Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Classic Header

{fbt_classic_header}

Breaking News:

latest

LIỆU CÓ THAY ĐỔI ĐƯỢC GÌ KHÔNG ?

LIỆU CÓ THAY ĐỔI ĐƯỢC GÌ KHÔNG ? Đã có một lần, một bạn đọc gửi email cho tôi : Hãy lấy uy tín của tờ báo mà anh đang làm để giải thích nhữn...

LIỆU CÓ THAY ĐỔI ĐƯỢC GÌ KHÔNG ?

Đã có một lần, một bạn đọc gửi email cho tôi : Hãy lấy uy tín của tờ báo mà anh đang làm để giải thích những vấn đề mà tôi đang thắc mắc như sau :

1- Kết quả thu được của những phong trào (đấu tranh dân chủ) này là gì? Nó có tác dụng gì hay không? Hay chẳng qua chỉ là ném đá ao bèo mà thôi?

2- Những tấm bảng, khẩu hiệu và cả đống người được chụp hình thì cũng chỉ cho thấy 1 nhúm người bé tí teo thôi, họ có tuyệt thực, khỏa thân, không tắm, 1 tuần, 1 tháng, 1 năm cũng chả tác động được gì đến thế sự đương thời.

3- Và sau hết quan trọng nhất là nó có đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người tham gia phong trào hoặc thậm chí những người không tham gia hay không? Nếu không thì rõ ràng các bạn đang thực hiện một  việc vô ích mà thôi?.

Theo tôi, đây là một ý kiến thiện chí nó chứng tỏ người hỏi thực sự quan tâm đến thế sự, quan tâm đến tình hình chính trị hiện tại và tương lai của nó. Nhưng nó cũng biểu hiện sự hiểu lầm của người hỏi và tất nhiên cũng là của rất đông những người khác về những người đang đấu tranh.

Họ đấu tranh vì cái gì ? Và những việc như thế này, ví dụ tuyệt thực tập thể liệu có ý nghĩa gì ?

Sự phản kháng của “một nhúm người bé tí teo” hay thậm chí của một cá nhân có tác dụng gì không ?

Nó có vẻ như vô vọng trước sức mạnh khổng lồ của nhà cầm quyền, trước bức tường vô cảm, lạnh lùng, thậm chí giễu cợt của đám đông. Chúng tôi, những người không có chút sức mạnh quyền lực nào có hy vọng (hoặc kỳ vọng) vào một kết quả nào đó cụ thể ? Tất nhiên là có, chẳng lẽ cuộc đấu tranh có vẻ vô vọng này không gợi ra một câu hỏi nào chăng ?

Chẳng lẽ hoàn cảnh tồi tệ của tôi, của một nhóm người bé tí teo sẽ không là tương lai của bạn, của số đông ?

Chẳng lẽ niềm hy vọng của chúng tôi không phải là là niềm hy vọng của bạn ?

Thái độ bàng quan, giễu cợt với những gì ở đây chẳng lẽ không phải là sự chuẩn bị cho sự tàn ác, bất công xảy ra ở nơi khác ?

Chẳng lẽ nó không thể là lý do để người khác suy nghĩ từ góc độ số phận của họ mà cũng là số phận chung ? Chẳng lẽ nó không phải là một lời cảnh báo hay là một bài học ?

Đó là cuộc đấu tranh nhằm xác định lại quyền con người, hay nói cụ thể hơn là xác lập lại cái “Tôi” cao quý và tự chủ, tự đảm bảo về bản thân bởi nó gắn với cái gì đó cao cả hơn. Cái tôi có khả năng hy sinh một chút gì đó hoặc có thể hy sinh tất cả cuộc sống sung túc nhưng nhạt nhẽo của bản thân.

“ Có cái gì đó đáng để hy sinh”- Nhà triết học, người đấu tranh bất đồng chính kiến Tiệp Khắc Jan Patocka đã viết như vậy trong lá thư cuối cùng của mình trên giường bệnh.

Có người nói với tôi : Nhà tù là cái giá phải trả và những người như Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, vv...họ chỉ là những kẻ hằn thù, bất mãn. 
Thực sự tôi cảm thấy buồn bã. Chẳng lẽ anh ấy không hiểu sự thiếu vắng những người dám bước lên con đường đó, những người biết vì sao mình bị tù đày, thậm chí bị giết mà vẫn đi tới sẽ dẫn đến vô số những người khác bị chịu những thảm cảnh còn khủng khiếp hơn hay sao ? 

Anh Lộc Vàng, bị 10 năm tù vì hát tình ca, khi ra tù bất chấp mọi khó khăn anh vẫn hát, bán hết nhà cửa chỉ để hát, hơn 70 tuổi vẫn chưa ngừng hát, có lần anh nói với tôi : “Cùng lắm, anh làm một túp lều trên đê, hát đến khi ngừng thở”. Chẳng lẽ đó là một người làm một điều tuyệt vọng ? Chẳng lẽ những người như anh Lộc Vàng không phải đã giữ lại những khúc “tự tình dân tộc” tuyệt vời đó cho chúng ta ? Chẳng lẽ nó không liên quan đến thế sự ?

“ Nó có đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn không ? “. Một câu hỏi muôn thuở và cần thiết.

Người dân quá mệt mỏi, trơ mòn trong xã hội toàn trị cũng chẳng thể chắc chắn cái gì sẽ đến. Chính phủ có thay đổi hay một hệ thống chính trị khác được tạo nên nhưng cái mà họ cần nhất là : “ Liệu cuộc sống có tốt đẹp hơn không ?” Chỉ có một môi trường xã hội tốt hơn mới sản sinh được hệ thống chính trị tốt hơn chứ không phải ngược lại. Mỗi một cá nhân tốt lên thì xã hội sẽ tốt lên, chúng ta hãy tin vào tiếng nói của lương tâm, không thiên vị và không bị “Ý thức hệ” kiểm duyệt. Chúng ta không xấu hổ vì chỉ là “một nhúm người bé tí teo” bởi vì chúng ta có khả năng yêu thương, có khả năng kết bạn, có khả năng đồng cảm và cao hơn cả là khả năng tha thứ...

Những người đi trước lẻ loi có phải là những người dũng cảm ? Tất nhiên, nhưng họ hiểu được rằng đám đông hàng triệu người ngoài kia cũng muốn một tương lai tươi sáng hơn, cũng muốn được tắm gội trong sự thật, nhưng họ còn bị những ràng buộc, những mất mát quá lớn không chỉ riêng cho bản thân, nó còn kéo theo các hệ lụy cho người thân, gia đình , vợ con …. Họ cần một lòng dũng cảm gấp mười, gấp trăm lần những người đi trước. Và khi họ bước tới, sẽ là một trận cuồng phong.

Tại sao chúng ta không hy vọng ?
Fb.Đăng Nhật Nğő



Không có nhận xét nào