Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỀ LỊCH SỬ DÂN TỘC LÀO (LIÊN QUAN TỚI LỊCH SỬ VIỆT NAM)

Về lịch sử dân tộc Lào (liên quan tới lịch sử Việt Nam) #laos_history Nhằm tìm hiểu sâu hơn nữa về mối quan hệ Lào và Đại Việt xuyên suốt từ...

Về lịch sử dân tộc Lào (liên quan tới lịch sử Việt Nam)

#laos_history

Nhằm tìm hiểu sâu hơn nữa về mối quan hệ Lào và Đại Việt xuyên suốt từ thế kỷ XV (từ lúc vua Lê Thánh Tông đánh Lào) cho đến giữa thế kỷ XIX (lúc Xiêm chiếm đất Trấn Ninh), mình bắt đầu tìm đọc lại các sách vở về lịch sử Lào, và cảm thấy là hầu như những gì mình biết về Lào qua sử Việt còn nhiều góc khuất lắm.

Ví dụ:

(1) Người Việt chúng ta ai cũng đều biết về chiến thắng của vua Lê Thánh Tông khi ngài đánh Lào vào giai đoạn năm 1479 rồi lập ra phủ Trấn Ninh như thế nào. Nhưng theo sử Lào (lẫn bộ Minh Thực Lục bên TQ), thì hóa ra cuộc chiến thắng của quân Đại Việt chỉ là thuộc giai đoạn đầu của cuộc xâm lăng Đại Việt này, chứ giai đoạn sau này, thì người Lào đã đánh bại quân Đại Việt của vua Lê Thánh Tông và giành lại đất nước của họ. Không hiểu các bạn có biết về cuộc chiến thắng này của người Lào đánh tan quân xâm lăng Đại Việt không ?

Và sử kiện người Lào đánh bại quân Đại Việt này dẫn đến 1 loạt các câu hỏi khác mà hầu như chưa có nhà nghiên cứu Việt Nam nào đưa ra cả. Ví dụ tại sao một ông vua Lê Thánh Tông anh dũng như vậy, lúc trước khi đi đánh Lào, có cả chiếu kể bao nhiêu là tội của người Lào và các lý do mà nước Đại Việt phải đánh, thế mà sau này khi người Lào đánh đuổi quân Đại Việt ra khỏi đất nước họ, thì không thấy triều đình Đại Việt có động tĩnh gì cả, và lạ hơn nữa là sử Việt cũng im luôn giai đoạn sau của cuộc chiến này ? Phải chăng là sau hai cuộc xâm lăng Chiêm Thành + Lào, lực lượng quân sự của nhà nước Đại Việt lúc đó đã không còn mạnh như xưa, và do đó không còn đủ mạnh để mà thực hiện thêm một cuộc xâm lăng nào khác nữa vào đất Lào ? 

(2) Mối quan hệ Bồn Man + Đại Việt xem ra chỉ là mối quan hệ triều cống lỏng lẽo thời Lê mặc dù sử Việt có viết là vua Lê Thánh Tông đã cho lập ra thành phủ Trấn Ninh, nhưng vẫn cho thổ quan cai trị đó thôi. Và mối quan hệ triều cống này, không hẳn chỉ là một tiểu quốc giành cho một nước lớn, mà là có khi tiểu quốc đó thần phục nhiều nước lớn khác nhau, tựa như sau này vương quốc Cao Miên thần phục cả hai nước Xiêm La và Đàng Trong vậy. Đọc sử Lào, chúng ta thấy rõ các tiểu quốc Lào thần phục Xiêm La, nên chắc là các tiểu quốc như Bồn Man cũng thần phục đa quốc thôi, ví dụ thần phục Đại Việt lẫn Xiêm La vậy. Nên không hiểu khi nhiều người Việt viết là phủ Trấn Ninh đã lệ thuộc vào Đại Việt từ thời vua Lê Thánh Tông là nên được hiểu như thế nào ? Xem ra gần 200 năm sau khi vua Lê Thánh Tông lập ra phủ Trấn Ninh, ít có khi nào trong sử Việt có viết gì về phủ Trấn Ninh cả, cho đến giai đoạn sau này, thời ngài Lê Duy Mật đánh lấy phủ Trấn Ninh để chống họ Trịnh. Như vậy từ thời vua Lê Thánh Tông lập ra phủ Trấn Ninh cho tới thời ngài Lê Duy Mật đánh lấy phủ Trấn Ninh, thì phủ Trấn Ninh đã hoạt động ra sao, thì mình chưa thấy có nhà nghiên cứu Việt Nam nào nghiên cứu kỹ cả

