Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NĂM TÝ, XEM LẠI BỨC TRANH “ĐÁM CƯỚI CHUỘT”

NĂM TÝ, XEM LẠI BỨC TRANH “ĐÁM CƯỚI CHUỘT”                                                                                              ...

NĂM TÝ, XEM LẠI BỨC TRANH “ĐÁM CƯỚI CHUỘT”
                                                                                                              Vũ Hữu Sự
“Đám cưới chuột” là tên mà người đời vẫn gọi bức tranh một cách nôm na. Còn tên chữ của nó (và cũng là ý nghĩa xã hội của nó) thì như 4 chữ ở góc trái phía trên tranh cho biết, là “Lão- Thử- Thủ- Thân” (chuột già phòng thân) cơ. Đây là một bức tranh dân gian nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ. Do dốt đặc về hội họa, nên tôi chẳng dám lạm bàn về tính nghệ thuật của bức tranh, mà chỉ xin ghi lại một vài ý nghĩ tâm đắc về ý nghĩa xã hội của nó. Có điều gì ngô nghê, xin bạn đọc lượng thứ.
Ở chiều sâu nhất của bức tranh là 5 chấm đen, có thể hiểu là 5 cái miệng hang chuột. Nhưng 5 cái miệng hang này lại được bố trí rất chỉnh tề theo thuyết âm dương ngũ hành, với hành thổ ở trung tâm, và 4 hành Kim-Mộc-Thủy- Hỏa ở 4 phương chính. Thế nghĩa là gia đình nhà chuột này có chữ nghĩa lắm, quý phái lắm, có đủ cả ông Nghè lẫn ông Cống (thời Lê, những người đõ kỳ thi hương gọi là Cống sinh). Chắc chắn gia đình này thuộc loại “danh gia thế phiệt” trong xã hội chuột. Không thế, sao được phép “án” phương nhà theo thuyết âm dương ngũ hành. Ngày xưa, triều đình phong kiến có những quy định hết sức khắt khe về không những mũ mãng, áo quần mà cả thước tấc nhà cửa cho từng hạng quan, hạng dân. Xã hội trọng Quý (những người học hành đỗ đạt, có quan tước) mà khinh Phú (giầu nhưng không có danh phận), ví như dân buôn chẳng hạn, dù giầu có ức vạn thì :
                        Những nhà làm gác chứa hàng
                     Mái nhà không được cao bằng kiệu quan.
Chúa Trịnh đã diễn nôm những quy định về nhà cửa ra như vậy cho dân dễ hiểu mà thi hành. Lệch khỏi cái chuẩn ấy của triều đình : chém đầu ngay. Đừng có cậy buôn chổi chít, chạy xe ôm, “làm thêm đến thối móng chân móng tay” hay cậy có “cô em kết nghĩa” mà xây dựng biệt phủ tòa ngang dẫy dọc như bây giờ để rồi chỉ bị...nhắc nhở, hay cùng lắm là “rút kinh nghiệm sâu sắc”.Đám đón dâu nhà chuột chắc là xuất phát từ 5 cái hang đó.
Một đường phân cách chia bức tranh ra làm hai phần trên dưới. Phần dưới, đi đầu là một con chuột ngựa hồng yên gấm, áo thụng, mũ cánh chuồn có ngù bông, trông rất oai vệ. Đây có lẽ là vị đại diện cho nhà trai, là người sẽ thay mặt nhà trai “có lời” xin dâu với nhà gái. Đây cũng là vị có chức tước. Chính cái mũ cánh chuồn và cái lọng che, do một thằng chuột đen sì vác theo sau, đã nói lên điều đó (mũ cánh chuồn và lọng che, thời trước, chỉ quan lại được trao phẩm hàm thấp nhất là tứ phẩm, mới được dùng). Ngay sau thằng chuột cầm lọng là một thằng chuột vác một cái biển có hai chữ “nghênh hôn”. Tiếp đến kiệu chú rể, do 4 thằng chuột khiêng. Phải công nhận ban tổ chức đám cưới chuột lựa chọn khá chu đáo. Hai thằng đen khiêng phía ngoài, hai thằng khoang khiêng phía trong. Hai thằng chuột đi sau vừa khiêng kiệu vừa ngoái cổ lại, ra ý phía sau còn nhiều lắm, họ nhà chuột đi đón dâu còn xếp hàng dài lắm. Chú rể chuột đội khăn xếp, xiêm đen, áo gấm xanh ngồi chĩnh chện. Mép chú chưa có sợi râu hay sợi ria nào, chứng tỏ chú còn trẻ lắm. Nét mặt chú lộ vẻ hồi hộp, như đang mơ màng tưởng đến lúc cùng người bạn trăm năm sánh vai “nhất bái thiên địa...”
Nhưng, nếu chỉ có độc phần dưới thôi, thì bức tranh sẽ chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt ngoài việc mô tả một cảnh sinh hoạt thời xưa. Phần làm nên ý nghĩa xã hội của bức tranh, chính là phần trên.
