DỐT QUÁ THỂ ĐÁNG! “Mắm” là gì? -“MẮM • d. 1 thức ăn làm bằng tôm cá sống ướp muối và để lâu ngày cho ngấu : mắm tôm ~ mắm cá cơm ~ mắm tép c...
DỐT QUÁ THỂ ĐÁNG!
“Mắm” là gì?
-“MẮM • d. 1 thức ăn làm bằng tôm cá sống ướp muối và để lâu ngày cho ngấu : mắm tôm ~ mắm cá cơm ~ mắm tép chưng thịt ~ liệu cơm gắp mắm (tng). 2 cá đã ướp muối làm mắm: người gầy như con mắm”.
“Nước mắm” là gì?
-“NƯỚC MẮM • d. dung dịch mặn, có vị ngọt đậm, được chế biến từ cá muối, dùng để chấm hoặc nêm thức ăn”.
“Nước chấm” là gì?
- “NƯỚC CHẤM • d. dung dịch mặn, chế biến bằng cách hoà các nguyên liệu có nhiều chất đạm, có thêm gia vị, dùng để chấm thức ăn”.
[trích “Từ điển tiếng Việt” – Hoàng Phê chủ biên-Trung tâm từ điển học Vietlex-2015).
Ngoài Từ điển Vietlex, tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản ở hai miền Nam-Bắc, trước và sau 1975 đều thống nhất cách giải nghĩa như vậy đó, thưa ông Trần Đáng!
Hiểu đơn giản, nước mắm là thứ nước được chắt ra từ mắm; mà mắm được muối bằng cá….Có nghĩa đã gọi là nước mắm, thì dứt khoát phải được làm từ cá.
Cũng giống như “mật mía” là: “NƯỚC MÍA CÔ ĐẶC”; “NƯỚC MÍA NẤU QUÁNH LẠI”; hay “mật ong” là “chất lỏng, sánh, màu vàng óng, vị ngọt sắc, DO ONG HÚT MẬT LÀM RA…”; “CHẤT NGỌT của nhuỵ bông DO ONG NÚT LẤY RỒI GÂY RA MẬT để nuôi ong con.” (“Từ điển Vietlex” và “Việt Nam tự điển”).
Nếu nói như ông Trần Đáng, thì người ta có thể dùng đường hoá học, chất tạo màu chế thành thứ nước có vị ngọt, có màu như mật, rồi đặt tên là “MẬT MÍA”, “MẬT ONG” được chăng?
Cái gọi là “nước mắm công nghiệp” có tên “Nam Ngư siêu tiết kiệm”, chỉ có thể gọi là NƯỚC CHẤM, vì gọi “nước mắm công nghiệp” có thể bị hiểu lầm thành nước mắm được sản xuất bằng dây chuyền công nghiệp hiện đại (phân biệt với cách làm nước mắm thủ công). Còn nếu gọi “Nam Ngư siêu tiết kiệm” là “nước mắm”, thì phải đề rõ là “NƯỚC MẮM HOÁ HỌC”, để phân biệt với “NƯỚC MẮM”, mà theo lẽ đương nhiên từ ngàn đời nay, là nó được là từ CÁ.
Rồi đây, nếu thứ nước không làm từ cá như “Nam Ngư siêu tiết kiệm”, mà vẫn được công nhận, được gọi là “nước mắm”, thì các nhà biên soạn từ điển sẽ thêm nghĩa cho từ “nước mắm”. Theo đó, “nước mắm” sẽ được phân biệt thành hai loại: 1. Nước mắm làm từ cá; 2. Nước mắm làm từ các chất hoá học. Theo đó, “Nam Ngư siêu tiết kiệm” sẽ được đưa ra làm ví dụ điển hình cho loại “NƯỚC MẮM HOÁ HỌC”.
Gọi nước mắm "Nam ngư" là "nước mắm hoá học", để phân biệt với nước mắm cá; cũng giống như goi "đường hoá học" để phân biệt với "đường mía", gọi "phân hoá học" để phân biệt với phân hữu cơ vậy thôi.
THAM KHẢO:
*Từ điển xuất bản ở miền Nam trước 1975:
-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “nước mắm • dt. Nước trong vài thứ cá nhỏ ướp muối để bã và chảy ra: Nước mắm ngon dầm con cá liệt, Em có chồng nói thiệt anh hay (CD)”.
-“Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): nước mắm dt. Nước ở trong cá ép muối chảy ra”.
-“Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập): “nước mắm • Nước nấu bằng tôm hay cá và muối dùng làm đồ gia-vị”.
* Từ điển xuất bản ở miềm Bắc trước 1975:
-“Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên): “nước mắm • chất lỏng rút từ cá muối ra, dùng làm nước chấm”
Hoàng Tuấn Công
Không có nhận xét nào