Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

ĐÔI ĐIỀU VỀ NGÀY 8/3 VÀ CHUYỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở VIỆT NAM

Đôi điều về ngày 8/3 và chuyện bình đẳng giới ở Việt Nam.  Ngày 8/3 được chọn là ngày Quốc Tế Phụ Nữ và từ lâu được Việt Nam coi như là một ...

Đôi điều về ngày 8/3 và chuyện bình đẳng giới ở Việt Nam. 

Ngày 8/3 được chọn là ngày Quốc Tế Phụ Nữ và từ lâu được Việt Nam coi như là một ngày lễ quan trọng. Đó là ngày phụ nữ Việt Nam tha hồ khoe hoa khoe quà (dĩ nhiên quà đắt tiền mới khoe, còn quà rẻ tiền thì miễn nhé), khoe chuyện được chồng hay bạn trai cưng chìu dẫn đi ăn đi shopping hoặc làm việc nhà thay mình như thế nào. Những trang mạng xã hội ngập tràn những lời chúc tụng của đàn ông dành cho phụ nữ và phụ nữ dành cho nhau. Nói chung là vui như tết. Nhưng nếu nhìn lại danh sách những nước còn ăn mừng ngày 8/3 trên thế giới, ta sẽ hết sức quan ngại vì toàn là những nước thứ 3 trên thế giới, kinh tế kém phát triển hoặc quyền con người chưa hề được coi trọng. Tuyệt nhiên không thấy tên của một nước phát triển hoặc siêu cường thế giới nào trong danh sách cả. 



Nếu chịu khó google về nguồn gốc của ngày 8-3 thì ta sẽ biết được rằng ngày này đánh dấu sự kiện phụ nữ vùng lên đòi những quyền bình đẳng giới về chính trị như được bầu cử, ngày làm 8 tiếng, không bị kỳ thị giới tính nơi công sở (giữ những chức vụ tương đương và có lương bằng với nam giới) chứ không phải là ngày phụ nữ đòi chồng/bạn trai mua quà mua hoa và dẫn đi chơi để post facebook. Sở dĩ những nước tiên tiến người ta không kỉ niệm ngày này nữa vì phụ nữ ở những nơi đó đã gần như hoàn toàn bình đẳng với đàn ông gần như trong mọi phương diện trong cuộc sống. 

Thử nghĩ xem, phụ nữ ở Mỹ, Úc, Canada hoặc các nước Tây Âu hoàn toàn không bị lệ thuộc vào câu “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu” mà hoàn toàn độc lập từ bé từ việc chọn ngành học, chọn công việc, chọn nơi để sống, chọn người để yêu, để sống chung và để cưới thì họ có cần một ngày dành riêng cho phụ nữ nữa không? Ở các nước đó phụ nữ hoàn toàn tự chủ về tài chính không ngửa tay xin tiền chồng, họ không phải làm dâu hầu cả gia đình nhà chồng hoặc phải đầu tắt mặt tối làm việc nhà hoặc chăm con sau giờ làm cho thằng chồng nằm ngửa ở nhà xem TV, chơi điện tử hoặc đi nhậu với bạn bè tới khuya mới về thì chuyện hãnh diện vì có được một ngày đặc biệt để hưởng những “đặc ân” đó quả thật là rất buồn cười. Đàn ông các nước tiên tiến khi dọn vào sống chung với người yêu của mình thì đã mặc nhiên hiểu việc phân chia tất cả mọi trách nhiệm từ việc trả sinh hoạt phí cho tới việc làm việc nhà là điều hết sức bình thường, cho nên mỗi ngày họ đều làm thế. Còn chuyện ga lăng lãng mạn, đi ăn tối với nhau, tặng hoa, tặng quà ư? đã có những ngày riêng tư như sinh nhật, kỷ niệm ngày quen nhau, kỷ niệm ngày cưới hoặc thậm chí bất cứ là một ngày nào đó nếu họ thấy thích. Xét cho cùng đó là một việc làm tự nguyện thể hiện sự yêu thương trân trọng của mình dành cho người phụ nữ của mình chứ không phải là một bổn phận cứ đến ngày đó thì phải làm để người kia vui lòng hoặc để chứng tỏ cho người khác biết rằng mình còn tử tế hơn những thằng đàn ông khác.
 
Thật lòng mà nói, suy nghĩ của việc bình đẳng giới của phần lớn phụ nữ Việt Nam vẫn còn rất đơn giản,  nông cạn và khá thực dụng. Đó là lý do vì sao họ vẫn cảm thấy hãnh diện về ngày 8-3 hằng năm. Phụ nữ Việt Nam đòi bình đẳng giới nhưng vẫn muốn kiếm chồng hoặc người yêu thật giàu để cung phụng tiền bạc hoặc chiều chuộng nhưng nhu cầu ăn xài của mình như shopping, du lịch, làm đẹp… Một cặp đôi đi ăn đi chơi với nhau thì mặc nhiên người đàn ông phải trả tiền, mười bữa cũng như mười cho dù người phụ nữ có thu nhập không hề thua kém bạn trai mình. Phụ nữ ở các nước tiến bộ không bao giờ muốn phụ thuộc vào tài chính của người yêu hay chồng cho dù là đi ăn đi chơi với nhau, họ cũng sẽ rất sòng phẳng. Nếu muốn mua một món đồ riêng cho cá nhân mình, họ sẽ tự để dành tiền để mua chứ không cần chờ tới dịp nọ dịp kia để vòi vĩnh người kia làm bổn phận mua cho mình. 

