NHỮNG NGÀY TUỔI THƠ.( 4 ) Trên chiếc xe cam nhông từ biệt quê hương. Nắng tháng tám hoe vàng mà hình như lòng ai nấy đều bùi ngùi khó ...
NHỮNG NGÀY TUỔI THƠ.( 4 )
Trên chiếc xe cam nhông từ biệt quê hương. Nắng tháng tám hoe vàng mà hình như lòng ai nấy đều bùi ngùi khó tả. Cha mẹ và các anh tôi đang im lặng không biết họ đang nghĩ gì. Cũng như khoảng hơn hai chục người trên xe ai cũng im lìm. Họ không cười, không khóc, không một cử chỉ , hành vi nào để có thể đoán biết những gì họ đang suy nghĩ. Nhưng chắc chăn rằng ai nấy cũng đang buồn, đang lo âu về những tháng năm vô định trên đất khách quê người.
Không ai nói gì cả và chiếc xe chầm chậm, từ từ lăn bánh ra khỏi đường cái quan của làng. Con đường quốc lộ số 1, con đường chạy dài từ bắc vào nam mở ra một cuộc hành trình xa xôi, vạn dặm. Con đường dù chỉ một lối nhưng là một cánh cửa đi vào một thế giới mênh mang, xa lạ của cuộc đời . Chúng tôi, những đứa con của ông , riêng tôi, một thằng bé quê chin tuổi, đang ngước nhìn, đang vọng ngắm bầu trời chiều, làn gió mỏng mát rượi từ thành chiếc xe GMC thổi vào . Chiếc xe không trần, không bạt ở trên , chúng tôi thấy một bầu trời bao la rộng mát.. Một cảm giác lạ lùng của cậu con trai có cái gì đầy mới lạ. Dù cho đến lúc ấy tôi chưa hề bước chân đi xa hơn vài cây số ngoài lũy tre quanh làng..
Bây giờ trước mắt tôi là ngọn đồi Lèo-Heo mà xe đang trờ tới. Con đồi thân quen. Quang cảnh và cái tên của con đồi dấy lên trong tôi với bao luyến nhớ xa xôi. Với nhiều thân yêu, thương mến. Mẹ tôi từng kể , cách đây vài năm, nơi ấy là mảnh đất, khu vườn, là ngôi nhà xiêu vẹo đơn sơ , mái tranh vách đất nơi ông ngoại tôi đã từng ở. Trong mái nhà ấy, kể từ khi mẹ tôi theo ba tôi vế trên làng Hồ Xá cách đó không xa, khoảng chừng hai cây số. Ngoài ông ngoại tôi ra, còn có bà dì và ông cậu cùng ở. Một thời gian sau. Cậu tôi đi làm thợ mộc cho Nhật, rồi đi lính Tây . Dì tôi phụ ông ngoại tôi nấu rượu lậu vài lần , bị Tây Đoan bắt, mất hết cả vốn lẫn lời và rồi dì tôi một đêm theo chồng lên chiến khu Việt Minh kháng chiên. Bỏ ngoại tôi côi cút một mình trong căn nhà lạnh lẽo , cô đơn và rồi cũng héo hon theo cùng năm tháng.. Cuộc đời ngoại tôi, tôi khi ấy còn nhỏ , nghe mẹ và anh tôi kể lại. Thời gian ấy, ngoại tôi sống một mình nghèo và cô đơn lắm. Trong một căn nhà gió lùa vào liếp tre. Đêm đêm dù nắng, dù mưa dù bão bùng, dù sương tuyết , Người vẫn đơn chiếc một mình. Các anh tôi, họ phải ở nhà để giữ bò, cuốc đất, làm việc đồng áng phụ với cha tôi nên không xuống cùng Người được. Có nhiều khi vào những buổi sáng Ngươi có một bát cơm sắn lót lòng. Hôm nào ngoại biết anh tôi sẽ xuống nhà, ngoại chỉ ăn mấy lát sắn , uống một đọi nước chè xanh cho đỡ lòng để ra vườn cuốc đất trồng khoai, phần cơm còn lại trong chén, ngoại dành cho cháu.
Mẹ tôi ngày xưa được sinh ra trong Huế, ở làng An Hòa. Khi ấy, ông nội bà làm quan ngự-y ( bác sĩ cho vua). Mỗi lần ông cụ đi chầu về là mang theo bánh in, bánh ít cho bà. Sau khi ông cố tôi mất đi, ông ngoại tôi học hành không đổ đạt gì nên phải di chuyển gia đình ra Quảng Trị để kiếm ruộng vườn , đất đai làm kế sống. Nói về tình hình địa lý một chút. Quảng Trị và Thừa Thiên ngày xưa là thuộc châu Thuận Hóa, tức thuộc Huế, có nghĩa rằng chữ Huế là tên của cả vùng Quảng Trị và Thừa Thiên. Sau này khi có ai đó gọi người này, anh kia là người Huế thì người ta thường hiểu là người ở kinh thành, đôi khi người ta cũng nghĩ người ấy là sinh trưởng ở tỉnh Thừa Thiên mà thôi. Đó là chuyện ngững ngày trong quá khứ !.
