Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Classic Header

{fbt_classic_header}

Breaking News:

latest

ĐỂ HIỂU KINH TẾ THỊ TRƯỜNG, KHÔNG THỂ KHÔNG ĐỌC HAYEK

Một chị bán cá ngoài chợ dễ dàng hiểu kinh tế thị trường hơn là các chuyên gia kinh tế hay các nhà trí thức văn hay chữ tốt. Còn với chúng t...

Một chị bán cá ngoài chợ dễ dàng hiểu kinh tế thị trường hơn là các chuyên gia kinh tế hay các nhà trí thức văn hay chữ tốt. Còn với chúng ta – tôi và những người ít nhiều bị tiêm nhiễm bởi sách vở như tôi – cần được khai minh mới có thể thoát khỏi vòng vây của giới trí thức để hiểu được đạo lý của chị bán cá. Trong dòng trí tuệ này, bạn có thể đọc Adam Smith, John Locke, Alexis De Tocqueville, Ludwid von Mises, Milton Friedman… và không thể không đọc Friedrich A. Hayek. 

Hayek là triết gia tự do lớn nhất thế kỷ 20, người ta còn gọi Thế kỷ 20 là “Thế kỷ Hayek”.  Đoạt giải Nobel kinh tế năm 1974 sau mấy chục năm bị đẩy ra ngoài lề kinh tế học, Hayek trở thành niềm cảm hứng vô biên của bà đầm thép Margaret Thatcher. Ông là người chống kinh tế kế hoạch hóa kiên định nhất và là nhà tiên tri về sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô cũ. 

Có thể nói, ảnh hưởng trí tuệ của Hayek đối với sự hồi sinh của kinh tế thị trường trong thế kỷ 20 là sâu rộng nhất và chắc chắn còn sâu rộng hơn trong thế kỷ 21. Một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, các nhà hoạch định chính sách nhằm bảo đảm sự vận hành thông suốt của thị trường, từ Anh đến Mỹ và CHLB Đức, từ Trung Quốc cho đến các nền kinh tế mới nổi đều chịu ảnh hưởng trí tuệ của ông. Cuộc cách mạng Thatcher – Reagan thổi một ngọn gió lành làm hồi sinh kinh tế thị trường vào những thập kỷ cuối của thế kỷ 20 là dựa trên nền tảng trí tuệ Hayek – Friedman. Không có ngọn gió lành đó, không có sự chuyển đổi ở Trung Quốc và khó có công cuộc Đổi Mới ở Việt Nam. Ở Việt Nam, hàm lượng kinh tế thị trường trong các chính sách của công cuộc đổi mới, một cách gián tiếp cũng chịu ảnh hưởng trí tuệ từ ông, dù không được tuyên bố. 

Ngày nay không ai phản đối kinh tế thị trường, nhưng hãy nhớ rằng từ những năm 30 mãi cho đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước, không chỉ ở Liên Xô mà ngay ở phương Tây tư bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường vẫn không được người ta tin tưởng. Tại nước Anh trước Thatcher, “kinh tế thị trường” gần như là một cụm từ xấu xa mà giới trí thức né tránh. Hayek từng nói một cách chua xót : “Khi tôi còn trẻ, chỉ có vài người già tin tưởng thị trường tự do; khi tôi là trung niên, trừ tôi ra không còn ai tin vào nó”. 

Và ngay trong thời điểm hiện tại, kinh tế thị trường ở trạng thái nguyên vẹn của nó vẫn không được đông đảo các chính trị gia phương Tây đánh giá cao, đơn giản là vì muốn trở lại tình trạng nguyên vẹn của nó thì nhà nước phải bị thu hẹp, quyền lực phải bị giới hạn. Dân chúng vốn được nuông chiều trong bầu sữa của nhà nước phúc lợi và các chính sách an sinh xã hội dễ dãi rất không mặn mà với các chính sách tự do. 

Trong diễn từ nhận Giải Nobel kinh tế, Hayek bất ngờ tuyên bố kinh tế học (vĩ mô) hiện đại là tri thức ngụy tạo. Có lẽ vì vậy mà ông bị các kinh tế gia chính thống phương tây căm ghét. Ông không chỉ “không đội trời chung” với chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa mà còn chống cả mô hình nhà nước phúc lợi và mọi hình thức của chủ nghĩa can thiệp làm phình to bộ máy nhà nước, trong đó có việc tước đoạt tài sản bằng thuế lũy tiến để thực hiện "sứ mệnh công bằng xã hội". Ông đương nhiên ủng hộ chế độ dân chủ, chí ít là chế độ này có thể giải quyết bất đồng bằng việc “đếm số người thay vì đánh nhau”, nhưng đó phải là nền dân chủ có giới hạn. Ông viết : “Mặc dù việc có một chính quyền dân chủ bị giới hạn được xem là có lý do xác đáng hơn một chính quyền phi dân chủ, nhưng phải thú nhận rằng, tôi muốn có một chính quyền phi dân chủ đứng dưới luật hơn là một chính quyền dân chủ không bị giới hạn”. Và rằng : “Tất cả các nền dân chủ mà ngày nay chúng ta biết đến ở phương Tây ít nhiều đều là dân chủ không bị giới hạn” (Dân chủ đi về đâu ? viết năm 1976). Theo ông, dân chủ không bị giới hạn trước sau cũng dẫn đến chế độ toàn trị và là kẻ thù của tự do. Ông cho rằng dân chủ là phương tiện đi đến tự do nhưng là một phương tiện không đầy đủ. Cảnh báo về nguy cơ của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít, ông viết : “Với mô hình chính trị đang thịnh hành (ở phương Tây), có lẽ một nhà lãnh đạo có uy tín đôi lúc có thể dám nói “không”, nhưng một đại diện cử tri thông thường, để hy vọng giữ được cái ghế của mình, không thể nói “không” đối với bất kỳ một lượng đáng kể cử tri của mình, dù cho các đòi hỏi của họ không chính đáng”.

