Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

BÀN VỀ CHIẾN SỰ NGA - UKRAINE

Bàn về chiến sự Nga - Ukraine  Tổng cộng 200 ngàn quân Nga gồm lính chính quy, xe tăng thiết giáp, bộ binh, không quân, lực lượng nhảy dù t...

Bàn về chiến sự Nga - Ukraine

Bàn về chiến sự Nga - Ukraine 
Tổng cộng 200 ngàn quân Nga gồm lính chính quy, xe tăng thiết giáp, bộ binh, không quân, lực lượng nhảy dù tinh nhuệ và nhân sự hậu cần đã được huy động tấn công Ukraine từ ba hướng: Hướng Bắc theo đường Belarus, hướng Đông từ Donbas và hướng Nam từ Biển đen. Trên hình là bản đồ chiến sự Ukraine, qua đó có thể thấy rằng chiến tranh Nga – Ukraine là một cuộc chiến tổng lực với mục tiêu xâm lược rõ ràng chứ không phải chỉ để đảm bảo sự độc lập của hai vùng Donetsk and Luhansk như Moscow rêu rao. 

Vì sao Putin lại bỏ ngoài tai sự phản đối của người dân thế giới để phát động cuộc chiến này? Có thực sự người Ukraine đã thiếu khôn ngoan về ngoại giao dẫn đến chọc giận “gấu Nga”? Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của Moscow tại Ukraine là ở đâu?
Bài dưới đây là một nỗ lực để trả lời những câu hỏi trên một cách chi tiết nhất có thể, hy vọng có thể giúp bạn đọc giải đáp tất cả những điểm còn mơ hồ.

1. Tiềm năng khoán sản khổng lồ của Ukraine
Mặc dầu là một cường quốc về quân sự và chính trị. GDP đầu người của Nga chỉ tương đương Malaysia và xếp trên mức trung bình thế giới một chút, đứng hàng thấp nhất Châu Âu. Nền kinh tế xấp hạng 11 trên thế giới của Nga được chống đỡ bởi cột trụ mang tên xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Gần 40% khoản thu ngân sách liên bang và 60% tổng giá trị xuất khẩu của Nga đến từ nguyên liệu khoáng dầu và sản phẩm từ dầu. 

Quyền lực chính trị của Nga được xây dựng và thể hiện qua khả năng ảnh hưởng đến giá dầu và vai trò nguồn cung khí đốt cho cả Châu Âu đặc biệt là Đức. Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ hai thế giới về tổng sản lượng, sở hữu trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới nằm dưới bình nguyên Siberia. Nguồn lực tài chính cực kì dồi dào này cho phép Nga phát triển và chế tạo những vũ khí tối tân, tài trợ quân đội với những khí tài hiện đại nhất cho dù bị Tây phương bỏ khá xa về thương mại và những nhóm ngành khác. 

Cũng như người thương nhân bán hàng phải vận chuyển hàng hóa qua những đại lộ, khí đốt từ Nga muốn đến tay những khách hàng của nó ở Châu Âu phải thông qua những đường ống dài hàng chục ngàn km thông qua… Ukraine, ít nhất là đến những năm 2000 khi đường ống này giúp vận chuyển đến 80% sản lượng khí đốt Nga. Kiev đòi hỏi hoa hồng và Moscow cũng chịu chi trả. Tuy nhiên, Moscow không muốn lệ thuộc vào Ukraine nên trong 20 năm nay đã vận động hành lang, chi rất nhiều tiền của để xây dựng 2 đường ống thay thế là Nord Stream (chạy ngầm dưới biển Baltic đến Đức để bán cho Tây Âu) và South Stream (chạy ngầm dưới Biển Đen để bán hàng qua Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria). Putin đặt ra mục tiêu đến năm 2024 sẽ vận chuyển khí đốt hoàn toàn bằng Nord Stream và South Stream chứ không sử dụng đường cũ thông qua Ukraine nữa. 

Nếu như mọi chuyện chỉ có vậy thì chưa chắc đã dẫn đến xung đột ngày hôm nay. Năm 2012, những nhà nghiên cứu địa chất phát hiện thấy nhiều bọng dầu chưa được khai thác ở Biển Đen, nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Ukraine và bán đảo Crimea, với trữ lượng ước tính lên đến 2 ngàn tỷ mét khối. Trên đất liền, sự phát triển của công nghệ khai thác dầu đá phiến cũng mở ra tiềm năng khai thác khoáng sản cực kỳ to lớn cho Kiev. Ngủ yên dưới địa phận Kharkiv, Donetsk ở phía Đông và Lviv, Ternopil ở phía Tây Ukraine là những mỏ dầu đá phiến màu mỡ. 