Mảnh đất hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh là thuộc Châu Ô, Châu Rí của vua Chàm Chế Mân hiến dâng cho nước Đại Việt để chiếm được công chúa Huyền Trân . Việc này, lịch sử ta đã ghi. Cuộc xuất giá của nàng công chúa lá ngọc cành vàng đã gây cho đời bao nhiêu tiếc nuối, để cho nhiều nước mắt của thi nhân đã tuôn trào . Để cho người tình Trần Khắc Chung tiếc thương,,,và “Tiếc thay cây quế giữa rừng. Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo “.Là một câu chuyện buồn trong lịch sử.
Người đời thường cho rằng Huyền Trân công chúa đã hy hiến thân mình để giang sơn đất nước Việt Nam ta mở rộng thêm bờ cõi. Và lấy làm hãnh diện, vui mừng. Tôi thì thấy thương tiếc cho một con người, một giai nhân như công chúa Huyền Trân mà phải rơi vào hoàn cảnh đau thương ! Ngay cả một kẻ mồ côi khi tuổi còn thơ ấu mà bị kẻ khác định đoạt cuộc đời của mình cũng đã đau khổ cho họ lắm rồi. Tôi không cho việc làm này của triều đại nhà Trần là đúng. Mà đó là một hành động vô tâm, vô cảm giữa con người với nhau, hay sát nghĩa hơn , là Trần Nhân Tôn đã tàn nhẫn giết chết con mình. Dù công chúa ra đi để đổi lấy trăm ngàn vật báu, nhưng châu báu ngọc ngà cũng không bằng đời sống của một sinh linh, một con người. Hay đúng hơn là một quả tim, một dòng máu biết vui, biết buồn , biết hờn, biết tủi. Thử hỏi, cả một đất nước trong dạ tiệc tưng bừng trong lúc ấy một người con gái bị giam trong ngục tù của tình yêu thương. Nỗi lòng chất ngất nhung nhớ :Nhớ cha , nhớ mẹ, nhớ anh , nhớ em..Nhớ căn phòng mình từng ngủ, nhớ những tầng cấp ra vào, nhớ những ánh sương ban sáng, ngọn đèn trong đêm. Dù bây giờ nàng là hoàng hậu, là thứ phi, dù có cung son điện ngọc thì chỉ là một con hoàng oanh bị nhốt trong lồng, huống hồ một giai nhân đã từng sinh ra, lớn lên trong cung vàng điện ngọc , và hơn nữa nàng cũng là một quốc sắc thiên hương, một thi nhân, một tài tử đa tình lãng mạn.ngay trên bước đường xa quê, nàng đã sáng tác bài thơ " Nước non ngàn dặm ra đi ...". Thì làm sao nước mắt có khi nào vơi đi trên khóe mắt nàng cho được ?!! Ai vui sướng , ai huênh hoang không biết, trong lúc nàng phải khổ đau ? Tôi là một kẻ hậu thế, nhưng ngẫm thế thái, nhân tình thì lòng tôi không khỏi chùng xuống,, tiếc thương dù cho chuyện người xưa đã qua rồi. Nhưng vết xe đổ của người xưa ta cũng cần có những suy nghĩ, đaắn đo cho phải lý, hợp tình cho kẻ hậu sinh mai đây nên tránh. Và cũng xin thế nhân, mọi việc gì cũng nên đặt sự kiện lên bàn cân, đặt căn bản con người lên mỗi nhịp đập của con tim , việc đó có làm cho người ta phải chịu đau thương, thổn thức haykhông trước đã. Trong vũ trụ mênh mang , trong thế giới thì muôn ngàn sinh sinh, diêt diệt, nhưng trái tim của mỗi con người và nhịp đập của nó chính là những gì tiêu biểu cho một đời sống thật sự trong thế giới này. Nếu không có con tim và nhịp đập của nó thì tôi chắc chắn rằng vũ trụ này cũng khô khan, không còn sinh khí, và sụp đổ và cuộc sống này cũng vô nghĩa mà thôi. Nên xin ai đó đừng thờ ơ, đừng hững hờ !!! Chúng ta, những con người lấy cái tâm ra để quán xét . Là những con người sống theo nhân bản, nhân vị của mỗi con người. Chính vì thế ta mới có sự khác biệt với Cộng Sản và chống nó. Mỗi cá nhân con người thì không phải là mỗi xích sắt trong vòng xích tàn nhẫn kéo đi. Mỗi con người ai cũng có tính năng cá biệt mà bây giờ ta gọi là nhân quyền, nhân vị. Nên chúng ta có nên trở về nền văn hóa đem các cô gái còn trinh ra tế thần như thời thượng cổ hay không ?!?!?.!!!
Từ đó , ông ngoại tôi dù là Viên Tử theo sắc chỉ của triều đình, Người đã theo nghề thầy thuốc, nhưng không mama2khi tuổi già phải cuốc đất trồng lang nơi triền đồi hiu quạnh. Cho đến lúc lìa bỏ cuộc đời....Chiều nay, trên bước đường tha phương, nhìn lại cảnh cũ , tưởng về người xưa, tôi không biết mẹ tôi, hai anh tôi đang nghĩ gì và lòng tôi thì đang thầm khóc : Ra đi rồi biết ngày nào về lại chốn cũ, người xưa. Ôi đồi Lèo-Heo, ngọn đồi thương nhớ!!!
