CẢI CÁCH VỀ ĐẢNG PHÁI Đây là một bài viết “xé rào” so với sự kiểm soát của Đảng cộng sản. Có lẽ, đã không thể đừng được trước các sự trì trệ...
CẢI CÁCH VỀ ĐẢNG PHÁI
Đây là một bài viết “xé rào” so với sự kiểm soát của Đảng cộng sản.
Có lẽ, đã không thể đừng được trước các sự trì trệ và sai lầm của chính đảng tạo ra (đọc bài báo sẽ có trích dẫn cụ thể và thực tế để kiểm chứng), đảng bắt đầu cho những nhân sỹ nói tới cải cách “chính quyền đảng” (không phải chính quyền nhà nước).
Nhưng rõ ràng là, như tôi đã nói nhiều lần từ trước đây, cái đầu tiên là phải có luật về Đảng trước đã, vì đảng chính trị nào cũng cần phải được thành lập và vận hành, giải thể theo luật, khi có luật điều chỉnh thì tổ chức đó sẽ trở thành chính danh (về hội, nhóm dân sự đã có các luật riêng).
Ở Trung Quốc hay Venezuela cũng có rất nhiều đảng chính trị hoạt động. Nhưng cái cuối cùng họ vẫn mắc phải đó là sự độc tài của một đảng nắm quyền: ở Trung Quốc là Đảng cộng sản, ở Venezuela là Đảng XHCN quốc gia. Cho nên, cái cuối cùng của mọi cải cách thể chế chính trị chính là vấn đề thiết lập một mô hình chính trị mà ở đó không có ai trở thành kẻ độc tài cả.
Điều gì khiến cho một bài báo nhà nước mạnh mẽ nói về sai lầm chủ quan, uy ý chí của Đảng cộng sản từ lịch sử cho đến hiện tại vẫn đang duy trì cách thức vận hành theo lối Xô Viết cũ? Vì thực tế đã nói rõ hon tất cả mọi sự biện hộ nào được đưa ra - dưới sự điều quản của đảng cộng sản (dù là tổ chức đảng hay được nhìn nhận vào vai trò một cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp), các sự trì trệ, đổ đốn và tụt hậu đã hiển hiện rõ rành hơn bao giờ hết.
Tình trạng tham nhũng và lộng quyền hoành hành, tước đoạt sở hữu về tư liệu sản xuất ngày càng lan rộng và manh động, các tiêu cực và bất công do luật pháp và công lý không được thực thi hay đảm bảo, nền tư pháp bị chi phối bởi các chỉ thị đảng uỷ hay các sự vận hành quyền lực chằng chịt khác, những người dân không có cơ chế để thực hiện các quyền dân chủ và tự do của mình, những người rời bỏ quê hương ngày càng nhiều và sự suy đồi về giáo dục, văn hoá ngày càng khủng khiếp...những điều này không thể từ trên trời rơi xuống và cũng không thể do nhân dân tạo nên, ngoài việc nó là hệ quả và phản ánh của một sự cia quản quốc gia từ thể chế chính trị.
Việc đa đảng đã từng có trong lịch sử Việt Nam, được duy trì suốt nhiều năm - tính từ 1923 cho tới 1986 mới chấm dứt sự đa đảng phái. Thời VNCH còn ấn định việc đa đảng trong Hiến pháp của họ. Trung Quốc cũng ghi nhận điều này trong Hiến pháp 1982, sửa đổi năm 1988, năm 1993, năm 1999, năm 2004 và lần gần nhất nhằm xoá bỏ nhiệm kỳ Chủ tịch nước là năm 2018.
Tuy nhiên, việc độc tài của thể chế chính trị Trung Quốc vẫn thể hiện rõ nét ở việc, ĐCS nước này vẫn là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, các cuộc họp Đại hội trung ương đảng cộng sản đưa ra các đường lối, chính sách, bao gồm sửa đổi hoặc thay thế Hiến pháp. Điều này vẫn tạo nên sự bất bình đẳng và thế độc quyền của Đảng cộng sản về vị thế chính trị. Nó nghiễm nhiên có toàn quyền và thủ tiêu các sự đối trọng của các tổ chức đảng chính trị khác.
Luật về Đảng cần được sớm ban hành để chuẩn hoá các hoạt động của đảng phái chính trị, trong đó có Đảng cộng sản. Nhà nước pháp quyền, tức luật pháp là quyền năng tối cao của mọi quyền lực của nhân dân, lúc này mới mong có thể có hy vọng vãn hồi lại được.
Cái quan trọng hơn, tôi vẫn nhấn mạnh về việc chúng ta cần phải xây dựng một nền tư pháp mạnh. Ở đó các thẩm phán không là đảng viên của bất kỳ đảng phái nào - vì cán cân công lý không phụ thuộc vào yếu tố chính trị, nó là lẽ công bằng tự nhiên phổ quát của con người. Nếu xây dựng được một hệ thống tư pháp độc lập và mạnh mẽ, các vấn đề khác sẽ tất lẽ được duy trì và đảm bảo.
Từng bước một, chúng ta sẽ nhìn nhận ra vấn đề và từ đó đưa ra được các giải pháp của nó, nhưng vẫn cần phải lưu ý rằng, nếu không cải cách và xử lý một cách triệt để đến cái gốc rễ vấn đề, thì đó cũng chính lại là “sai lầm do chủ quan, duy ý chí vì nhận thức chưa đúng” mà nên. Mô hình Xô Viết đã tan rã và sụp đổ ở ngay cái nơi mà “lực lượng sản xuất cùng trình độ dân trí vô cùng tiên tiến” đã hiện diện - Đông Đức và Liên Xô. Ngay cả cho tới thời điểm này, Trung Quốc tự nhận mình có một nền tảng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc, mặc dù phải hy sinh hầu hết các giá trị về môi trường và quyền con người (dân quyền và nhân quyền), tương lai vẫn vô cùng bất định và đang chứa chất trong nó những bất ổn vô cùng sâu sắc và lớn rộng.
Cái cuối cùng vẫn là, cái sai của tiên đề xuất phát điểm, không thể cho ra một kết quả đúng, thậm chí chỉ là phù hợp hay tiệm cận đến cái nó mong muốn tối thiểu.
Lê Luân
Không có nhận xét nào