Những tiềm lực khoáng sản khổng lồ của Ukraine cực kì hấp dẫn đối với Moscow. Năm 2014, Kiev chấn động với cuộc cách mạng lật đổ nhà độc tài thân Nga Viktor Yanukovych, Putin tận dụng sự nhu nhược của chính quyền Obama – Biden (lúc đó làm phó tổng thống, phụ trách chính cho vấn đề Ukraine) để đổ quân xâm lược bán đảo Crimea. Giành quyền kiểm soát thành phố cảng Sevastopol tuy quan trọng (vị trí chiến lược giữa Biển Đen, sử dụng không gián đoạn do nước biển ở đây quanh năm không bị đóng băng) nhưng là bề nổi, động cơ sâu xa hơn của Moscow là kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đen xung quanh bán đảo Crimea và nắm thế độc quyền khai thác khoáng sản tại đây. 

Ở chiều ngược lại. Chính phủ Ukraine đã hợp tác với 2 tập đoàn dầu khí lớn nhất phương Tây là Shell và Exxon để thăm dò, nghiên cứu và nâng cấp trang thiết bị cho nước mình để có thể khai thác dầu đá phiến nằm sâu dưới lòng đất. Có thể nói bước tiến này của Kiev là hoàn toàn tự nhiên khi họ vốn là một nước nghèo ở Châu Âu với nền công nghiệp lạc hậu sau sự tan rã của Liên Bang Soviet, Tự thân Ukraine không đủ công nghệ và trang thiết bị để khai thác dầu đá phiến nằm dưới nhiều lớp đá cứng. Nếu được hòa bình phát triển, Ukraine một mặt có thể phát triển giàu mạnh bằng thực lực của mình chỉ trong vòng một thập kỷ, mặt khác có thể đe dọa quyền lực chính trị của Moscow khi cung cấp một giải pháp thay thế để Châu Âu bớt phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Siberia. 

Không cho Ukraine cơ hội nào để phát triển, ở phía Đông, chính quyền Putin tài trợ cho quân phiến loạn thân Nga ở Donbas với tầm nhìn dài hạn là sát nhập vùng này cùng những mỏ dầu đá phiến của nó vào Nga khi thời cơ đến. Ở phía Tây, quân phiến loạn Transnistria liên tục tạo ra xung đột vũ trang trong khu vực. Trước thực tế bất ổn và sức ép từ Nga, cả Shell và Exxon sau đó đều phải ngừng dự án hợp tác cùng chính phủ Ukraine. 

Hai đoạn trên là đủ để đưa ra lời giải thích xác đáng hơn cho những kiến giải sai lầm, ác ý theo hướng nhà nước Ukraine tự chuốc lấy tai họa hôm nay khi ngả sang thân phương Tây. Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, ý chí của người dân Ukraine cần được tôn trọng. Bi kịch của Ukraine là bi kịch của một quốc gia mưu cầu độc lập, mưu cầu sự ấm no cho dân tộc mình nhưng lại bị gã hàng xóm hùng mạnh hơn ngăn chặn, ngõ hầu đoạt lợi riêng cho mình. Những lợi ích kinh tế khác trong tầm ngắm của Nga mà Ukraine đang nắm giữ có thể kể đến trữ lượng quặng thủy ngân đứng đầu Châu Âu, Trữ lượng quặng sắt thứ hai thế giới với 30 tỷ tấn, trữ lượng quặng mangan (2,3 tỷ tấn), trữ lượng than thứ 7 thế giới (33,9 tỷ tấn), vv… 

Nói thêm một chút về Bán đảo Crimea, từ khi chiếm đoạt Crimea bằng võ lực thì Nga gặp vô vàn khó khăn, tiêu tốn nhiều tỷ đô trong việc khai thác, xây dựng cộng đồng dân cư ở đây vì mạch nước ngọt từ Kênh đào bắc Crimea bị cắt ở thượng nguồn. Không có nước ngọt, Crimea trở thành bán đảo “chết” với những dòng sông khô cạn và thực vật bị phá hủy, tất nhiên cũng không phù hợp để con người sinh sống khi hồ dự trữ nước ngọt tại Simferpol, thành phố chính của Crimea chỉ còn dưới 10% trữ lượng tối đa. Để giải cứu Crimea và khai thác Sevastopol ở một quy mô lớn hơn, Nga chỉ có thể chiếm luôn phía nam Ukraine và đây là điều mà họ đang cố gắng thực hiện.  

