BÀN TRỊNH & ĐÀM Ai cũng bàn về Trịnh Công Sơn và Đàm Vĩnh Hưng tôi cũng bàn về Trịnh Công Sơn và Đàm Vĩnh Hưng Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ...
BÀN TRỊNH & ĐÀM
Ai cũng bàn về Trịnh Công Sơn và Đàm Vĩnh Hưng tôi cũng bàn về Trịnh Công Sơn và Đàm Vĩnh Hưng
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là 2 nghệ sĩ được bàn luận nhiều nhất gần đây. Tôi có thể bàn về từng người, nhưng vì nhìn nhận họ ở góc độ ảnh hưởng đến xã hội nên gộp chung.
Trịnh Công Sơn luôn là một nhạc sĩ lớn của Việt Nam. Tài năng của Trịnh không thể phủ nhận. Gần đây, có một trường đại học muốn lập luôn ngành học hay môn học Trịnh Công Sơn và bị cộng đồng mạng phản đối. Tôi cho rằng, có thể để Trịnh Công Sơn là một môn trong một ngành (thuộc ngôn ngữ, văn học chẳng hạn) và tự chọn. Tức là môn học không bắt buộc. Còn ngành học thì hơi quá. Vì học của một chuyên ngành Trịnh Công Sơn ra trường học sinh sẽ kiếm việc gì làm?
Cũng như nhiều người yêu thích lời ca, tôi nghe nhạc Trịnh. Ban đầu tôi nghe dòng nhạc trữ tình. Tôi yêu nhiều bài hát của Trịnh như: Mưa Hồng, Diễm Xưa, Phôi Pha. Nhưng sau một hồi nghe nhạc trữ tình tôi phát chán và chuyển sang nghe dòng phản chiến. Tôi thích nghe nhạc phản chiến do Trịnh Công Sơn viết. Đơn giản, giàu hình ảnh và khắc khoải. Tôi thích bài hát Người Con Gái Việt Nam Da Vàng và đặc biệt yêu thích bài Gia Tài Của Mẹ. Vì bài hát Gia tài của mẹ có trong sổ hát của mẹ tôi do một sinh viên bách khoa Đà Nẵng viết tặng. Chữ đẹp và cách trình bày đầy trân trọng. Tôi thuộc bài hát này từ nhỏ vì nghe mẹ tôi hát.
Âm nhạc Trịnh Công Sơn buồn đến sầu não nhưng đẹp mơ màng. Người yêu ngôn ngữ thích nhạc Trịnh vì những tầng sâu ngôn ngữ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Người thường nghe cũng được học giả nghe cũng được càng nghe càng thấy hay. Ngôn ngữ Trịnh Công Sơn rất đáng để học. Cái hay của nhạc Trịnh là ở chỗ khi nghe thỉnh thoảng ta bắt gặp hình ảnh bản thân. Và có thể vị tha cho mình trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất. Nghe nhạc Trịnh, ta bắt gặp một tấm chân tình với quê hương. Nói về âm nhạc Trịnh Công Sơn chỉ có thể dùng cụm Việt Nam có dòng nhạc Trịnh Công Sơn.
Tôi nghe nhạc Trịnh trước khi tôi biết ông đã có lần lên đài phát thanh nói chuyện chính trị và hát bài Nối Vòng Tay Lớn. Theo cách nói của Trịnh vào ngày 30/4/1975, ông quan trọng nhất là thống nhất đất nước. Và để được nội hàm này ông đã phủ định tự do. Những kẻ yêu tự do bị Trịnh liệt vào hàng phản bội tổ quốc. Tất nhiên cái gì cũng có cái giá của nó. Việc thống nhất giang sơn quy về một mối cộng sản biến 20 triệu đồng bào miền nam rơi vào cảnh độc tài toàn trị. Khiến nền văn minh cộng hòa non trẻ bị lùi về phía man rợ. Cho đến nay vẫn không thể phục hồi. Có lẽ Trịnh Công Sơn đã thấm cái giá của thống nhất dưới quyền lực độc tài và tâm hồn ông bị gặm nhấm từng ấy năm. Có lẽ vì thế mà sau này Trịnh Công Sơn chỉ viết về thân phận hữu hạn giữa đời người đầy sầu muộn.
Về Đàm Vĩnh Hưng, theo wikipedia năm nay Đàm Vĩnh Hưng đã 47 tuổi. Đàm Vĩnh Hưng có thể nói là ca sĩ rất đại chúng (nhiều người nghe). Lần đầu tiên tôi nghe Đàm Vĩnh Hưng hát là năm lớp 7 hay lớp 8 gì đó. Lúc đó Đàm Vĩnh Hưng hát bài Bình Minh Sẽ Mang Em Đi. Bài hát này Đàm hát hay. Sau đó, tôi nhìn Đàm Vĩnh Hưng qua bìa vở, qua poster thấy Đàm rất ấn tượng bởi có cái đầu tóc rất thời trang. Sau đó tôi đọc và thấy rằng đầu tóc đó là do Đàm tự thiết kế. Trước khi trở thành ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là thợ hớt tóc. Cho tới bây giờ, đầu tóc của Đàm Vĩnh Hưng vẫn rất hợp mốt. Phải công nhận Đàm Vĩnh Hưng là một thợ hớt tóc tài năng. Có lẽ, thiết kế tóc là nghề phù hợp nhất với Đàm. Lần tiếp xúc tiếp theo của tôi với Đàm là khi tôi còn là sinh viên, lúc đó Đàm Vĩnh Hưng tổ chức một liveshow hoành tráng ở ký túc xá đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (Thủ Đức). Tôi nhớ Đàm hát rất nhiệt tình và nhớ nhất là cái cần cẩu chở thiết bị quay phim hiện đại. Giọng Đàm Vĩnh Hưng chẳng có gì đáng nhớ. Nhưng Đàm Vĩnh Hưng hát nhiều, nhiều bài hát đến mức cho ta cảm giác Đàm hát tất cả các bài hát trên đời. Phải công nhận Đàm Vĩnh Hưng là người yêu ca hát.
Nhưng sau bao nhiêu năm tháng Đàm Vĩnh Hưng vẫn chỉ quẩn quanh trong những bài hát đó không lên không xuống. Một ca sĩ lớn là ca sĩ không ngừng nâng cấp bản thân mình. Ở một giai đoạn này đó, người đó sẽ phải nhận ra âm nhạc của anh ta phải lớn lên theo tuổi tác và mức độ ảnh hưởng. Những nghệ sĩ lỗi lạc của thế giới, sau khi họ đại chúng họ sẽ trở nên xuất chúng bởi họ hát cho thân phận con người, cho xã hội, cho đất nước, cho tự do, cho văn minh của loài người. Đàm không nâng cấp để âm nhạc trở nên tinh tế chinh phục nhóm khán giả hàn lâm và mở rộng tầm ảnh hưởng bởi các bài hát vì con người. Đàm chấp nhận là vua bán tôm cua cá. Một nghệ sĩ đồng thời là con buôn làm sao hy vọng Đàm có thể nhã nhặn lịch sự, khiêm nhường mà không đốp chát thô thiển. Làm sao có thể mong cầu một người chỉ dừng bản thân ở mức hát nghe được có thể suy những thứ nghe vĩ mô như hòa bình, tự do. Đơn giản vì Đàm không có thứ mong cầu đó. Không phải ai cũng có được phúc phận hát vì nhân loại.
Cả Trịnh Công Sơn và Đàm Vĩnh Hưng đều đã nhận được phần thưởng của họ cho những gì họ thể hiện.
Trần T T Diệu
Ảnh mh / VT Võ
Không có nhận xét nào