Hồi 2 năm trước vụ tranh cãi dạy - học Hán Nôm lúc ở cao trào, mình có đùa là sẽ mở lớp dạy chữ Hán để học làm "Hán nô", Chủ ý tro...
Hồi 2 năm trước vụ tranh cãi dạy - học Hán Nôm lúc ở cao trào, mình có đùa là sẽ mở lớp dạy chữ Hán để học làm "Hán nô",
Chủ ý troll nhưng thấy nhiều bạn hưởng ứng một cách nghiêm túc, các bạn thật có tinh thần học hỏi. Các bạn bỏ đi không cần chú tâm phần sau "để làm Hán nô" đầy châm chọc mà chỉ giữ lại phương châm "Học chữ Hán" , quả thật rất là tài tình.
Thật ra là mình chỉ biết không quá 20 chữ Nôm, chữ Nôm còn khó học hơn cả chữ Hán. Còn chữ Hán đọc theo âm Hán Việt xem ra dễ đọc hơn vì có nhiều tác phẩm dịch như văn, thơ, tiểu thuyết v.v... vừa có nguyên tác đối chiếu. Hầu như nguyên tác chữ Nôm không có xuất bản.
Mình học chữ Hán đọc theo âm Hán Việt bắt đầu vào năm lớp 8, khi học "Nhật ký trong tù" (獄中日記), đến bài " nghe tiếng giã gạo" ( văn thung mễ thanh - 聞舂米聲) cô giáo viết tựa lên bằng chữ Hán mình thấy chữ cô xấu quá ( dĩ nhiên vì cô không biết chữ Hán, chỉ cố gò theo hình, gọi là vẽ chữ), mình liền xung phong lên bảng chép nguyên bài!
Từ đó mình học chữ Hán qua thơ văn, qua "nhật ký trong tù" và các bài văn thơ như : Thuật hoài, (述懷) của Phạm Ngũ Lão, " Độc Tiểu Thanh ký" ( 讀小青記) của Nguyễn Du, "Cáo tật thị chúng " (告疾示眾) của thiền sư Mãn Giác v.v... Dĩ nhiên là cùng với căn bản Đường Thi của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Liễu Tông Nguyên, Hàn Dũ, Đỗ Mục, Bạch Cư Dị, v.v... và các bản dịch cùng nguyên tác của Thủy Hử, Tam Quốc diễn nghĩa, ..
Mình add nick vớ một số bạn trên facebook đây có nền tảng và trình độ Hán (tự) học tốt như Trần Quang Đức ( tiếc là mình add hồi nick cũ, sau bị ban nick, nick mới bạn ấy không cho add nữa) , Chu Giang Phong v.v... Mình được mở mang tầm mắt, học hỏi rất nhiều.
Mình yêu thích cổ văn, mê thư pháp, tranh thủy mặc nên tìm đến những thứ này như là thứ tiêu khiển, cũng là cách để giải tỏa áp lực trong cuộc sống. đôi lúc chỉ vì ham vui lấn sân sang những thứ trending nóng trên mạng, mà dính dáng đến thời cuộc, hiện tình quốc gia, làm nhiều người lầm tưởng mình là thế này thế nọ, thế lọ thế chai, riết rồi đam mê cũ dần phai lạt, bằng hữu cũ rơi rụng, thành ra dơi chẳng ra dơi mà chuột cũng chẳng ra chuột, chả biết mình là gì.
Cổ văn, Hán tự, thư pháp, Đường Thi, thơ chữ Hán Lý - Trần- Lê, v.v..là một thứ để người ta tìm về quá khứ, đắm mình trong nét tao nhã của tao nhân mặc khách, là thứ rèn luyện cho mình bản tính trầm lặng, yêu thiên nhiên, quý trọng con người và cuộc sống, trân trọng tình cảm và quan hệ mà mình thấy xã hội công nghiệp khiến cho những điều này dần mất đi. Giờ đi gặp gỡ bạn bè, ai cũng chúi mũi dán mắt vào chiếc smartphone khiến mình ái ngại, chẳng biết ra ngồi gặp họ như vậy để làm gì? và như vậy văn thơ cổ, tranh, thư pháp làm cho mình thấy cân bằng.
Khi mình trầm mặc hay tĩnh tại, kết nối với quá khứ bằng những thứ tao nhã, mình mới có nhiều hơn không gian và thời gian chiêm nghiệm về những gì mình đã trải qua, những thành công hay thất bại, những bài học của tiền nhân mà những lúc chính mình khi lâm vào hoàn cảnh tương tự sẽ là những lựa chọn cân nhắc ứng xử cho mình.
Có những câu nói, những bài thơ là đúc kết của cuộc đời người viết, là những điển tích , những câu chuyện gắn liền với nó làm bài học xương máu. Hơn nữa, khi cầm bút lên, viết một chữ, thì sẽ cho mình thấy tâm trạng lúc đó của mình: nếu khoan khoái thoải mái, nét chữ sẽ như rồng bay phượng múa khỏe khoắn, đầy sức sống. còn khi tâm trạng nặng trĩu, lòng chứa đựng ưu phiền, chữ xiêu vẹo nghiêng ngả, mất hồn như chính người viết, hoặc đôi khi không có cảm hứng viết. Lưu giữ nét chữ mình, thỉnh thoảng nhìn lại, để thấy được những cung bậc cảm xúc những thời điểm tâm trạng của cá nhân mình, nét chữ là nét người.
Thật kỳ lạ là khi càng thích thú tìm hiểu và đọc với những thứ này, qua thời gian mình càng cảm thấy tâm hồn mình càng trẻ trung, không phải như người ta nói những thứ đó là sở thích và thú vui của những người già cả, bô lão. Tâm trạng hào hứng, háo hức, hay thái độ cầu thị tìm tòi học hỏi liên tục chính nó làm cho mình suy nghĩ mình luôn luôn là một học trò, học sinh nghiên cứu học hỏi trong cái biển cả rộng lớn này. Mình cảm thấy được ở trong một không gian lớn lao, mà tầm vóc nhỏ bé hay tuổi đời không còn là thứ quan trọng, tâm hồn trẻ, con người trẻ, suy nghĩ trẻ... là liều thuốc bổ cho tất cả mọi người, huống chi mọi thứ luôn là mới mẻ, luôn là thứ "cổ xưa" nếu so với con người hiện đại của mình, và khi đặt mình trong đó thì mình luôn trở nên một người trẻ tuổi so với độ "già cỗi" hàng trăm, ngàn năm về năm tháng của những tác phẩm đó. Sức sống tươi trẻ vì thế luôn trào dâng trong bản thân chúng ta.
Nhất là trong thời điểm vào xuân này, thử hỏi những thứ hiện đại, những báo chí, hình ảnh, mạng internet,... có thể nào sánh được với cảnh xuân trong văn chương, trong thư pháp, trong tranh vẽ,.. hay không? Nếu nói về nét đẹp của mùa xuân, những gì mà cổ văn, cổ thi, thơ văn Hán tự ,.. là một thứ cho ta dường như vô tận khi cảm thụ nét đẹp của thời khắc này.
Không có nhận xét nào