Từng tiên đoán chính xác về sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa, ông tiếp tục cảnh báo về nguy cơ nền dân chủ sẽ bị phá hủy trong mô hình nhà nước phúc lợi : “Những xu thế hiện tại cho thấy rằng sẽ có sự nổi dậy của một lực lượng đông đảo những người mà chính phủ không thể thoái thác trách nhiệm phải đáp ứng phúc lợi và địa vị xã hội của họ, và sự nổi loạn của họ vì lý do không được trả đầy đủ, hoặc vì bị yêu cầu phải làm việc nặng nhọc hơn mức mà họ thích, ắt sẽ bị đàn áp bằng roi da và súng máy : đây cũng là kết cục gây ra bởi chính những con người thực tâm có ý định làm thỏa mãn tất cả ước muốn của mọi người” (Chủ nghĩa xã hội và khoa học, viết năm 1976). Những cuộc biểu tình chống thắt lưng buộc bụng trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu thời gian qua đã chứng minh lời tiên đoán đó, chỉ thiếu việc “đàn áp bằng roi da và súng máy” mà thôi.

Về phía dân chúng, Hayek lưu ý : “Sẽ chẳng thể nào xây dựng được một xã hội tử tế trừ phi dân chúng học được cách chấp nhận rằng đa số sự bất mãn của họ là không chính đáng, và họ không nên lấy chúng để đòi hỏi những người khác, và rằng trên thế giới này không nên coi nhà nước là bộ máy hiệu quả có khả năng gánh vác trách nhiệm trong việc mang lại hạnh phúc cho các nhóm người cụ thể”.

Tự do đi liền với rủi ro. Nhưng bi kịch của nhân loại là vừa thích tự do lại vừa muốn an toàn. Cho nên cả tự do lẫn an toàn đều không có. Gần một thế kỷ qua, tự do vẫn chòi đạp một cách tiệm tiến qua những thăng trầm của lịch sử.  Vấn  đề là, với bản chất khoan dung của nó, xã hội tự do cũng đồng thời tạo ra các lực lượng phá hủy tự do. Cũng theo Hayek  : “Có lẽ tác hại lớn nhất đối với chủ nghĩa tự do chính là sự kiên quyết của một số người ủng hộ nó, những người bảo vệ đến cùng một vài nguyên tắc có tính kinh nghiệm”. Vì sao vậy ? Vì không có những nguyên tắc cứng nhắc bất di bất dịch cho một xã hội tự do (nếu có thì không còn là xã hội tự do nữa), cho nên chỉ cần bác bỏ một luận điểm cụ thể nào đó thì cả lâu đài sẽ sụp đổ. Trong cuốn sách The Commanding Heights : The Battle for the World Economy, hai tác giả Daniel Yergin và Joseph Stanislaw nói rằng các chiến binh cộng hòa Tây Ban Nha trước khi chết miệng đều hô “Staline muôn năm”, nhưng trong lịch sử không có ai chết mà miệng hô “thị trường tự do muôn năm” cả.

Đọc Hayek không phải để trang bị kiến thức kinh tế gì mà chủ yếu để loại bỏ những tri thức ngụy tạo mà chúng ta bị tiêm nhiễm lâu ngày nhằm “phá chấp” để sống tự do. 

Sách của Hayek đã dịch và xuất bản ở Việt Nam của NXB Tri Thức :

+ Đường về nô lệ
+ Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế
+ Cuộc cách mạng ngược trong khoa học
+ Tự do kinh tế và chính thể đại diện

Sách viết về Hayek :

+ Chủ nghĩa tự do của Hayek
+ Friedrich Hayek : Cuộc đời và sự nghiệp.

Có hai cuốn bàn về tự do rất là hay : The Constitution of Liberty và Law, Legislation, and Liberty chưa thấy ai dịch. Rất biết ơn anh Minh Dinh Tuan và các dịch giả đã dành nhiều tâm huyết chuyển ngữ các tác phẩm của Hayek.

HOÀNG HẢI VÂN 



(Hình : TT Mỹ Reagan và Hayek)

Không có nhận xét nào