặt chữ của ba bốn ngàn từ thường dùng .

 Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Nói đúng hơn, ông chỉ là người có công lớn trong việc hệ thống hóa ký âm tiếng Việt bằng chữ Latin và đã phổ biến chữ Quốc ngữ qua việc in cuốn tự điển Việt-Bồ-La vào năm 1651 tại Roma. Trước đó, vào thế kỷ 16 đã có các giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam truyền giáo. Họ đã tìm cách phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latin để cho tiện việc giảng đạo mà không cần phải biết đọc hay biết viết chữ Hán, chữ Nôm. Nguyên nhân chính là chữ Hán đối với họ đã  khó đọc khó viết, lại thêm vào đó chữ Nôm còn rắc rối hơn một bậc. Chữ Nôm dựa vào chữ Hán nên muốn biết chữ Nôm thì phải học chữ Hán trước và ngoài ra chữ Nôm không được thống nhất nên mỗi người có thể viết theo một cách khác nhau. Các giáo sĩ dòng Tên  gốc Bồ Đào Nha như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa.... là những người đi tiên phong trong công việc khai sáng ra chữ Quốc ngữ. Francisco de Pina đã từng mở trường dạy tiếng Việt cho nhiều giáo sĩ ngoại quốc, trong đó có Alexandre de Rhodes. Trong lời tựa cuốn tự điển Việt-Bồ-La, Alexandre de Rhodes viết là ông đã dựa trên hai cuốn tự điển đã bị thất truyền để soạn cuốn sách của ông: từ điển Việt–Bồ của Gaspar do Amaral và từ điển Bồ-Việt của Antonio Barbosa.

Trí thức Việt Nam ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã nhìn thấy cái nhu cầu cấp bách của một dân tộc đang cần có một chữ viết xứng đáng. Sau 1.000 năm Bắc thuộc, dưới chính sách Hán hóa, người Việt bị mất chữ Khoa đẩu của mình, họ phải viết một thứ chữ là chữ của người Hán. Không muốn bị đồng hóa như các dân tộc khác, ngưòi Việt đi tìm một thứ chữ để ghi lại tiếng nói của mình. Mấy thế kỷ liền, họ mày mò tìm ra chữ Nôm. Tuy thế chữ Nôm chắc chắn không phải là giải pháp hoàn hảo nhất vì chữ Nôm vẫn dựa trên cơ sở chữ Hán, nên muốn biết chữ Nôm phải biết chữ Hán. Trải qua bao nhiêu triều đại vua chúa, chữ Nôm cũng không được sử  dụng trong chốn triều đình. Duy chỉ có hai đời vua duy nhất là Hồ Quý Ly và

Nguyễn Huệ định lấy chữ Nôm thay cho chữ Hán trong các văn kiện hành chính, nhưng tiếc thay việc ấy không thành. Chữ Nôm khó học, nên chỉ dành cho giới khoa bảng và phần đông người dân bình thường thì không biết đọc và không biết viết. Trong buổi giao thời gìữa văn hóa Đông Tây vào cuối thế kỷ 19, chữ Quốc ngữ đã đến kịp thời. Các trí thức Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh,… đã nhanh tay nắm lấy cơ hội đó, mặc dầu lúc ban đầu phải dựa vào người Pháp để được viết văn, ra báo. Những tác phẩm biên khảo, bình luận, phóng sự, du ký, tiểu thuyết, thơ phú của Gia Định Báo, Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong Tạp Chí, Tự Lực Văn Đoàn,… đã chứng minh được chức năng toàn diện của chữ Quốc ngữ làm văn tự cho người Việt.

Năm 1862, người  Pháp sau khi chiếm 3 tỉnh miền Đông của miền Nam Việt Nam và năm 1867 lấy nốt 3 tỉnh miền Tây còn lại, họ bắt đầu  xây dựng nền hành chánh ở Việt Nam rập khuôn mẫu từ Pháp mang qua. Lúc đầu, chữ Pháp được sử dụng trong mọi văn tự hành chánh thay cho chữ Hán. Sau này, dần dần chữ Pháp được thay thế bởi chữ Quốc ngữ. Ngày 1.1.1879 chính quyền thực dân Pháp chính thức ra nghị định bắt buộc Việt Nam phải dùng „tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin“ trong hệ thống hành chính, với ý định tách người Việt hoàn toàn ra khỏi ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa. Thời gian đầu, người Pháp một mặt thì cưỡng bách một mặt thì vuốt ve để cho người Việt đi học trường dạy chữ Quốc ngữ. Trường Trung Học Adran (1861 - 1887) là  trường dạy Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam được các linh mục mở ở Sài gòn . Sau này vào năm 1954, trường Adran Sài Gòn được chia thành 2 Trường: Trung học Võ Trường Toản và Trung học Trưng Vương.

