Về nhơn vật Tống Phước Thiêm đã hiến kế sát hại ngài Đỗ Thanh Nhơn thời chúa Nguyễn Ánh Người miền Nam mà nhắc tới cái chết của vị tướng Đôn...
Về nhơn vật Tống Phước Thiêm đã hiến kế sát hại ngài Đỗ Thanh Nhơn thời chúa Nguyễn Ánh
Người miền Nam mà nhắc tới cái chết của vị tướng Đông Sơn Đỗ Thanh Nhơn, chắc ai cũng có đọc hay nghe qua về tên nhơn vật Tống Phước Thiêm 宋福添 này. Theo sử Đại Nam Thực Lục thì "Tân sửu, năm thứ 2 [1781], ..., mùa xuân, tháng 3, Đỗ Thanh Nhân có tội bị giết. ...Vua cho là người có công, vẫn ưu đãi dung thứ, thường đến thăm tận nhà, cũng không giữ lễ. Bè đảng lại phụ họa thêm, lấn át không kiêng nể gì, toan mưu làm phản. Chưởng cơ Tống Phước Thiêm nói riêng với vua : “Xin giết giặc ở bên cạnh vua”.", rồi cả một đoạn dài sau đó viết về ngài Tống Phước Thiêm này sau này ra sao, rồi bị quân Đông Sơn bắt ở Ba Giồng đem xử tử ra sao, v.v.
Nhưng xem ra, theo một phiên bản Đại Nam Thực Lục mà mình vừa kiếm được, thì hóa ra trong vụ sát hại ngài Đỗ Thanh Nhơn này, kẻ hiến kế cho chúa Nguyễn Ánh thì lại ... không phải là nhơn vật Tống Phước Thiêm bạn ạ. Mà bạn biết là ai không ? À há, là một nhơn vật khuyết họ tên Thiêm Lộc 添禄 缺姓.
Mà nhơn vật Thiêm Lộc này là ai ? Thì đây, theo bộ Đại Nam Thực Lục mà hiện ra chúng ta có:
1. Năm Bính thân, năm 11 [1776], tháng 11, ngày Kỷ tỵ, Lý Tài rước Đông cung về Sài Gòn, sai Trương Phước Thận tâu xin ngự giá về chùa Kim Chương (ở ngoài tỉnh thành Gia Định). ... Lại sai Chưởng cơ Tống Phước Hòa và Thiêm Lộc (không rõ họ) giữ Long Hồ để đề phòng".
2. Năm Đinh dậu, năm thứ 12 [1777], tháng 3, giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ đem quân thủy bộ vào cướp ... Quân giặc đánh Tranh Giang. Tân Chính vương lùi giữ Trà Tân (tên xã thuộc tỉnh Định Tường). Chưởng cơ Thiêm Lộc đem thủy binh đón đến Ba Việt. ... Thiêm Lộc giữ Hương Đôi (Ba Việt, Mỹ Lung, Hương Đôi đều là tên đất, thuộc tỉnh Vĩnh Long)".
3. Năm Đinh dậu, năm thứ 12 [1777], tháng 8, giặc Nguyễn Văn Huệ thêm quân đánh Hương Đôi. Chưởng cơ Thiêm Lộc chạy đi Ba Việt. Tân Chính vương thấy quân ít lương hết, bàn kế chạy về Bình Thuận cùng Chu Văn Tiếp họp quân, rốt cục không xong. Các tướng đều tản mát. Chưởng cơ Tống Phước Hòa than rằng: “Chúa lo thì tôi phải chết, nghĩa không thể tránh được”, rồi tự tử.
Chỉ vậy.
Nhưng theo phiên bản Đại Nam Thực Lục mình đang đọc này, thì hóa ra, sau đó, những phần mà bộ Đại Nam Thực Lục chúng ta ngày nay thường dùng chép với tên nhơn vật Tống Phước Thiêm, đó lại thuộc về nhơn vật Thiêm Lộc khuyết họ này. Và nhơn vật Thiêm Lộc khuyết họ này chính là người đã hiến kế cho chúa Nguyễn Ánh sát hại tướng Đỗ Thanh Nhơn, rồi sau này đánh thua quân Tây Sơn, chạy đến Ba Giồng thì bị quân Đông Sơn bắt được đem giết.
