Sự kiện Kim Jong-Un và Moon Jae-in gặp nhau ở Bàn Môn Điếm làm hao tốn biết bao giấy mực và bandwidth của giới báo chí thế giới. Các nhà ...
Sự kiện Kim Jong-Un và Moon Jae-in gặp nhau ở Bàn Môn Điếm làm hao tốn biết bao giấy mực và bandwidth của giới báo chí thế giới. Các nhà 'pundit' của Việt Nam cũng có nhiều bàn luận và so sánh với tình hình của hai miền Nam Bắc Việt Nam trước đây. Hình như nhiều người lạc quan cho rằng Nam và Bắc Hàn sẽ thống nhất sau cuộc họp thượng đỉnh này. Tôi thì nghĩ chuyện thống nhất không bao giờ xảy ra, ít ra là trong tương lai gần.
Hôm còn ở Seoul, tôi định ghé qua khu DMZ và Bàn Môn Điếm, nhưng rất tiếc là họ đóng cửa vào ngày Thứ Hai. Đành phải chờ chuyến công tác sau để đến đó một lần cho biết.
Trong thời gian ở Seoul, tôi thấy người dân ở đây (qua báo chí) có vẻ chẳng quan tâm mấy đến việc Tổng thống Moon Jae-in gặp Kim Jong-Un. Báo chí hiếm khi nhắc đến. Nói chuyện với giới trí thức Hàn Quốc trong hội nghị SICEM thì chẳng ai quan tâm, họ chỉ lịch sự cười nói cho qua. Tôi rất ngạc nhiên. Xem ra người Việt Nam có vẻ lo ngại cho người Hàn hơn là người Hàn lo cho họ!
Nhớ hôm gặp gỡ trong buổi dạ tiệc, tôi hỏi một anh giáo sư về viễn cảnh thống nhất Nam Bắc Hàn, anh ấy nói điều đó chắc sẽ chẳng xảy ra, rồi lãng sang chuyện khác. Mà, tôi nghĩ cũng chẳng có lí do gì phải thống nhất hai bên. Nam Hàn bây giờ đã quá khác Bắc Hàn. Nam Hàn ngày nay là một nước phong cách "Tây", giàu có, văn minh, và có vẻ hạnh phúc. Còn Bắc Hàn là gì thì ai cũng biết rồi. Thống nhất hai miền thì Nam Hàn sẽ lãnh đủ, sẽ phải "nuôi" Bắc Hàn dài dài (như Tây Đức nuôi Đông Đức). Do đó, tôi nghĩ người Nam Hàn chẳng ham muốn thống nhất với Bắc Hàn làm gì; thống nhất chỉ đem cái 'của nợ' về cho họ và làm chậm tiến trình phát triển của Nam Hàn mà thôi.
Thử tưởng tượng một cộng đồng dân tộc bị nhồi sọ suốt hơn nửa thế kỉ có thể hòa nhập với một cộng đồng tiên tiến. Ở Bắc Hàn, người dân, từ học trò đến người lớn, được dạy rằng người Nam Hàn nghèo đói, sống trong thiếu thốn, rên siết với gót giầy xâm lăng của Đế Quốc Mĩ. (Và, điều này thì cũng chẳng khác gì người miền Bắc VN từng được dạy rằng dân trong Nam nghèo khổ, thiếu ăn, và ngày đêm đang bị gót giầy của Mĩ Ngụy dẫm đạp). Một cộng đồng dân tộc tối ngày chỉ biết đảng và 'bác Kim', thì làm sao họ có thể hội nhập vào thế giới văn minh, hay nếu có thì sẽ tốn rất nhiều thời gian.
Nghiên cứu ở Đức cho thấy cho đến ngày nay (sau hơn 20 năm thống nhất) mà cách suy nghĩ và thái độ vẫn còn khác biệt giữa hai nước. Tờ Economist mấy năm trước có công bố một báo cáo nghiên cứu "Under capitalism" cho biết người Đông Đức 'phơi nhiễm' cái hệ thống mà họ gọi là "Soviet system" sản sinh ra gian dối để hưởng lợi cá nhân. Ở Việt Nam, sau 1975 những gì xảy ra cũng cho thấy tình trạng phân biệt như thế. Nếu Nam Hàn và Bắc Hàn thống nhất, thì chắc chắn tình trạng này cũng xảy ra.
Cuộc gặp gỡ ở Bàn Môn Điếm chỉ mang tính biểu tượng. Ai nấy về nhà mình và theo đuổi những suy nghĩ của mình. Đằng sau những nụ cười và những ngôn từ ngoại giao hoa mĩ, tôi nghĩ Kim Jung-Un vẫn xem Nam Hàn là tay sai của Mĩ và 'phồn vinh giả tạo' (cũng như dù đã 43 năm soi sáng nhưng những chữ như 'Mĩ Ngụy' và 'tay sai' vẫn còn xuất hiện ở Việt Nam vậy thôi). Rồi mai đây mốt nọ, chúng ta sẽ thấy Kim lại đe dọa tung thêm vài hỏa tiển để được tài trợ xóa đói giảm nghèo. Cảm hóa những người cộng sản như Kim Jong-Un chỉ là một mộng tưởng, nếu không muốn nói là một ý tưởng điên rồ.
Theo Nguyễn Tuấn
Không có nhận xét nào