Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NẾU TÔI LÀM BỘ TRƯỞNG...

NẾU TÔI LÀM BỘ TRƯỞNG... Một lần, có người đề nghị tôi viết một bài kiểu "Nếu tôi làm bộ trưởng". Lần khác, một bạn đã còm dưới bà...

NẾU TÔI LÀM BỘ TRƯỞNG...

NẾU TÔI LÀM BỘ TRƯỞNG...

Một lần, có người đề nghị tôi viết một bài kiểu "Nếu tôi làm bộ trưởng". Lần khác, một bạn đã còm dưới bài viết về chủ đề giáo dục của tôi rằng “ Nếu là bộ trưởng, thầy sẽ làm gì?”. Tôi trả lời “Làm như anh Nhạ thôi”. Có nhiều người thả haha, vì nghĩ tôi nói đùa. 

Đổi mới giáo dục VN không thể chỉ bắt đầu từ trong giáo dục. Vấn đề của nền giáo dục này có nguyên nhân từ bên trên và bên ngoài nó. Những ai chán ghét ông bộ trưởng đương nhiệm và đang hi vọng một ông nào đó khác có “tâm - tầm - tài” để vực dậy nền giáo dục đã đổ gục này là hết sức ngây thơ. Không ông nào làm được đâu, cho dù ông ta có tài kinh bang tế thế đi nữa.

Với bộ máy hiện tại, bạn có tin rằng một hiệu trưởng không thể quản lý được nhân viên của mình? Sự thật là không thể. Chắc chắn như thế và thực tế đang như thế. Chúng ta vẫn hay hiểu lầm rằng, hiệu trưởng ở VN có quyền lực vô hạn nên ông ta có thể quản lý “toàn diện và tuyệt đối” cái đội ngũ giáo viên dưới quyền ông ta. Nhầm đấy. Quyền lực chuyên chế chỉ gây ra sợ hãi mỏi mệt và bất an trường cửu chứ không thể quản lý được công việc của người khác, vì bản thân nó (bộ máy ấy) không được thiết kế một cách khoa học để vận hành trơn tru và hiệu quả. Hầu hết GV đang làm công việc của mình trong tình trạng đối phó. Càng nhiều quy định, đối phó càng nhiều; càng đối phó nhiều, càng siết chặt chuyên chế; đến lượt nó lại làm phát sinh ra sự đối phó tinh vi hơn… Và tất cả dần lờn đi.

Thực ra, môi trường GDVN đang vừa rất căng thẳng lại vừa rất bát nháo. Những sự “xử lý” hầu hết là cảm tính và vô pháp, thành ra giáo viên “sợ người” chứ không sợ luật, và luôn tìm cách lách luật. Sự lách luật lại có nguyên nhân sâu xa từ những vô bổ trong vô vàn công việc mà họ phải làm.

Như thế, một tổ trưởng chuyên môn không “quản lý” được tổ viên; một hiệu trưởng không quản lý được giáo viên; một giám đốc sở lại càng không tài nào quản lý được hệ thống trường học trong tỉnh mình; và tất nhiên một ông bộ trưởng lại càng vô phương khi quản lý cả một nền giáo dục.

Nói chung là tất cả đều bất lực trong khi quyền lực là vô hạn. Và họ chỉ còn biết dùng cái quyền lực ấy vào việc thị uy để tạo nên một môi trường đầy tính may rủi, bất an đối với tất cả. Cái ngột ngạt luôn đi cùng sự buông thả; cái đe dọa luôn đi cùng sự đối phó; cái cứng nhắc luôn đi cùng sự lộn xộn…

Như thế, rõ ràng, bộ máy đang rất có vấn đề, nếu không muốn nói rằng nó đã bị thiết kế một cách sai lầm đến nổi không thể vận hành được. Nó vẫn rồ máy nhưng không cách nào di chuyển mà chỉ có thể đứng một chỗ và nhảy một cách loạn xạ điên cuồng. 

Tóm lại, một sự cải cách thể chế dứt khoát phải được tiến hành nếu muốn “đổi mới giáo dục” và tất cả những lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Không có con đường nào khác.

Thái Hạo


Không có nhận xét nào

Quảng Cáo