Phụ nữ Việt Nam muốn bình đẳng giới tự do yêu đương nhưng đến khi chia tay thì lại quay ra nguyền rủa thằng đàn ông Sở Khanh khốn nạn lừa gạt tình cảm của mình. Nếu bạn đã tự quyết định chọn lựa thì việc chọn không đúng người hoặc hai người không đến được với nhau thì trách nhiệm là của bạn chứ không ai ép bạn. Bạn không có kiến thức về tình dục an toàn để cho có thai ngoài ý muốn thì lại quay ra trách móc đàn ông như mình là nạn nhân thì có hợp lý không? Xin lỗi, hai người quen nhau lâu như thế, ân ái mặn nồng thế nào thì chắc không cần nói ra ai cũng biết. Nhưng đến khi có chuyện thì y như rằng các cô cứ lu loa lên như thể mình bị thằng khốn ấy đè ra hãm hiếp cho có thai vậy. Phụ nữ hiện đại hiểu rằng việc yêu ai, sống chung với ai thậm chí có con với ai là quyết định của bản thân mình. Nếu không sống được với nhau thì họ chia tay và sẵn sàng làm mẹ đơn thân nuôi con chứ không oán than trách móc đàn ông tệ bạc. 

Muốn bình đẳng giới thực sự, các bà vợ bà mẹ Việt Nam hãy bỏ tư tưởng cung phụng hầu hạ chồng con là bổn phận và hạnh phúc của người phụ nữ đi nhé. Từ bao đời nay, người phụ nữ Việt Nam bị đầu độc bởi tư tưởng chịu thương chịu khó hi sinh hết tất cả vì chồng vì con để được tiếng là người vợ hiền dâu thảo đến mức họ tin rằng “phụ nữ là phải thế”. Nhiều bà mẹ Việt Nam chịu cảnh chồng chúa vợ tôi nhưng vẫn không cho con trai mình động một cái móng tay tới công việc nhà, thậm chí ngủ dậy cái giường cũng là mẹ dọn, bữa ăn sáng cũng mẹ nấu. Nhưng ngược lại họ vẫn dạy các cô con gái phải biết công dung ngôn hạnh đủ đường để sau này về làm dâu nhà người ta đừng làm xấu mặt cha mẹ. Hô hào bình đăng giới nhưng các bà mẹ chỉ biết dặn con gái đi chơi với người yêu phải biết "giữ gìn" nhưng chưa bao giờ dặn thằng con trai mình "giữ gìn" cho bạn gái nó. 

Đòi bình đẳng giới nhưng mẹ chồng vẫn ác nghiệt  với nàng dâu thậm chí có người còn cạnh khóe soi mói hoặc hờn dỗi ra mặt khi quà 8.3 của con dâu đắt hơn, xịn hơn quà con trai tặng mình. Đòi bình đẳng giới nhưng nếu con gái về nhà chồng khóc lóc than thở vì thằng chồng tệ bạc thì các bà mẹ vẫn khuyên con cố gắng nhịn nhục đi chứ đừng ly dị vì “trai năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình” còn “gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Đòi bình đẳng giới nhưng hết mẹ chồng tới mẹ ruột tới ngày rằm mùng một vẫn đều đặn lên chùa thắp nhang lạy Phật cầu cho có được đứa cháu trai. Đòi bình đẳng giới nhưng vẫn tin câu “đàn bà con gái hơn nhau tấm chồng”. 

Đòi bình đẳng giới nhưng các bà các cô vẫn xì xào to nhỏ mỉa mai đay nghiến những cô gái “không chồng mà chửa” (Đàn ông ít khi nào đi bàn tán mấy chuyện “gái không chồng mà chửa” lắm nhé, toàn các bà các cô thôi). Đòi bình đẳng giới nhưng khi chồng ngoại tình thì các bà chỉ xúm vào chửi rủa con hồ ly tinh giật chồng người khác thậm chí đánh ghen tàn độc nhưng lại bào chữa rằng “chồng mình bị con đĩ đó mê hoặc”. Ngược lại, nếu người phụ nữ ngoại tình thì bất kể lý do (hôn nhân sắp đặt, chồng vô trách nhiệm, chồng bất lực trong chuyện chăn gối…) người phụ nữ đó đều là tội nhân thiên cổ để miệng đời tha hồ nguyền rủa. Các bà các cô Việt Nam có thể khóc đẫm nước mắt thương xót cho một nhân vật nữ bị chồng bạc đãi, bị gia đình chồng cay nghiệt hành hạ trong một bộ phim truyền hình nhiều tập hay một vở cải lương nhưng sẵn sàng lên án một người phụ nữ đòi ly dị chồng để thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc ngoài đời. 

Và cứ thế, mỗi năm phụ nữ Việt Nam lại vui mừng hãnh diện chúc nhau những lời có cánh ngày 8.3 và 20.10. Có hoa, có quà, được tự do một hai ngày trong năm, thế là đủ vui rồi!!!

Vien Huynh

Không có nhận xét nào