(3) Rồi việc ngài Lê Duy Mật đánh lấy phủ Trấn Ninh chống họ Trịnh lại càng ly kỳ hơn nữa. Đó là vì trong sử Đại Nam Thực Lục có viết "Quý dậu, năm thứ 15 [1753]. Mùa xuân, tháng 3, lấy Nguyễn Cư Trinh làm Ký lục dinh Bố Chính. Bấy giờ hoàng tử nhà Lê là Duy Mật giận họ Trịnh lấn tiếm, họp quân đóng giữ thành Trình Quang thuộc Trấn Ninh, mưu diệt họ Trịnh. Trịnh Doanh sai quân các đạo đi đánh, không được, muốn mượn đường ở ta, đưa thư xin theo đường Trấn Ninh (thuộc Quảng Bình) để tiến đánh. Chúa sai Cư Trinh làm thư khước từ. Doanh bèn thôi."

Nhưng chúng ta hoàn toàn không biết thành Trình Quang ngày nay là nằm ở đâu trên đất Lào ? Bộ Cương Mục chỉ cho chúng ta biết thành Trình Quang nằm ở phủ Trấn Ninh mà thôi. Nhưng trong đoạn văn Đại Nam Thực Lục trên, xem ra việc họ Trịnh viết thư muốn mượn đường Trấn Ninh (thuộc Quảng Bình) để tiến đánh, chắc là họ Trịnh muốn dùng con đường dinh Ai Lao Cam Lộ (ngày nay là Lao Bảo) để đi theo hướng Tây qua Lào rồi lại đánh ngược lên hướng Bắc để đi tới khu vực Vientiane + Bồn Man. Nhưng theo Hoàng Việt Nhất Thống Chí của ngài Lê Quang Định (soạn năm 1806 thời Nguyễn), thì con đường để đi tới phủ Trấn Ninh mà nước Vạn Tượng khi sang Đại Việt triều cống là từ đồn Quy Hợp ở Nghệ An đi tới phủ Trấn Ninh, dài khoảng 1.929 tầm. Vậy tại sao lúc đó họ Trịnh đang nắm giữ xứ Nghệ An mà lại không chọn con đường đồn Quy Hợp này để hành quân sang phủ Trấn Ninh, mà lại phải mượn đường dinh Ai Lao của họ Nguyễn phía dưới miền Nam, đi vòng lên phía Bắc, để tới phủ Trấn Ninh để làm gì vậy ? 

Mà đáng ngại nhất, nếu quân họ Trịnh được phép hành quân theo dinh Ai Lao (Lao Bảo) ở trong địa phận Đàng Trong, thì tới lúc mà quân họ Trịnh đã sang Lào, quân Đàng Trong chẹn cửa dinh Ai Lao ở phía Đông, rồi từ phía Bắc, quân Lào + quân Lê Duy Mật đánh xuống thì sao ? Có phải là đánh như thế thì quân họ Trịnh chắc không còn đường thoát không ? 