.
Vào chiều nay, tâm tư tôi trải dài giữa u buồn và phấn khởi. Con đường quốc lộ tôi đang đi với những núi đồi, ruộng đồng, sông nước chắc là một giấc mơ ẩn khuất từ thuở chào đời, bây giờ bắt đầu trải rộng ra, bắt đầu hiện thực. Tôi ôm bầu trời. Tôi hít ngập vào lồng ngực làn không khí tươi mát thơm tho, xa lạ, huyền diệu vào buồng phổi, vào tâm hồn mình một cách hồn nhiên mà không biêt gì gọi là nỗi buồn xa quê hương, xứ sở.
Phải nói thật, không biết giờ này tôi nên vui hay nên buồn đây, mà tôi cũng không biết được. Mới cách đây vài hôm, trong buổi chiều trong lớp học. Đây là một lớp hè do một thanh niên đã có trình độ khoảng lớp nhì hay lớp nhất ( lớp 4 hay lớp 5 bây giờ ) mở ra dạy cho học trò trong xóm. Vốn là quyển vở bìa xích lô mà anh tôi mua cho . Quyển vở còn mới tinh, mùi giấy còn nồng, nét gạch hàng trên trang giấy còn xanh và thơm màu khác lạ. Tôi thì quí vị biết rồi, vốn là thằng bé nhà quê, dơ dáy. Aó quần không khi nào sạch sẽ, tươm tất. Có lúc quẹt nước mũi, nước miếng cả vào vạt áo, vào tay áo. Tôi có khi nào rửa mặt, rửa tay đâu mà nói sạch. Mọi hành động vệ sinh chỉ nhờ vào dòng sông trước mặt. Ngày nắng ráo, chạy ra bờ, cởi chiếc quần xà lỏn ra, trước khi nhảy ùm xuống sông thì nhúng nước cái quần, chà-chà giủ-giủ vài cái rồi phơi trên bụi cây. Khi bơi lặn xong, quần cũng vừa khô là mang về. Buổi tối, mẹ tôi để cái chổi trành ( chổi chà ) chỉ việc chà cái chân và leo lên ngủ. Trang vở với những bài toán đầu tiên, Nào mực, nào dấu đỏ của đất do bàn tay tôi bám vào. Thêm vào đó , những con số trong các bài toán tôi làm sai, nên sửa đi, sửa lại lem nhem, luốc nhuốc..Thế là khi ông thầy chấm bài, phát hiện ra, ông cho tôi quì xơ mít gần cả buổi chiều. Chân đau, nước mắt chảy ra. Tôi nghĩ cuộc đời sao gian truân lắm thế !. Tôi muốn òa khóc thật to, nhưng sợ mấy đứa bạn nó cười. Thật ra, cam khổ đời tôi với cái lớp học này. Tôi cứ bị phạt, bị roi, bị quì hoài. Hình như mấy miếng xơ mít khô là để dành cho thằng Qúy con ông Nguyện. (Thật ra, cha tôi tên là Ngãi, Nguyện là tên của anh tôi. Nhưng quê tôi có tập quán gọi tên con cho người cha, nên cha tôi , trong làng nước thường gọi là ông Nguyện ). Chuyện tôi bị phạt, bị hành trong lớp học là chuyện thường ngày dành cho tôi.
Có một lần viết chính tả , tôi viết sai trên chục lỗi. Thế là ông thầy cho tôi một con trứng vịt thật to ( tức là điểm không mà bạn bè tôi nó chế nhạo là tôi bị ăn trứng vịt). Nếu chỉ thế thì không sao! Ông thầy còn bảo tôi nằm xuống và quất ba roi vào mông đít đau điếng. Ông bắt tôi chạy ra ngoài nhà bếp nhà, mượn một cái đọi ( cái tô ), rót một đọi nước chè, đem lên giữa lớp mà mời o Mộng lên , vòng tay lại mời o Mộng uống. Nhưng hởi ơi, đừng có ai nghĩ rằng O Mộng của tôi là sắc nước hương trời, chim sa cá lặn. Không phải đâu ! O Mộng là một con bé cũng khoảng ngang tuổi tôi, hay đái dầm. Lúc nào cũng ở trần, chỉ mặc cái quần đen dài, mũi dãi lúc nào cũng chảy dài dài và khi đứng cạnh nàng thì hôi hám lắm. Khi ra mượn tô, xin nước, mấy bà giả gạo, sàng lúa sau nhà họ cười, họ nói với nhau : “ Chao ôi, con ông Nguyện chi tệ rứa tề !” Chuyện lành đồn xa, chuyện dữ đồn ba ngày đàng. Cả làng ai cũng biết tôi, thằng Qúy là đứa học trò ngu nhất. Đời tôi lớn lên chắc phải đi giữ trâu, trai cày. Người yêu dấu của tôi là mẫu người như O Mộng.
Không có nhận xét nào