Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NGÀY ÔNG NỘI TÔI ĐƯỢC TÔN VINH LIỆT SĨ, CŨNG LÀ NGÀY ÔNG NGOẠI TÔI BƯỚC VÀO TRẠI CẢI TẠO

NGÀY ÔNG NỘI TÔI ĐƯỢC TÔN VINH LIỆT SĨ, CŨNG LÀ NGÀY ÔNG NGOẠI TÔI BƯỚC VÀO TRẠI CẢI TẠO  Tháng tư cao nguyên, cả không gian nóng cái nóng h...

NGÀY ÔNG NỘI TÔI ĐƯỢC TÔN VINH LIỆT SĨ, CŨNG LÀ NGÀY ÔNG NGOẠI TÔI BƯỚC VÀO TRẠI CẢI TẠO 

Tháng tư cao nguyên, cả không gian nóng cái nóng hầm hập như cô đặc. Cái nóng khiến mặt đường trở nên bỏng rẫy, tỏa lên những làn hơi khiến chiếc xe trên đường như rung rinh xao động. Cái nóng khiến mặt đất bazan nhuộm một màu đỏ thẫm như màu máu. Đất bazan đặc, tơi và nhiều bụi. Vào mùa mưa, mặt đất cứ quện chặt như đất sét, dính thành từng mảng dưới đế giày. Mùa khô, mặt đất như mỏng đi, tơi ra, vỡ thành từng hạt nhỏ li ti mà cứ mỗi khi gió ùa đến, tôi lại phải vội gấp hết sách vở và nhắm tịt mắt lại, nếu không muốn những trang giấy học trò bị phủ đầy bụi đỏ. Và cũng cứ vào mỗi tháng tư đó, ủy ban xã lại mang đến một ít quà là muối, đường, nước mắm, dầu ăn, và một phong bì mỏng trong đựng vài trăm ngàn, như sự tri ân dành cho ông nội tôi – một liệt sĩ. 

Hai tiếng "liệt sĩ" vang lên mơ hồ nhưng thiêng liêng, song không đọng lại gì nhiều trong ký ức non nớt tuổi thơ tôi. Tôi chỉ nhớ, cứ vào những ngày đó, trên tivi cơ man nào là phim tài liệu chỉ hai màu đen trắng. Những cánh cờ cũ mèm thủng lỗ chỗ bay phấp phới trên đường và nóc dinh độc lập. Những gương mặt đen xạm hốc hác hân hoan vì vui mừng. Những thùng tài liệu bị đổ đi trên mặt đường, xen lẫn nào là nón cối và giày dép, bay đi tao tác theo từng bước chân người. Người dân đổ ra đường chào mừng những anh hùng thắng trận. Tôi cũng thấy vui lây cái vui của mọi người. Tôi không nghĩ gì nhiều về những điều mất mát. Kể cả cái chết của ông nội tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa một lần hỏi ba tôi rằng ông tôi đã chết như thế nào. Ngày 30 tháng 4, chỉ là một dịp để nhà tôi được vẻ vang giữa những vẻ vang nhỏ nhặt khác bên trong cái xóm quê nghèo nàn. 

Lớn hơn một chút, tôi lại biết, cũng sau cái ngày lịch sử ấy, ông ngoại tôi bị đưa đi cải tạo. Cả nhà ngoại bị tịch thu tài sản. Các cậu dì nhà ngoại đồng loạt bị mất việc, mất học, trong đó có mẹ tôi. Bà ngoại tôi lén giấu những bao thuốc Tây sau bẹ dừa, cố gắng chạy chọt để các cậu dì tôi vượt biên nhưng không thành. Từ một gia đình giàu có và quyền lực nhất vùng, cả họ ngoại nhà tôi bỗng mất trắng sau một đêm định mệnh. Cuộc sống sau ngày thống nhất, buồn bã và tuyệt vọng vô cùng. Cuốn hồi ký mà ông viết sau này, đến đây cũng đột nhiên ngắt quãng. Mẹ tôi khăn gói lên vùng kinh tế mới, và ở đó, mẹ đã gặp ba tôi, con một người liệt sĩ. 