Và theo bộ Cương Mục, sau này, chính ngài Bùi Thế Đạt khi hiến kế đánh loạn Lê Duy Mật có nói rõ là "Thế Đạt đem hết tình trạng Duy Mật bày tỏ ở triều đường, và nói: "Có 2 con đường có thể tiến quân vào Trấn Ninh được; đường chính là con đường Trà Lân, có đường thủy, có thể vận lương, quân đi được yên ổn thuận tiện". Trịnh Sâm bèn hạ lệnh bắt lấy thuyền đi biển của Thanh và Nghệ, dự tải thóc công chứa ở kho Vĩnh Doanh và Sa Nam, để phòng bị cấp phát cho quân. Một mặt, sai thêm Lê Đình Châu thống suất bọn Trịnh Phương. Nguyễn Trọng Điển và Nguyễn Đình Đống đem 5 ngàn quân, lệ thuộc sự chỉ huy của Thế Đạt, theo đi đánh giặc. Trịnh Sâm lại lấy cớ là xứ Thanh Hoa gần liền phủ Trấn Ninh, bèn hạ lệnh cho lưu thủ Nguyễn Đình Diễn chia quân đóng đồn phòng ngự, chặn giữ nơi xung yếu".

Như vậy, nếu đúng là xứ Thanh Hoa gần liền phủ Trấn Ninh và ở Nghệ An, có thể dùng con đường Trà Lân để đánh sang phủ Trấn Ninh, thì họ Trịnh hà cớ gì lại phải mượn đường phía Nam dinh Ai Lao nằm sâu trong nội địa của chúa Nguyễn để làm gì ? Và tại sao các sử gia nhà Nguyễn cần phải viết đoạn "mượn đường" của họ Trịnh đánh Lê Duy Mật vào sử Đại Nam Thực Lục để làm gì vậy ? 

(4) Rồi đến việc sau này, năm 1802 khi vua Gia Long cắt đất Trấn Ninh cho Lào, thế thì đất Trấn Ninh ấy, nó ra sao, dài ngắn thế nào bạn nhỉ ? Có đúng là phủ Trấn Ninh thời vua Gia Long là nguyên cả khu Bồn Man (Muang Phuan) ngày nay không ? 

(5) Và làm gì có việc người Pháp đến cắt đất Trấn Ninh lập ra nước Lào như chúng ta được dạy ? Mà thật ra là vào giữa thế kỷ XIX, Xiêm La đã đánh và chiếm dần dần đất Lào trong đó có cả khu Trấn Ninh Bồn Man đó chứ. Rồi sau này chính người Pháp đã muốn dựa vào sử liệu Đại Nam khẳng định đất nào thuộc Đại Nam để đòi Xiêm La trả lại, nhưng sau này người Pháp đem súng ống đến ép Xiêm La để lấy đất, rồi sau này cắt ra cho thành lập làm nước Lào trong liên bang Đông Dương đó chứ. Vậy nếu không có người Pháp đến, thì chắc vùng đất Trấn Ninh đã thuộc Xiêm ngày nay luôn rồi, chứ đâu có phải người Pháp tới cắt đất Đại Nam cho Lào ngay tức khắc đâu bạn ?

(6) Rồi cuối cùng là tấm bản đồ Trấn Ninh (Bồn Man) rất thịnh hành trên Wikipedia (xem >> https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%93n_Man#/media/T%E1%BA%ADp_tin:Tonkin1893.jpg). Làm gì có việc vào năm 1893 còn có Trấn Ninh nào của người Việt nữa ? Lúc đó là Xiêm La đã "tằm ăn dâu" hết bao nhiêu khu vực này rồi. Nên vẽ như thế là bậy và quá tuyên truyền luôn. Hơn thế nữa, đã bao giờ mà Trấn Ninh là bao gồm luôn cả Vạn Tượng (Vientiane) luôn vậy ? Một tấm bản đồ như vậy, là do ai đó có dụng ý tuyên truyền rất đáng sợ, nhưng không hiểu tại sao có bao nhiêu là người Việt lại dùng nó trong các bài viết liên quan đến Trấn Ninh của họ vậy ? (Và dĩ nhiên nếu bạn đem luôn tấm bản đồ Trấn Ninh này mà so với tấm bản đồ phủ Trấn Ninh trong tấm tỉnh Nghệ An trong bộ Đồng Khánh Địa Dư Chí) thì lại càng thấy khác xa nhiều nữa 

(7) Và đó chỉ là vài ví dụ mình mới nghĩ đến, chưa bàn đến việc chúng ta còn phải đọc các sách vở Việt ngữ và xem lại chúng có được viết đúng không, ví dụ như quyển Ông Hoàng Áo Đỏ của tác giả Lê Duy Nghĩa chẳng hạn ? Các bạn đã đọc chưa, có ý kiến gì không ? 