Song song với việc mở trường dạy học, người Pháp còn cho ra tờ Gia Định Báo (1865 - 1897) là tờ báo in chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam được ra mắt vào năm 1865 tại Sài Gòn. Lúc ban đầu tờ báo này chỉ là một công cụ thông tin của Pháp, từ năm 1869 được giao cho Trương Vĩnh Ký làm Giám đốc và Huỳnh Tịnh Của làm Chủ bút. Từ đó tờ Gia Định Báo mới thật sự khởi sắc, vì đã được phát triển thêm các mục biên khảo, lịch sử, thơ văn, nghệ thuật…. Tờ  báo này đã góp phần không nhỏ vào việc cổ động học chữ Quốc ngữ, khuyến khích theo tân học, mở đường cho sự sáng tác các thể loại thơ văn bằng chữ Quốc ngữ và tạo nền móng cho sự nở rộ của báo chí Việt Nam sau này.

Nhưng chữ Quốc ngữ không dừng ở chỗ văn tự cho một dân tộc, nó còn là cái gốc của dân tộc, như Trần Quý Cáp đã viết „Chữ quốc ngữ là hồn trong nước“. Người  Việt thuộc về tộc Bách Việt. Tộc Bách Việt gồm có các dân tộc như U Việt (ở Chiết Giang), Mân Việt (ở Phúc Kiến), Đông Việt (ở Giang Tây), Nam Việt (ở Quảng Đông), Lạc Việt (ở Việt Nam), Âu Việt (ở Quảng Đông, Quảng Tây), Chiêm Việt (đảo Hải Nam),… đã sinh sống từ vùng nam sông Dương Tử cho đến Bắc Việt Nam. 

Sau 1.000 năm bị đô hộ, người Việt vẫn giữ được bản sắc của mình không để bị đồng hóa, trong khi đó  các dân tộc khác thuộc nhóm Bách Việt đều bị Hán hóa hay bị  tiêu diệt. Tại sao? Nhà văn Ngô Nhân Dụng trong cuốn „Đứng vững ngàn năm“, đã trả lời là nhờ có tiếng nói. Ông đưa một thí dụ, dân tộc Mãn Thanh một thời rất hùng mạnh vào thế kỷ thứ 17 đã chiếm được Trung Quốc. Họ có tiếng nói và chữ viết riêng. Sau khi nhà Mãn Thanh sụp đổ, năm 1911 ở Mãn Châu có chục triệu người nói được tiếng Mãn, năm 2011 thì thế hệ những người biết nói tiếng Mãn chết dần, không còn được bao nhiêu. Nhà văn Ngô Nhân Dụng khẳng định „không giữ được tiếng nói thì mất nước“ .

Như vậy tiếng nói của một dân tộc quan trọng biết bao nhiêu. Muốn gìn giữ tiếng nói thì phải có chữ viết để lưu giữ lại tiếng nói. Nên địa vị của chữ viết cũng không kém phần quan trọng. Vào cuối thế kỷ 19, khi chữ Quốc ngữ xuất hiện và đẩy chữ Hán đi vào bóng tối, văn học Việt Nam bừng dậy và nở rộ vì thoát khỏi được cái nôi của văn hóa chữ Hán, trong đầu người Việt không còn bị gò bó vì Tứ Thư Ngũ Kinh, không còn bị chế ngự bởi các điển tích bên Trung Quốc xa lắc xa lơ. Người Việt đã trở về tình tự với cội nguồn thật sự của mình:

Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi
(Tình ca tiếng nước tôi - Phạm Duy)

Dương Hoài Linh


Không có nhận xét nào

Quảng Cáo