Vậy ở đây, bộ Đại Nam Thực Lục hiện nay chúng ta đang đọc tách hẳn ra hai nhơn vật Chưởng Cơ Thiêm Lộc và Chưởng Cơ Tống Phước Thiêm này. Chúng ta hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra với nhơn vật Chưởng Cơ Thiêm Lộc. Ngược lại, Chưởng Cơ Tống Phước Thiêm ở đâu nhảy ra hiến kế cho chúa Nguyễn Ánh sát hại tướng Đỗ Thanh Nhơn rồi một loạt sử kiện về sau cho tới khi bị quân Đông Sơn bắt giết.
Nhưng ngược lại, trong phiên bản Đại Nam Thực Lục mình đang đọc, từ đầu tới cuối là về nhơn vật Thiêm Lộc khuyết họ này.
Nên không chừng, nhơn vật Tống Phước Thiêm nào đó là một nhơn vật tưởng tượng mà các sử quan nhà Nguyễn đã nặn ra đó bạn.
Và vô sách Vĩnh Long Xưa và Nay trang 74, tác giả Huỳnh Minh nào đó lại viết cả một bài về nhơn vật Tống Phước Thiêm này, mà chúng ta chả biết ông (hay nhóm tác giả) đã lấy sử liệu từ nguồn nào mà lại viết đoạn về quân Ba Giồng giết Tống Phước Thiêm và Huỳnh Thiên Lộc nào đó ? Rồi đoạn vợ con ngài ở ẩn, sau vua Gia Long dời con ngài Tống Phước Thiêm ra làm quan mà không ra, v.v. Và đáng hỏi nhất, là không hiểu tác giả Huỳnh Minh đã từ nguồn sử nào mà viết đoạn "Năm Bính thân 1776 ... ông cùng Tống Phúc Hòa giữ trọng trách giữ Long Hồ (Vĩnh Long)". Vì xem ra, đoạn sử giữ Long Hồ năm 1776 này theo bộ Đại Nam Thực Lục chúng ta hiện đang có là "Lại sai Chưởng cơ Tống Phước Hòa và Thiêm Lộc (không rõ họ) giữ Long Hồ để đề phòng", chứ không liên quan gì tới nhơn vật Tống Phước Thiêm đâu bạn.
Nên có khi, cả trăm năm nay, nhơn vật đáng ghét Tống Phước Thiêm này, mà người miền Nam nào đọc về cái chết của nhơn vật Đỗ Thanh Nhơn, đều nghiến răng, lại là một sản phẩm tưởng tượng của các sử quan nhà Nguyễn cũng nên.
À, phiên bản Đại Nam Thực Lục này là ở đây >> https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b54100439h.r=%E5%A4%A7%E5%8D%97?rk=85837;2. Nó là quyển do nhà in Duy Minh Thị in năm 1862.
Nếu bạn mê sử thời chúa Nguyễn Ánh tới hết thời Gia Long, bạn chắc nên tham khảo quyển Đại Nam Thực Lục "ngoại truyện" này. Có khi bạn đọc rồi sẽ đặt ra những câu hỏi cả trăm năm nay chưa ai hỏi về sử Việt thì sao ?
Ví dụ tại sao trong bộ Đại Nam Thực Lục hiện nay, các sử quan triều Nguyễn không xóa hết dấu tích của nhơn vật Thiêm Lộc này, mà lại khúc trên để nguyên tên Thiêm Lộc, nhưng tới khúc sát hại ngài Đỗ Thanh Nhơn rồi các sử kiện sau đó, lại chỉ viết là Tống Phước Thiêm ? Không chừng hồi xưa, lúc "cập nhật" lại, Quốc Sử Quán chỉ chú trọng từ phần ngài Đỗ Thanh Nhơn bị sát hại, chứ không hẳn quan tâm đến luôn phần sử kiện trước đó, nên nó hóa ra vậy chăng ?
À, và bạn chắc cũng cần biết chút Hán ngữ để đọc, và dĩ nhiên chắc bạn không nên nghĩ Viện Sử Học Việt Nam sẽ giúp bạn hiểu thêm, vì có khi họ sẽ "viết lại" luôn cả phiên bản Đại Nam Thực Lục "ngoại truyện" này cũng nên.
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Cheers,
Brian
Không có nhận xét nào