LÁT CẮT VỀ BẢN CHẤT GIÁO DỤC Giáo dục là gì và mục đích của các thao tác giáo dục, cuối cùng đạt tới được, là như thế nào? Thường khi người ...
LÁT CẮT VỀ BẢN CHẤT GIÁO DỤC
Giáo dục là gì và mục đích của các thao tác giáo dục, cuối cùng đạt tới được, là như thế nào?
Thường khi người ta vẫn tỏ ra hay bị nhầm lẫn giữa hai việc: giáo dục là sự tương tác hai chiều giữa người dạy học và người nhận sự giáo dục. Nhưng ngay cả việc khi có một sự công bằng và tốt đẹp giữa mối quan hệ này, thì cũng đã là một sự mất cân bằng đáng kể trong việc giáo dục, đó là về cái thực tiễn cuộc sống mà người học phải tiếp nhận và phải sống trải vào trong đó, trọn vẹn và suốt đời.
Nếu thế giới và tri thức khách quan chỉ đơn thuần là những cái được định hình lý tính và lắp ráp thành hệ thống có trong bộ não của những người làm giáo dục, thì nó sẽ trở nên hoàn toàn mới lạ và rất khác biệt trong cảm quan của những người học.
Giáo dục không chỉ là công việc làm sao cho tốt nhất việc đưa bài giảng và kiến thức vào trong đầu người học, mà hơn hết phải biết cách để cho chúng tự đánh giá và hình dung ra cái thế giới mà chúng mong muốn và kỳ vọng, ở cả hiện tại lẫn tương lai sau này khi trưởng thành. Và thế giới của người dạy học luôn là những thế giới của sự lạc hậu, của quá khứ và của định kiến, thậm chí hết sức sai lầm nhưng chưa được chứng minh do sự thừa nhận của số đông cùng ở vào trạng thái không có sự khả dĩ nào khác, cho nên phải để người học không bị lệ thuộc vào chúng, vào cả người dạy học và tri thức được truyền giảng, không chỉ đơn giản là mô tả, tường thuật hoặc là kiến thiết lại chúng sao cho đúng hay gần nhất với cái hệ thống mà người làm giáo dục đã đúc kết và đưa ra.
Giáo dục chính là tương tác giữa những người đi học với nhau để chúng có thể tự tìm lấy mối liên hệ, những tương đồng hoặc khác biệt ở nhau để rồi tìm cách dung hoà, thích nghi lẫn nhau trong cùng một môi trường và không thời gian sống có tính xã hội sơ khai và ở giai đoạn đầu tiên trong đời. Trong quá trình đó, những người học sẽ có những phương cách lẫn mức độ tiếp thụ tri thức khác nhau, mưu cầu và tâm tưởng khác nhau, khả năng cũng như kỹ năng không giống nhau và cách mà chúng thao tác đối với tri thức nhận được để phục vụ cho cuộc sống sẽ luôn là những hành động duy biệt để làm sao tốt nhất và phù hợp nhất cho chính bản thân chúng.
Người dạy không thể vẽ ra thế giới và tương lai của những người học, càng không thể bắt buộc hay cưỡng bách chúng để biến những tâm tưởng và tri thức được truyền thụ trở thành cái đồng nhất, đặc biệt là trong cách chúng sử dụng và cho đáp án đối với các yêu cầu của nhà giáo dục.
Chính vì cuộc sống là một mệnh đề không thể biết trước và càng không tuân theo những định kiến lạc hậu của những người trưởng thành và kinh nghiệm, mà con người chỉ là những sinh vật đứng trong cái không gian và môi trường tự nhiên luôn chuyển động không ngừng.
Do vậy, giáo dục đưa ta đến hai mục đích: tìm hiểu và thích ứng một cách chủ động với hoàn cảnh khách quan; và, tương tác cũng như chung sống một cách hoà bình với nhau trong luân phiên những tổ chức người rộng khắp. Chính vì điều đó là vô cùng quan trọng, nên mục đích của giáo dục không phải là tạo nên những con người sẽ lại tiếp tục lặp lại các hành vi của những người đi trước, trong khi mọi thứ đã biến chuyển không còn cái gì là điều kiện phải thoả mãn như cũ nữa, mà là tạo cho chúng đầy đủ phẩm chất của một con người, trong từng giai đoạn, để sinh tồn với cuộc sống của chính bản thân mình khi đi vào trong xã hội.
Dương Kỳ
Không có nhận xét nào