Còn riêng mình thì đọc tới đoạn PGS TS Nguyễn Quang Hồng nào đó khẳng định (trang 177) "Qua khảo cứu của các nhà sử học có nhiều ý kiến cho rằng địa giới hành chính của Bồn Man ngày xưa tương đối là rộng lớn nó nằm sang tận Xiêng Khoảng ngày nay. Theo bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ vào năm 1836 thời Vua Minh Mạng, dựa vào những thỏa thuận của nhà Nguyễn với vương quốc Lào thì vùng đất Tương Dương, Kỳ Sơn đã thuộc về nhà Nguyễn"

Nhưng đáng tiếc là tấm bản đồ Đại Nam Nhất thống toàn đồ này, niên đại của nó phải là từ thời Thiệu Trị trở đi (xem >> https://www.facebook.com/brian.wu.121772/posts/2087810468136571). Và đáng ngờ hơn là khi chúng ta tham khảo tấm bản đồ này, nó không hề có vẽ đường biên giới giữa Đại Việt và các vương quốc phía Tây, nó cũng chẳng có địa danh Tương Dương Kỳ Sơn nào ở khu vực Nghệ An cả. Vì vậy chúng ta không biết PGS TS Nguyễn Quang Hồng đã coi bản đồ giỏi đến mức độ ra sao, mà biến việc không có (tức là không có đường biên giới, không có địa danh Tương Dương Kỳ Sơn) mà thành ra là có vậy ? 

Đáng buồn (cười) hơn nữa, là nếu bạn có đọc lịch sử dân tộc Lào, thì cái tên Lào để chỉ cho một quốc gia chỉ có sau khi người Pháp đến và lập ra nước Lào như thế vào cuối thế kỷ XIX, còn vào thời vua Minh Mạng của nước Đại Nam, thì làm gì có vương quốc Lào nào đã thỏa thuận cùng nhà Nguyễn "nhượng đất" Tương Dương, Kỳ Sơn cho Đại Nam đâu bạn ? Và trong lịch sử Lào, năm 1828 là năm đen tối nhất khi mà vương quốc Vạn Tượng (Vientiane) đã bị vương quốc Xiêm La đánh chiếm sau cuộc nổi loạn thất bại của vua  vương quốc Vientiane là Chao Anouvong muốn giành quyền độc lập nước nhà ra khỏi nền thống trị của người Xiêm. Và trong cuộc xâm lăng này, người Xiêm đã tàn phá gần như hoàn toàn Vientiane, bắt bao nhiêu là người Lào đem đi về Xiêm hay các nơi khác, và Vientiane trở thành một khu hoang tàng đến nỗi gần 30 năm sau người Pháp đến khám phá nơi này mà tưởng là lạc vô rừng. Rồi sau này, vua Minh Mạng cướp (lại) đất Trấn Ninh, rồi Xiêm La và Đại Nam đánh nhau, dẫn đến việc Xiêm La bắt hết dân Phuan ở Bồn Man đem đi, phá luôn Bồn Man, dẫn đến khu vực này như là vùng đệm, dù Đại Nam tuyên bố có chủ quyền, để rồi sau này, Xiêm cứ từ từ lấn đất, cho đến khi người Pháp đến, lấy lại và cắt ra thành lập một nước Lào ngày nay. Với 1 lịch sử Lào bi thương như thế vào giai đoạn thế kỷ XIX, làm gì có ai đi thỏa thuận với vương quốc Lào nào, họ chỉ toàn cướp đất mà thôi, nên chúng ta không hiểu là vị PGS TS Nguyễn Quang Hồng này đã đọc sử từ đâu mà tuyên bố xanh rờn là "Theo bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ vào năm 1836 thời Vua Minh Mạng, dựa vào những thỏa thuận của nhà Nguyễn với vương quốc Lào thì vùng đất Tương Dương, Kỳ Sơn đã thuộc về nhà Nguyễn" ?