Tôi mãi mãi không thể hiểu được những cảm xúc và dằn vặt trong lòng ông ngoại tôi, ngày ba và mẹ tôi cưới nhau. Ông đã nhất lực ngăn cản chuyện tình ấy, không chỉ bởi vì ba tôi nghèo. Tôi biết, sâu thẳm bên trong ông, vẫn còn đó những vết đau không thể nào xóa bỏ, mà sự hiện diện của ba tôi, cái chết của ông nội tôi, cùng những lời nói bâng quơ vô tình của bà nội, đôi khi đã khứa thêm vài nhát vào trong vết đau ấy, làm cho nó rỉ máu. Thước phim tài liệu lem nhem mà tôi xem khi vẫn còn thơ bé, bỗng không chỉ gói gọn trong hai màu đen trắng, không chỉ có những hân hoan vui mừng, không chỉ có những lời bình hào hùng tôn vinh sự vẻ vang của một bên và nghiêm khắc vạch tội bên còn lại. Tôi biết, đằng sau nó có một điều gì đó, đau đớn hơn, nhập nhằng hơn, nó phân ly lòng người qua giọng nói chứa đầy sự ác cảm của họ ngoại nhà tôi mỗi khi nhắc đến chế độ mới, qua ánh nhìn ẩn chứa tự ti của ba tôi khi bước vào căn biệt thự rộng lớn của ông tôi. 

Ngày ba tôi có quyết định vào Đảng, chính quyền yêu cầu ông ngoại tôi giải trình tất cả những gì ông đã làm. Thời gian đó, tôi mới học lớp 8. Ba tôi kể, ông ngoại tôi đã thao thức suốt đêm, viết ra hết tất cả trên những đôi giấy dày. Ông khóc, và dặn con cháu đừng bao giờ làm gì liên quan đến chính trị, chỉ nên tập trung làm kinh tế, vì thể chế chính trị có thể thay đổi, nhưng kinh tế thì không. Nghe ba kể, tôi hình dung ra khuôn mặt điển trai đậm chất trí thức của ông tôi sắt lại, những nếp nhăn xô đẩy ép nước mắt chảy ra. Giọt nước mắt bị ông giấu kín suốt bao năm chợt bung ra, vỡ òa. Tôi hình dung ra cảnh ông ngoại tôi thắp thêm nén hương trên bàn thờ ông nội, rì rầm những lời mà chỉ hai người hiểu. Đối với tôi, đó mới chính là ngày thống nhất thật sự. Nhưng đó cũng là lần cuối ông đến thăm nhà của ba mẹ tôi. 

30 tháng 4, trên tivi vẫn sẽ chiếu những thước phim hào hùng về một ngày đã qua. Phần thưởng dành cho những người đã ngã xuống như ông nội của tôi vẫn sẽ được trao tặng, như một sự tri ân hay bù đắp phi lý cho một điều mất mát không thể đong đếm được. Những lời vạch tội vẫn hùng hồn, với những từ "ngụy quân", "ngụy quyền" hay "bán nước", hằn mãi một vết thương chưa bao giờ tan biến. Cái nóng của tháng tư, vì vậy mà càng trở nên ngột ngạt, khiến lòng người rỉ máu, màu máu đỏ tươi như màu đất bazan.

Hồ Hải Yến


Ảnh: Ông ngoại tôi, người ông, người thầy, người truyền cảm hứng cho mọi thứ tôi làm, Nguyễn Vinh Luận.
Ông ngoại tôi, người ông, người thầy, người truyền cảm hứng cho mọi thứ tôi làm, Nguyễn Vinh Luận.


Không có nhận xét nào

Quảng Cáo