Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NÓI MỘT LẦN VỀ SỰ KIỆN GẠC MA 1988

NÓI MỘT LẦN VỀ SỰ KIỆN GẠC MA 1988 Sau khi cuốn sách Vòng Tròn Gạc Ma ra đời để kể lại về sự kiện hải quân Trung Quốc thảm sát các chiến sĩ ...

NÓI MỘT LẦN VỀ SỰ KIỆN GẠC MA 1988

Sau khi cuốn sách Vòng Tròn Gạc Ma ra đời để kể lại về sự kiện hải quân Trung Quốc thảm sát các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam tại đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) năm 1988 thì trong nội bộ quân đội nổ ra nhiều tranh luận xoay quanh sự kiện này.

Một luồng quan điểm là các chiến sĩ ở Gạc Ma nhận được lệnh “không được nổ súng trước”, còn luồng quan điểm của cuốn sách (và của nhiều người khác) nói rằng có lệnh “không cho nổ súng”. Để làm rõ xem thông tin nào đúng, tôi muốn các bạn có những thông tin dưới đây.

Năm 2017, trong một lần ra Bắc, tôi có trò chuyện với tiến sĩ kinh tế Chu Trí Thành, ông nguyên là sĩ quan quân đội, năm 1988 ông là chiến sĩ của lữ đoàn 146 Hải Quân, trực tiếp tại ngũ và đóng quân ở khu vực quần đảo Trường Sa. 

Tiến sĩ Chu Trí Thành nói với tôi rằng lời đồn về việc quân đội, cụ thể là tướng Lê Đức Anh từng ra lệnh cho hải quân Việt Nam không nổ súng là không chính xác. Lệnh chính xác là “kềm chế và không nổ súng trước”.

Ông Thành giải thích thêm rằng lệnh kềm chế và không nổ súng trước khi đó là rất chính xác vì bối cảnh khi đó thì Việt Nam không thể để Trung Quốc leo thang xung đột để có thể giữ các đảo Trường Sa còn lại. 

Về đối ngoại, Việt Nam khi đó ở vào thế “Mỹ ghét, Liên Xô bỏ” và đảng anh CSTQ trở mặt nên đảng em CSVN không có đồng minh để có thể làm Trung Quốc chùn tay trong việc xâm chiếm lãnh hải. Cái Trung Quốc e ngại lúc đó chỉ duy nhất là dư luận ngoại giao. Nếu Việt Nam khi đó không kềm chế và nổ súng trước thì Trung Quốc sẽ đánh chiếm nốt các đảo còn lại trong ưu thế ngoại giao.

Về đối nội, đảng em CSVN khi đó đang lúng túng về đường lối và lãnh đạo. Tổng bí thư Lê Duẩn, người mà Trung Quốc e ngại, đã chết năm 1987. Với tổng bí thư kế nhiệm mới lên, đảng em còn chưa định hình lại chính sách.

Song song đó là lúc Gạc Ma bị thảm sát thì trong đất liền là đám tang của thủ tướng Phạm Hùng mà người ta nghi vấn cái chết của ông cũng là do Trung Quốc ám sát. Người mở ra đường lối “chống Trung” là Lê Duẩn đã chết, người giữ gìn đường lối là Phạm Hùng đang đám tang thì đảng anh CSTQ cho đánh chiếm Trường Sa và phải chiếm được là điều tất yếu phải xảy ra. 

Nổ súng trước để mất hết và kềm chế nổ súng sau để có ưu thế dư luận nhằm giữ được những gì còn lại thì chúng ta sẽ chọn giải pháp nào ?

Nhắc sự kiện Gạc Ma đang ồn ào trên dư luận trở lại để qua đó tôi muốn nói một điều. 

Trong đảng đang có thanh trừ phe phái. Việc vụ án AVG-Mobiphone đang được xử lý và những người bị cho là sai phạm thì có liên quan đến tướng Lê Đức Anh. Việc sai phạm kinh tế mà đảng xử thì là tốt thôi, nhưng đừng vì để triệt hạ uy tín chính trị của nhau mà nói sai về sự kiện thảm sát Gạc Ma để đảng anh CSTQ hưởng lợi.

Tấn công vây cánh của tướng Lê Đức Anh về sai phạm kinh tế không có nghĩa là lợi dụng sự kiện đau thương Gạc Ma để nhập nhèm thêm tấn công chính trị. Chơi vậy vừa không sòng phẳng vừa làm nản lòng quân đội, là dại dột.

Cuộc tranh chấp Mỹ Trung đã khởi đầu trên thực tế bằng chiến tranh thương mại, là một trong các điều kiện đủ để có thể dẫn đến chiến tranh quân sự. Việt  Nam đang ở vào một tình thế bấp bênh về kinh tế, quốc phòng và đồng minh ngoại giao.

Trong bối cảnh sắp đến, dù đảng và dân có “ghét nhau”, hay trong đảng “ghét nhau” như thế nào đi nữa, thì cũng cần vì lợi ích quốc gia mà có cái nhìn chung ở những vấn đề chiến lược vĩ mô.

Mà muốn có cái nhìn chung ở hiện tại và tương lai thì sự thật lịch sử phải được tôn trọng. Rộng hơn là không chỉ trong sự kiện Gạc Ma.

H.M




Không có nhận xét nào

Quảng Cáo