Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Classic Header

{fbt_classic_header}

Breaking News:

latest

CHÊ TRÁCH VÀ KHEN THƯỞNG

CHÊ TRÁCH VÀ KHEN THƯỞNG Chỉ có một vụ mấy vị cựu chiến binh và các cháu sinh viên giành chỗ ngồi với nhau mà thế giới mạng ồn ào suốt cả tu...

CHÊ TRÁCH VÀ KHEN THƯỞNG

CHÊ TRÁCH VÀ KHEN THƯỞNG

Chỉ có một vụ mấy vị cựu chiến binh và các cháu sinh viên giành chỗ ngồi với nhau mà thế giới mạng ồn ào suốt cả tuần nay. Tôi cảm thấy xã hội ta, dưới sự can dự của truyền thông mạng xã hội, đang dần cực đoan hóa các vấn đề.

Tôi không theo dõi sát chuyện này, tôi có thể tóm tắt lại những gì tôi biết như sau:

- Một số cháu sinh viên đã ra khu vực xem diễu binh từ rất sớm, tìm được chỗ ngồi ưng ý, và ngồi đó giữ chỗ nhiều giờ.
- Một số cựu chiến binh đi xem diễu binh, ra trễ, nhưng muốn lấy chỗ ngồi mà các cháu sinh viên đã bỏ công giữ nhiều giờ đồng hồ.
- Các cháu sinh viên đã giữ chỗ ngồi suốt mấy giờ trước đó không đồng ý, và xảy ra cãi cọ. Một số cháu có những lời lẽ không đúng mực.
- Trong một diễn biến khác, một số cháu sinh viên khác đã nhường chỗ cho các cựu chiến binh đi xem diễu binh.
- Đại học Quốc gia đã tổ chức khen thưởng cho các cháu sinh viên nhường chỗ cho các cựu chiến binh.

Dưới góc nhìn sự việc như vậy, tôi thấy như thế này:

Với các cựu chiến binh, tôi đang giả định là những người thực sự có công trong sự kiện Thống nhất đất nước, thì lẽ ra Ban tổ chức phải sắp xếp cho họ chỗ ngồi xem diễu binh riêng. Khi Ban tổ chức, đại diện cho đảng và chính phủ, đã không coi họ là người đặc biệt, cần được ưu tiên, ngay cả trong sự kiện mà họ là người góp công sức, xương máu, để cho họ đi xem chung với dân thường, thì họ phải chấp nhận bình đẳng, ai đến trước ngồi trước, ai đến sau phải chấp nhận chọn chỗ khác.

Tôi biết chắc trên khán đài, khu vực VIP, nơi chỉ có Ban tổ chức mới có quyền cho ai được vô đó ngồi, có rất nhiều người chẳng có can dự gì vào sự kiện thống nhất đất nước cách đây 50 năm cả, nhưng vẫn chễm chệ trên đó. Lẽ ra, họ mới phải là người nhường chỗ cho các cựu chiến binh. Chứ sao lại bắt các cháu sinh viên phải nhường chỗ, ở khu vực được qui định dành cho đại chúng? 

Với các cựu chiến binh, nếu thực sự là những người có công trong sự kiện Thống nhất đất nước, bị đối xử bất công, thì phải thấy rằng, mình không được phép đẩy cái bất công đó sang cho các cháu sinh viên, mà về mặt tuổi tác, chỉ bằng cỡ cháu ngoại, cháu nội của mình. Khi các anh đi chiến đấu, các anh đã chẳng tâm niệm, rằng các anh chiến đấu vì một nước Việt Nam giàu đẹp, công bằng và văn minh đó sao? Không phải các anh từng tâm niệm, rằng các anh chiến đấu và hi sinh cho các thế hệ mai sau hay sao? Các anh cần phải đấu tranh lấy lại công bằng cho mình, chứ không phải đẩy cái bất công mà mình gánh chịu cho thế hệ sau.

Tôi không rõ trong lúc cãi qua cãi lại với các cựu chiến binh, các cháu sinh viên có nói điều gì xúc phạm các cựu chiến binh hay không. Nếu có thì các cháu cần xin lỗi. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các cháu sinh viên ý thức được quyền của mình, và bảo vệ quyền đó. Đó là điều cần phải khuyến khích. Bởi vì, trong xã hội ta bây giờ, rất nhiều người không ý thức được, rằng mình có quyền gì, dẫn đến bị điều khiển. 

Đấy là tôi đang nói đến những cựu chiến binh thực sự có công trong sự kiện Thống nhất đất nước, nay đều đã khoảng 70 tuổi hoặc hơn. Còn những người, dù cũng là cựu chiến binh, nhưng không có chút can dự nào vào sự kiện Thống nhất đất nước cách đây 50 năm, mà bây giờ đòi người khác phải nhường chỗ cho mình trong sự kiện lần này là vô lí.

Tất nhiên, đó là nói về lí. Còn về tình, thì nếu như các cháu sinh viên sắp xếp nhường một số chỗ cho các bác, các ông lớn tuổi, thì điều đó là đáng khen. Các cháu có thể tự khẳng định với mình, rằng việc các cháu nhường chỗ, là do lòng tốt của các cháu, chứ các cháu không có nghĩa vụ phải nhường chỗ. Nhưng mọi người đều ghi nhận, việc các cháu nhường chỗ cho họ là việc tốt, nên làm. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta cần phải cho đi bớt quyền lợi của mình, để mọi thứ được tốt đẹp hơn. Chỉ cần các cháu ý thức được, các cháu cho đi vì lòng tốt, không phải là nghĩa vụ.

Về phía các cháu sinh viên nhường chỗ cho các cựu chiến binh, tôi thấy việc khen họ là điều cần làm. Xã hội này đã không có nhiều người làm điều tốt, thì càng cần phải khuyến khích để mọi người làm điều tốt. Điều quan trọng là khen cho đúng việc. Còn việc tung hô quá đáng, và bây giờ là phản đối rần rần, đều không phải do các cháu sinh viên hoặc do Đại học Quốc gia, mà là do hệ thống truyền thông cố tình tạo ra.

Tôi đặt mình vào vị trí một người hoàn toàn ủng hộ việc tổ chức diễu binh (hay duyệt binh) và các sự kiện hoành tráng nhân kỉ niệm 50 năm ngày Thống nhất đất nước, để viết điều này. Thực ra, trong thâm tâm, tôi cảm thấy rất tiếc tiền, khi cuộc sống quanh ta còn quá nhiều khó khăn, bế tắc.

Không có nhận xét nào