Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

LẠM BÀN CHÚT VỀ ĐỀ THI VĂN ‘ĐÁNH THỨC TIỀM LỰC’

LẠM BÀN CHÚT VỀ ĐỀ THI VĂN “ĐÁNH THỨC TIỀM LỰC” Đề thi Văn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, mới đọc   trích dẫn đoạn thơ trong bài ...

LẠM BÀN CHÚT VỀ ĐỀ THI VĂN “ĐÁNH THỨC TIỀM LỰC”

Đề thi Văn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, mới đọc   trích dẫn đoạn thơ trong bài “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy tôi hơi giật mình, nhưng đọc 4 câu hỏi thì thấy tương đối ổn.

Giật mình vì nhớ lại mấy câu thơ của Tố Hữu “Đi ta đi khai phá rừng hoang/Hỏi núi non cao đâu sắt đâu vàng…”. Chính tâm thế “làm chủ thiên nhiên” ấy đã khơi mào cho một cuộc tàn phá rừng khủng khiếp nhất trong lịch sử nước ta mà hậu quả là tần suất lũ lụt ngày càng dày đặc, ngày càng khủng khiếp.

Đoạn thơ của nhà thơ Nguyễn Duy ra đời trước Đổi Mới, cũng với một tâm thế “làm chủ thiên nhiên” dễ hiểu tương tự khi ông viết : “Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non/…Rừng đại ngàn bạc vàng là thế” với hàm ý tiềm năng này cần được “đánh thức”, cần được khai thác.

Chỉ trong vòng nửa thế kỷ, rừng nguyên sinh mất sạch, khoáng sản khai thác vô tội vạ, cát bị hút đến cạn kiệt làm xiêu lệch các dòng sông. Than đá thì càng đào đem bán càng lỗ, bauxite khai tác tùy tiện khiến cho cả một vùng sinh thái đối mặt với thảm họa môi trường. Khi cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu với hai trụ cột là “làm chủ xã hội” và “làm chủ thiên nhiên” bị bãi bỏ, lẽ ra con người phải sống khiêm nhường trước tự nhiên và xã hội hơn, nhưng quán tính của tâm thế cũ vẫn nổi trội khiến cho đất nước bị rút ruột, bị tàn phá khủng khiếp chưa từng thấy. Nếu tâm thế này cứ tiếp tục thì Tổ quốc sẽ xơ xác tiêu điều, đâu còn gì mà để lại cho con cháu !

Những bài văn bài thơ kiểu như trên cần loại khỏi sách giáo để nâng niu lòng khiêm nhường tôn trọng thiên nhiên của học trò. Chúng ta cũng đã từng loại những bài ca ngợi Staline “Thương cha thương mẹ thương chồng/Thương mình thương một thương ông thương mười” của Tố Hữu ra khỏi sách vở.

Tuy nhiên, trong phạm vi đề thi này, tôi thấy tương đối ổn là vì các thầy ra đề đã đặt câu hỏi “Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ : ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên, có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không ?”. Đó là một gợi ý “phản biện” khá hay, kích thích tự do tư tưởng của học sinh. Vấn đề là không biết với nền giáo dục một chiều suốt mấy chục năm qua, học trò của chúng ta ngày nay có thoát khỏi tâm thế “làm chủ thiên nhiên” để chuyển qua tâm thế khiêm nhường trước thiên nhiên hay chưa. Tôi không hoạt động trong ngành giáo dục nên không thể lạm bàn tiếp được.

HOÀNG HẢI VÂN




Không có nhận xét nào

Quảng Cáo