MỘT ĐẤT NƯỚC BUỒN Mặc dù có rất nhiều em cưa cẩm, đò đưa qua lại với mình, nhưng không hiểu sao tôi chỉ đang rung động với một cô em, trong ...
MỘT ĐẤT NƯỚC BUỒN
Mặc dù có rất nhiều em cưa cẩm, đò đưa qua lại với mình, nhưng không hiểu sao tôi chỉ đang rung động với một cô em, trong khi cô em ấy thì ở rất xa, có thể nói là xa lắc xa lơ.
Khi cuộc gọi giữa chúng tôi được kết nối, cũng là lúc có kẻ nào đó đã cố tình nghe lén, đóng giả một thiếu nữ, phá hoại hạnh phúc riêng tư của chúng tôi, cũng giống như việc chúng từng viết bài vu khống tôi trong vụ 141, đốt trụ sở công an, bị đâm xe ở Sài Gòn, cho tới việc gỡ bài, đòi lại mẫu hợp đồng lao động để phủi bỏ trách nhiệm...
Nhưng sống trong cái đất nước này, tôi đã quá quen với điều đó rồi. Tôi hiểu ra rằng với nền văn hóa thân Tàu cũng như kết quả của một quá trình nhồi sọ, tiêm nhiễm lâu dài, dân trí thấp là điều dễ hiểu.
Và tôi cũng không cảm thấy khó hiểu khi phần lớn người dân mà mình từng liều chết đồng hành, phần lớn không lên tiếng bảo vệ mình khi mình gặp nạn.
Trong tận đáy lòng, tôi cũng chỉ hy vọng rằng, các bạn sẽ theo dõi toàn bộ quá trình dấn thân của tôi từ khi tôi còn là anh sinh viên đại học, cho tới lúc trở thành một phóng viên điều tra trẻ liều lĩnh và “mất dạy” nhất Việt Nam, rồi sau đó các bạn hãy nghĩ tới việc bắt tay với rác, vào hùa đấu tố tôi.
Cuộc sống với những nốt nhạc thăng trầm, người nghệ sĩ nào cũng phải có lúc này lúc kia, nhưng tôi cam đoan rằng từ khi bước chân ra đời, tôi chưa bao giờ chủ động vay mượn, xin xỏ ai cả, người nào đồng hành cùng tôi cũng đều do họ tự nguyện, và tôi cũng phải chọn bạn đồng hành chứ không phải ai tôi cũng đồng hành.
Thôi thì về phần cá nhân, việc tôi có bị oan ức thế nào thì cũng không ảnh hưởng tới ai, nhưng khi cả một dân tộc oan ức như tôi, thì tôi sợ rằng, nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều thế hệ, nhiều thế hệ sẽ phải sống trong đau đớn, trong sự tuyệt vọng, sẽ phải trả giá, một cái giá quá đắt.
Các bạn biết không, mấy hôm trước, trong phiên họp Chính phủ, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng 91% người dân hiện nay đều ủng hộ, tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng của chính quyền. Nhưng không hiểu sao, khi nghe được câu nói đó, tự nhiên tôi cảm thấy buồn lắm.
Với số lượng dân oan chất đống như núi Thái Sơn hiện nay, dù họ đã kêu cứu khắp mọi nơi, báo đài cũng đưa tin cả rồi, nhưng cuối cùng, thân phận của họ giống như những kẻ đi bộ trên đường ray, họ đi tìm ánh sáng, và cuối cùng, ánh sáng xuất hiện, một đoàn tàu Thống Nhất đã nghiền nát họ.
Tôi cũng đã phỏng vấn rất nhiều người dân ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc, nhưng thực sự kết quả không giống như lời thủ tướng Phúc nói.
Tôi buồn lắm, chẳng lẽ một người đứng đầu chính phủ lại có thể khẳng định một cách vội vàng, vô căn cứ như vậy sao? Chẳng lẽ từ made in mà hầu như ai cũng biết đọc, lại có thể được nguyên thủ quốc gia đọc là ma dê in được hay sao? Chẳng lẽ một người soạn ra luật an ninh mạng để bắt bớ những tiếng nói phản biện trên facebook, lại có thể đọc facebook thành phê tê bốc được hay sao?
Thực ra, nỗi buồn này chỉ xảy đến khi con người sống trong đất nước ấy bị thuần hóa như những con vật, tất cả bị nhốt chung trong một cái chuồng, tất cả buộc phải nghe lời.
Sắp tới, tôi sẽ lại lên đường để thực hiện những bộ phim tài liệu chân thực, sẽ lại tự biên tự diễn, về những thân phận khốn cùng trong xã hội, những thân phận mà các báo đài trong nước không dám đăng.
Cùng với đó, tôi cũng đang phân vân về việc có nên nghe theo tiếng gọi trái tim, có nên lên đường, tránh xa đất nước này một thời gian hay không, đi để có thêm kiến thức, để biết thêm các vùng đất mới, để có mắt mà nhìn, có mồm để nói, để đỡ phải chết sớm, đi để trở về, để tiết kiệm được mấy năm hưởng thụ trong tù.
Vì với tình hình nợ công hiện nay, rồi cả lạm phát, sự ra đời của đặc khu, luật an ninh mạng, cùng với tinh thần dễ thỏa hiệp của người dân... tôi thừa hiểu điều gì sẽ xảy đến trên đất nước mình.
Đỗ Cường
Không có nhận xét nào