2. Vai trò địa chính trị của Ukraine.  
Moscow xem Đông Âu là “vùng đệm” cần thiết để chống lại sự ảnh hưởng từ Tây Âu, đồng thời cũng bảo vệ nước này tốt hơn trước những cuộc tấn công tiềm năng từ phương Tây. Điều này bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý khi mạch núi Ural bắt đầu từ phía bắc nước Đức chạy lài xuống Đông Âu, kéo tận đến sông Ôbi và bao bọc thủ phủ Moscow trong một vùng đồng bằng to lớn, dễ tấn công mà khó phòng thủ. Nga thừa hiểu rằng mùa đông của mình không còn là vấn đề quá lớn với khí tài hiện đại nếu như xung đột quân sự xảy ra, do đó, phòng tuyến giả định phải được đẩy càng xa Moscow càng tốt về phía Tây. 

Từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, quyền lực và tầm ảnh hưởng của Nga lên khôi Đông Âu ngày càng suy giảm. Các nước ở phía Tây nước Nga thuộc khối Đông Âu cũ là Estonia, Latvia, Lithuania, Belarus, Ukraine, Moldova. Trong đó sự trung lập của Moldova được đảm bảo bằng hiến pháp còn Estonia, Latvia, Lithuania đều lần lượt ngả về Tây phương và đồng loạt gia nhập NATO năm 2004. Để đáp trả, Nga tài trợ chính quyền độc tài Lukashenko nắm quyền ở Belarus từ năm 1994 đến nay, giữ cho Belarus thân Moscow và đóng vai trò là cánh tay nối dài cho Putin. Kiểm soát Belarus, Nga có thể dễ dàng cắt đứt hướng hành quân từ đông bắc Ba Lan đến hành lang 3 nước Lithuania, Latvia, Estonia để tiếp cận Mosow.

Còn lại Ukraine cố gắng giữ cho mình tương đối trung lập về ngoại giao và độc lập về chính trị. Bằng bản ghi nhớ Budapest 1995 với sự góp mặt của Mỹ, Anh và Bắc Ireland, Ukraine chấp nhận giải giáp hạt nhân hoàn toàn (lúc này Ukraine thừa hưởng từ Liên bang Soviet 1700 đầu đạn hạt nhân, xếp thứ 3 thế giới), đổi lại Nga phải tôn trọng độc lập của họ và không được đơn phương tiến hành chiến tranh vũ trang trừ khi bị tấn công trước. 

Trái với tinh thần của Ghi nhớ Budapest 1995, Nga luôn tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của mình sang Ukraine với mục tiêu biến Ukraine thành một phần của vành đai phòng thủ quốc gia. Họ lo sợ rằng trong tương lai nếu Ukraine trở thành thành viên của NATO thì đường hành quân vào lãnh thổ Nga của NATO sẽ rộng thênh thang với 230km đồng bằng trải dài, không chướng ngại vật và dừng lại ngay trước yếu huyệt của Nga: thành phố Volgograd, hay như cái tên nổi tiếng hơn của nó là Stalingrad. Kiểm soát được Volgograd là kiểm soát được sông Volga, kiểm soát được sông Volga là kiểm soát được đường ra biển Caspian của 4 trong 8 trung tâm kinh tế lớn nhất Nga là Moscow, Novgorod, Kazan và Samara. Nếu Moscow là bộ não của Nga thì Volgograd là yết hầu của Nga vậy. 

Sự phát triển kinh tế thần tốc của quốc gia Ukraine trong khi phải chống chọi nhiều bất ổn, tiềm năng khoáng sản đe dọa vai trò độc quyền khí đốt của Nga cho Tây Âu, xu hướng ngả dần sang phương Tây để độc lập phát triển… tất cả, trong mắt Nga, đều đe dọa an ninh và vị thế của Moscow trong một cuộc chiến tranh giả định với phương Tây. 