Ngự ở phía bên phải của phần trên bức tranh là một “miêu đại vương”, như một vị “tiểu hổ”, nét mặt rất nanh ác, ngồi chễm chệ, rõ ra dáng một tiên sinh rất siêng năng trong việc thực thi cái sứ mệnh tiêu diệt cả họ nhà chuột. Trước mặt miêu đại vương là hai “lão thử” đang khúm núm dâng lễ. Lão đi trước khom lưng, hai tay kính cẩn dâng lên đại vương mèo một con chim câu béo mẫm. Lão đi sau, cũng với thái độ ấy, dâng lên vua mèo một con cá chép. Nếu để ý đến đuôi của 3 nhân vật (mèo và hai chuột dâng lễ) ta sẽ thấy được cái tài hoa, cái ý nhị của nhà họa sỹ dân gian. Ba cái đuôi thể hiện 3 tính cách, 3 kiểu tính toán. Lão chuột dâng chim đuôi quắp chặt vào trong bụng, cứng đơ đơ, chứng tỏ lão đang rất sợ (sợ đến cứng đuôi, quắp đuôi), đang run như dẽ trước oai linh của cái thằng có thể “ăn thịt cả họ” nhà mình. Lão chuột dâng cá đuôi cũng cứng, nhưng mà cứng vểnh lên. Đây có lẽ là một kẻ rất gian, rất mưu mẹo. Cùng đi dâng lễ nhưng lão không tiến lên ngang hàng với thằng dâng chim mà đẩy nó lên đối mặt với hiểm nguy còn mình thì lùi lại, vểnh đuôi. Thế vểnh đuôi ấy là thế đề phòng. Hễ thẳng mèo không vồ lấy con chim mà vồ vào thằng dâng chim lào lão lập tức phóng chạy.
Còn miêu đại vương, tuy đuôi cũng cuộn vào trong bụng nhưng mà cái đuôi ấy rất mềm mại, thể hiện một thái độ rất thư thái, rất ung dung của bậc bề trên. Một chân y giơ lên, dứ dứ như thể lượng xem chim câu, cá rán ngon hay là...thịt chuột ngon.
Tất nhiên là đối với giống mèo, thì chim, cá sánh làm sao được với thịt chuột ? Nhưng mà ở đời “muốn ăn dưa phải trồng dưa/ muốn ăn đậu phải trông đậu (thực qua đắc qua/thực đậu đắc đậu)”. Sách “gương bái soi lòng (minh tâm bảo giám)” đã dạy vậy mà. Miêu đại vương dẫu ít học, dẫu chỉ quẩn quanh xó bếp, nhưng chắc cũng hiểu được cái đạo lý ấy. Muôn có nhiều thịt chuột mà ăn, thì trước mắt cần phải tạm bằng lòng với chim, với cá cái đã, để cho họ nhà chuột dựng vợ gả chồng cho con cái chúng nó thật nhiều, sinh đẻ thật nhiều. Sự tính toán của lão mèo là thế, nên trong tranh, ta thấy lão đang gật gù, đang ra vẻ ban ơn :
                       -Cá này ăn cũng là tanh
                   Nhưng thôi, tao thể lòng thành chúng bay
Phía sau hai lão chuột dâng lễ là hai thằng chuột ranh làm nhiệm vụ tấu nhạc. Một là để cho không khí của buổi “tiến lễ” thêm phần long trọng. Hai là để làm vui cho vua mèo khi ngài thưởng thức chim, cá, để ngài tạm quên đi món thịt chuột là món mà ngài vẫn lấy làm khoái khẩu bậc nhất. Phần lão mèo, có lẽ vì lễ hậu, vì thái độ cực kỳ khúm núm, kính trọng của bọn chuột, nên lão đâm ra hài lòng, đã mất cảnh giác, không nhận ra sự mất dạy, xấc láo của bọn này. Tiếng là tấu nhạc góp vui, nhưng những cái kèn mà bọn chuột dùng lại là...kèn đám ma. Bên trong cái vẻ cung kính, khúm núm, nịnh nọt ấy, bọn chuột hẳn đang mong thằng mèo chết quách đi, chết càng nhanh càng tốt.   
Nhân đám cưới của con cháu mình, bọn chuột mang lễ đến dâng vua mèo để phòng thân, để vua mèo ngơ đi cho mà tiến hành hôn lễ. Đó là ý nghĩa xã hội mà bức tranh muốn nói (Lão- Thử- Thủ- Thân)
Chưa hết, ý nghĩa xã hội của bức tranh còn sâu sắc hơn nhiều nếu ta khơi thêm một tầng nữa. Từ xa xưa, bọn quan lại tham nhũng, đục khoét của công của tư  luôn
luôn được ví với loài chuột, tức là loài “đục khoét”. Kinh thi có bài “chuột xù” nói về chuyện đó. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ “ghét chuột (tăng thử)” ám chỉ bọn ấy. Trạng Trình đã gọi bọn quan lại thời cụ sống là “chuột lớn (thạc thử)”, và lên án chúng gay gắt : “Chuột lớn sao bất nhân/ Gặm khoét thật thảm độc” khiến cho “Đồng ruộng trơ rơm khô”, để đến nỗi khắp hang cùng ngõ hẻm, chỉ thấy toàn những cảnh “Đói nghèo nông phu than/ Đói gầy nông phụ khóc”.
Bọn “thạc thử” gặm khoét của dân của nước một cách thảm khốc, ních đẫy túi tham. Rồi nhân nhà có việc, chúng mang một phần của đục khoét ấy dâng cho kẻ bề trên, để được làm ngơ và lại tiếp tục “đục khoét”. Với ý nghĩa ấy, thì bức tranh chính là một bản cáo trạng. Và chắc chắn nó chỉ được sáng tác trong thời kỳ xã hội cực kỳ nhiễu nhương, vua chẳng ra vua, quan chẳng ra quan, kỷ cương phép nước bị buông lỏng. Bọn có chức có quyền kết bè kết đảng, thỏa sức “mình vuông hiếp chúng, gỗ tròn lăn dân”.
Tết năm Tý này, bọn “chuột xù” hai chân lại lễ mễ bê chim vàng cá vàng, xếp hàng đến cửa “đại vương mèo” để được đại vương ngơ đi cho, rồi sang năm lại “gặm khoét thật thảm độc”.

            .  
Vũ Hữu Sự




Không có nhận xét nào

Quảng Cáo