KHI TRUNG QUỐC KHỐN ĐỐN Giả sử TQ sẽ thua trong cuộc chiến thương mại với Mỹ và cùng với những trục trặc nội tại sẽ rơi vào tình trạng hết s...
KHI TRUNG QUỐC KHỐN ĐỐN
Giả sử TQ sẽ thua trong cuộc chiến thương mại với Mỹ và cùng với những trục trặc nội tại sẽ rơi vào tình trạng hết sức khốn đốn: kinh tế đình đốn, bất ổn xã hội và thậm chí là “nội chiến” thì VN sẽ được gì, mất gì?
Điểm được lớn nhất là sự thỏa mãn của những người bài TQ. Đối tượng mình ghét gặp khó khăn thì phải vỗ tay thật lớn, cười thật thỏa mãn. Tuy nhiên, tỉnh táo thì có thể hiểu ngay rằng nếu TQ khốn đốn, VN cũng khó tránh khỏi vạ lây vì các lý do sau.
Thứ nhất, TQ sẽ sử dụng quyền lực cứng và gây nhiều khó khăn hơn cho Việt Nam.
Tôn Tử Binh pháp được xem là thuật trị quốc của người Trung Hoa và ngày nay được dạy rất nhiều ở các trường kinh doanh hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều nội dung mà ở đó là những chiêu thức lừa đối phương chứ không phải tạo ra lòng tin đích thực, hai bên cùng thắng.
Nếu TQ bất ổn rơi vào tình trạng chiến tranh hay “nội chiến” thì binh pháp này sẽ có nhiều đất sống hơn. VN tiếp tục là nơi ưa thích của TQ để thực thi thuyết này.
“Chuyển lửa” ra bên ngoài là chiêu thức mà bất kỳ chính quyền nào cũng biết. Chính Đặng Tiểu Bình đã dùng chiêu thức này và cho quân xâm lược Việt Nam năm 1979.
Để giảm sự ảnh hưởng của quân đội đồng thời đạt được mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế nói chung, quân đội nói riêng ông ta đã cho phát động cuộc chiến này để cho nội bộ của ông ta thấy sự rệu rã của quân đội, của nền kinh tế.
Kết quả TQ đã có quá trình phát triển thần kỳ trong 4 thập niên. Trái lại, Việt Nam đã phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề từ cuộc chiến này cho dù trên thực tế nói như Vogel là “Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một bài học” chứ không phải như ông Đặng đã nói.
Nếu trong nước xảy ra bất ổn, thì TQ sẽ tiếp tục áp dụng chiêu thức đi gây hấn hoặc tạo điểm nóng ở bên ngoài. Lúc đó, VN sẽ phải dành nhiều nguồn lực hơn để đối phó với việc này và con đường đi đến thịnh vượng của VN sẽ xa hơn.
Ngay cả khi có một “cuộc cách mạng màu” xảy ra ở TQ thì VN cũng sẽ gặp phải nhiều khốn đốn hơn so với một sự chuyển đổi trơn tru như Hàn Quốc và Đài Loan hay một thể chế kiểu Singapore.
Nếu sự chuyển đổi ở TQ theo kiểu cách mạng thì các bất ổn bên trong sẽ rất lớn. Khi đó, bên nào nắm quyền đi chăng nữa thì họ cũng sẽ “chuyển lửa ra bên ngoài” nhằm kêu gọi tinh thần đoàn kết và sự tự tôn dân tộc.
“Cách mạng màu” là kịch bản ưa thích nhất của Mỹ vì vừa triệt hạ được đối thủ mạnh nhất hiện nay, vừa thực hiện được lá bài dân chủ của mình. Nhất cử lưỡng tiện.
Thứ hai, cơ hội trở nên thịnh vượng của VN sẽ giảm. Khi TQ khốn đốn thì nhu cầu hàng hóa của họ sẽ ít hơn nên Việt Nam không thể tăng cường thương mại. Hơn thế, nếu ở bên một quốc gia bất ổn đông dân nhất thế giới, VN khó là địa điểm ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tóm lại, khi TQ khốn đốn thì những người bài Hoa có thể vỗ tay rất lớn và cười rất to để trút đi nỗi “bực dọc” cá nhân. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lợi ích và tương lai của dân tộc, thì chúng ta không thể cười được với kịch bản này.
Sự tự tôn dân tộc là hết sức cần thiết và sự cảnh giác đối với ông bạn phương Bắc không được tốt tính cho lắm đã ăn sâu trong máu của người VN chúng ta. Tuy nhiên, vì lợi ích dân tộc, chúng ta cần phải kìm nén những cảm tính rất dễ bùng phát và tỉnh táo phân tích thấu đáo từng kịch bản trước những thay đổi khôn lường trên thế giới nhằm chọn được giải pháp ứng phó tốt nhất.
Như vậy, đến giờ này có ba kịch bản cơ bản có thể xảy ra (kết hợp sẽ ra nhiều kịch bản khác) như sau:
1. TQ khốn đốn thì VN khó tránh khỏi vạ lây và rất khó phát triển (kịch bản ở giữa)
2. TQ trở nên thịnh vượng và cùng chung sống hòa bình và tạo dựng quyền lực mềm với VN (kịch bản tốt nhất cho VN)
3. TQ trở nên thịnh vượng và tăng cường dùng quyền lực cứng với VN (kịch bản không mong đợi nhất).
Kịch bản nào xảy ra là do bước đi của các bên liên quan và môi trường tác động. Chúng ta cần luôn nhớ rằng trong quan hệ đối ngoại, không có tình hữu nghị hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia là trên hết. Làm gì có lòng tin hay tình bạn một cách mơ hồ và viển vông mà tất cả được đặt trên cơ sở lợi ích. Do vậy, chúng ta cùng nhìn nhận vấn đề trên nguyên tắc này.
Mời cả nhà cùng tham gia thảo luận và xem còn các kịch bản nào khác thì cùng đưa ra với mục tiêu là làm sao để có thể hình dung ra các lựa chọn và cách ứng phó khả dĩ nhất cho Việt Nam chúng ta.
Huỳnh Thế Dụ
Không có nhận xét nào