3. Nga muốn gì ở Ukraine?
Có 3 giả thuyết cho mục đích chính của Putin trong kế hoạch xâm lược Ukraine, mà cũng có thể 3 giả thuyết này đều nằm trong “đại kế hoạch” gồm 3 “Phase” liên tiếp nhau của Moscow: 

- Giả thuyết a: Nga muốn đánh phủ đầu, chiếm lĩnh thủ đô Kiev để tuyên bố chiến thắng trong thời gian rất ngắn. Sau đó ký kết hòa ước trên thế thắng, lập ra chính quyền thân Nga, buộc Tổng thống đương nhiệm Zelensky của Ukraine phải từ chức, thay bằng một lãnh đạo bù nhìn thân Moscow. Kế hoạch này nếu thành công không những đạt được mục tiêu chiến lược mà còn phô trương thanh thế quân sự Nga trước NATO và “dằn mặt” khối này, cũng là quảng cáo khí tài chiến tranh. Nói như Giáo sư Wu Baozhou thuộc học viện Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) thì cái mà Nga muốn ở Ukraine chưa chắc đã là dầu hỏa mà là sự thần phục vô điều kiện. 

- Giả thuyết b: Nga muốn chiếm phía Nam Ukraine từ sông Dnepr trở xuống, phía Đông giáp với vùng Donbass do Nga làm chủ, phía Nam giáp với Bán đảo Crimea, phía Tây trải dài sang tận thành phố cảng Odessa. Nếu làm được điều này, Moscow sẽ cắt hoàn toàn đường ra Biển Đen của Ukraine và nghiễm nhiên sở hữu hoàn toàn vùng đặc quyền kinh tế ven biển của quốc gia này. 

- Giả thuyết c: Putin muốn chiếm toàn bộ đất nước Ukraine và sát nhập Ukraine vào lãnh thổ Nga. Nếu làm được điều này, Nga sẽ đẩy phòng tuyến Moscow ra đến tận biên giới Moldova. Trong tương lai, nếu Nga muốn xâm lược tiếp Moldova thì lại có vùng tiếp giáp đòi ly khai Transnistria, lại tiếp tục bài cũ ở Donbas. Điều này phù hợp với tầm nhìn dài hạn của một người tham vọng như Putin: xây dựng lại Liên bang Soviet và Đế quốc Nga thời cực thịnh của vương tộc Romanov.

4. Những kiến giải khác
- Phương Tây hay nói đúng hơn là những đảng cánh tả nắm quyền tại các quốc gia này đã phản bội Ukraine khi để yên đứng nhìn Nga xé bỏ Bản ghi nhớ Budapest. Đảng Dân Chủ năm 1995 của Bill Clinton thuyết phục Ukraine từ bỏ toàn bộ thứ vũ khí mang tính răn đe hữu hiệu nhất của họ, để rồi Đảng Dân Chủ năm 2022 của Obama và Joe Biden bội ước với người Ukraine.

- Sự nhu nhược của Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng những chính sách cấm vận quá nhẹ tay không thể làm Nga chùn bước. Mặt khác, sự lệ thuộc về khí đốt của Đức vào Nga làm cho phản ứng của Tây Âu có phần chậm chạp và thiếu hiệu quả. Ban đầu chỉ có vài nước châu Âu như Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic (Lithuania, Estonia, Latvia), Anh và Canada là vận động mạnh mẽ để liên minh phương Tây loại bỏ toàn bộ hệ thống tài chính của Nga ra khỏi SWIFT, nhưng trong liên minh phương Tây cũng có sự chia rẽ. Nước Đức (hiện do đảng cánh tả của tân Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo) là quốc gia phản đối lớn tiếng nhất việc áp dụng các biện pháp mạnh để trừng phạt Nga nên khối phương Tây khó đưa ra tiếng nói chung. Sau mấy ngày thì liên minh phương Tây mới thoả hiệp được với nhau khi đồng ý tạm thời sẽ loại một số ngân hàng Nga ra khỏi SWIFT như tin tức hôm nay có đưa.

Mặc dù quyết định đưa ra hơi muộn, nhưng động thái loại bỏ một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu vẫn đáng được hoan nghênh. Có thể đây là bước khởi đầu (tuỳ vào Nga làm gì tiếp theo) để tiến tới loại bỏ toàn bộ các ngân hàng Nga ra khỏi SWIFT, tiến hành cấm vận Ngân hàng Trung ương Nga, và áp dụng thêm một số biện pháp khác nữa.