Và điều đáng sợ là trong quyển Ông Hoàng Áo Đỏ, vị PGS TS Nguyễn Quang Hồng này được nhắc đến rất nhiều lần như là một nguồn "tài liệu" rất đáng tin, mà mình vẫn còn chưa có thời giờ đọc hết và kỹ. Nhưng nếu 1 điều đơn giản như trên mà thầy còn nói bậy đến thế thì không biết còn bao nhiêu điều thầy phát biểu là linh tinh và tuyên truyền trong quyển sách này nữa ? 

Càng đọc về lịch sử Lào, mình càng cảm thấy người Việt chúng ta hầu như không hiểu gì về lịch sử của họ cả, nếu có biết chỉ là biết từ những dòng sử Việt có đầy góc khuất cần phải được đọc lại thôi. Đó là còn chưa nói, chúng ta còn phải tự tham khảo xem những nhơn vật như PGS TS Nguyễn Quang Hồng có đủ trình độ để bàn về sử (Lào) không (tức là ông có đọc sử gì không hay ông thật sự dốt sử). Và chúng ta rất cần đọc về sử ở khu độn Lào này, vì nơi đây chính là mồ chôn của đoàn quân Đại Việt vua Lê Thánh Tông, là nơi mà Lê Duy Mật chiếm và chống lại họ Trịnh cả chục năm, và hình như là nơi mà vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã bị ốm sau trận đánh Lào và mất đi. Đó là còn chưa nói là về vùng đất Tây Nguyên ngày nay khi xưa có thể liên quan đến Lào nữa cũng nên. Một vùng đất mà là mồ chôn của đoàn quân Đại Việt của vua Lê Thánh Tông, và là nơi mà vua Quang Trung có thể bị cảm thương hàn mà mất, rất đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng chứ bạn nhỉ ? 

Nhưng không hiểu các bạn sẽ tìm hiểu bằng cách nào, nếu các bạn không biết đọc Anh ngữ ? Ví dụ đơn giản nhất là trên Wikipedia, trong cuộc chiến Lan Xang Đại Việt thời Lê Thánh Tông, bản Anh ngữ viết quá trời luôn, còn bản Việt ngữ thì chỉ trích đoạn từ bộ Toàn Thư, rồi thêm đâu đó một vài đoạn ngắn "theo sử Lào". Nếu bạn đọc cả 2 bản Anh ngữ / Việt ngữ trên Wikipedia, bạn cảm thấy rất xấu hổ khi đọc về sự kiện này (mà sự kiện này đã có hơn 500 năm), vì sự chênh lệch trong cách viết đến thế, thật như là người Việt Nam mình rất "khôn ranh" vậy. Và bạn còn xấu hổ hơn nữa là làm sao mà có một thầy PGS TS Nguyễn Quang Hồng lại có thể khẳng định vu vơ rằng là "Theo bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ vào năm 1836 thời Vua Minh Mạng, dựa vào những thỏa thuận của nhà Nguyễn với vương quốc Lào thì vùng đất Tương Dương, Kỳ Sơn đã thuộc về nhà Nguyễn". Sự khẳng định như thế là độc ác và vô cảm lên trên niềm bi thương lịch sử của 1 dân tộc láng giềng. Viết như thế thật không xứng đáng để có thể gọi là một nhà nghiên cứu sử học đâu, bạn nhỉ ?

Mời các bạn tham khảo

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời các bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi

Thanks
Brian


















Không có nhận xét nào

Quảng Cáo