- Nếu một trong những mục tiêu đầu tiên của Nga là đánh nhanh thắng nhanh thì họ đã thất bại. Sau những cuộc tiến công vũ bão bằng các sư đoàn xe tăng trong ngày đầu tiên. Quân đội Nga bị chặn đứng tại Kiev và gặp nhiều phản ứng quyết liệt từ dân quân Ukraine tại các vùng khác. Chiến sự càng kéo dài, Moscow càng bất lợi, Putin càng bị chỉ trích, sức ép dư luận toàn thế giới đến Nga ngày càng tăng và Ukraine càng nhận được thêm nhiều viện trợ. 

- Tổng thống Zelensky của Ukraine thực sự là một người anh hùng đáng ngưỡng mộ. Khi Biden kín đáo hùa theo Putin, muốn làm nhụt chí quân dân Ukraine và giúp một tay để Nga kết thúc nhanh gọn chiến tranh, tổng thống Mỹ đã ngỏ ý di tản Zelensky cùng gia đình ông ra khỏi vùng chiến sự. Tổng thống Ukraine chỉ trả lời ngắn gọn “The fight is here. I need ammunition, not a ride” (Cuộc chiến là ở đây. Tôi cần đạn dược, không phải một chiếc xe để di tản). Không chỉ mình Zelensky mà toàn bộ nội các của ông đã ra tiền tuyến cùng quân đội Ukraine trực tiếp chỉ đạo chiến sự mặc dầu đối mặt với nguy cơ bị Nga tìm diệt từ vệ tinh, từ máy bay và tên lửa dẫn đường. 

- Cuộc chiến do Putin phát động hoàn toàn phi nghĩa, ỷ mạnh hiếp yếu, chỉ mong đạt được lợi ích của mình mà chà đạp lên quyền lợi và ý chí của người Ukraine. Đất nước Ukraine là độc lập, tự chủ, họ hoàn toàn có quyền chọn bạn mà chơi, chọn đối tác mà phát triển. Sự quay lưng với Nga là sự quay lưng với những giá trị mà chính quyền Nga truyền tải: độc tài, muốn kiểm soát quốc gia khác bằng những chính quyền bù nhìn, muốn dùng võ lực để uy hiếp các nước lân cận. Nga không thể ép Ukraine “thân” mình khi họ xé bỏ Bản ghi nhớ Budapest, nhảy vào chiếm cứ bán đảo Crimea thuộc Ukraine, tài trợ cho quân phiến loạn thân Nga, gây tang thương cho hàng người Ukraine trong gần một thập kỷ. 

- Việt Nam chỉ có thể tự hào vỗ ngực nói rằng nhờ đường lối ngoại giao khôn khéo mà đất nước thoát khỏi cái họa xâm lăng từ Trung Quốc khi nào sở hữu đủ tiềm lực và giá trị cốt lõi để phòng thủ trước họ. Nhìn Đông Âu, chúng ta nên tránh trở thành một Belarus thứ hai thay vì so sánh mình với Ukraine. 

Anh Vũ Ngô
Thay vì phần chú thích và nguồn tham khảo như thường lệ, mình hướng bạn đọc tới những đường link sau. Nếu bạn đồng cảm với người dân Ukraine, bạn có thể theo những đường dẫn này để ủng hộ cho họ. 

Bạn có thể vào những website sau bằng google chrome rồi click phải -> dịch sang Tiếng Việt/ translate to English: 
Return Alive Foundation - Tổ chức phi chính phủ sát cánh với dân quân Ukraine. Có thể donate bằng bitcoin. https://savelife.in.ua/donate
Tabletochki - Tổ chức hỗ trợ trẻ em bị ung thư của Ukraine. https://tabletochki.org/  
Happy old – Tổ chức hỗ trợ người già yếu, neo đơn của Ukraine bằng thuốc men và thực phẩm. https://happyold.com.ua/ 
Facebook của tổ chức Hospitallers, chuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân Ukraine trong chiến sự. https://www.facebook.com/hospitallers/
Bàn về chiến sự Nga - Ukraine


Không có nhận xét nào

Quảng Cáo