NHỮNG PHÁT NGÔN HỒ ĐỒ Đất nước kiệt quệ chao đảo không phải vì tham nhũng từ những bọn tham gian trong chính quyền, mà vì những người phụ nữ...
NHỮNG PHÁT NGÔN HỒ ĐỒ
Đất nước kiệt quệ chao đảo không phải vì tham nhũng từ những bọn tham gian trong chính quyền, mà vì những người phụ nữ không sinh được hai con. Và vì vậy, bọn đàn ông cũng có tội trong việc để cho họ không đạt được mục tiêu tối quan trọng này.
Hôm trước tôi vừa phải chỉ mặt đám tiến sỹ lý luận ngồi trong phòng lạnh đòi nhận diện thế lực thù địch vì đó là bọn khốn nạn kìm hãm đất nước phát triển. Trong khi những gia đình mà cả bà, mẹ và hai con cùng chết khi đi mò cua bắt ốc để mưu sinh vẫn như là một lời tố cáo thực trạng hỗn cảnh suy mạt của xã hội.
Những gia đình đông con không cho con được đi học, không đủ áo ấm cho con mặc và không đủ cái ăn cho con no bụng, thậm chí nhiều đứa phải lang bạt ăn xin, bán vé số hoặc bị lợi dụng cưỡng bức lao động. Sinh con ra không thể nuôi dưỡng và giáo dục con tốt là một cái tội và làm cho bất ổn xã hội ngày càng tăng.
Tư duy người có quyền lực và chức vụ như thế này, lại Tây học, thì quả là tai hại về mặt nhận thức và đánh giá chính sách. Nó xâm phạm vào quyền bình đẳng giới và đồng thời làm sai lệch vấn đề của việc sinh đẻ (dân số) tới việc phát triển quốc gia. Nước Nhật đang đối mặt việc già hoá dân số, Đức cũng trong một tình trạng như vậy, nên họ khuyến khích và nhận chu cấp cho gia đình nào sinh ra những đứa trẻ (ở Nhật khoảng 1.8 tỷ đồng cho việc sinh một đứa và sẽ nuôi đến khi vào đại học).
Các nước nghèo đói ở châu Phi đều rơi vào tình trạng sinh đẻ vô tội vạ, và tình trạng nghèo đói lẫn thất học gia tăng, riêng vấn đề tham nhũng thì nó là hệ quả tất yếu của một xã hội dựa trên nền tảng cuộc sống thấp của đa số dân chúng chỉ bận tâm tới cái ăn, cái mặc đã đủ mệt nhọc cho đến hết đời.
Và mới đây, chủ tịch quốc hội còn đòi tăng tuổi thanh niên lên tới 35 hoặc 40 tuổi để cho họ “cảm thấy rằng mình đã làm được gì cho đất nước chưa”. Thật quá sức tệ hại với phát ngôn và nhận thức như vậy khi trong cương vị chính trị.
Mỗi nhân dân đều là chủ thể của quyền lực nhà nước và phải đóng thuế để nuôi sống cái bộ máy đó, đó đã là một sự đóng góp thiết yếu, hơn nữa con cái của nhân dân đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ học tập để xây dựng và bảo vệ tổ quốc, mỗi người dân đều có trách nhiệm giám sát việc quản lý của nhà nước, thế nên những đóng góp đó là thường trực và lớn lao, chứ không phải là nghe theo mệnh lệnh của Đảng hay Nhà nước thì mới là đóng góp (hữu hình, nhìn thấy được, như cầm cái cuốc, cái xẻng ra dọn dẹp nơi công cộng).
Chỉ cần mỗi người không tham gia vào mạng lưới của sự bất công, thì đó đã là một dạng đóng góp cho dân cho nước rồi: là công chức không tham nhũng, cường quyền; là giáo viên không chạy chọt để được biên chế hoặc cưỡng ép học sinh; là trí thức thì biết lên tiếng phê phán cái xấu, ác; là luật sư đừng có chạy án; là thẩm phán đừng có nghe chỉ đạo hay họp liên ngành để xử án; làm điều tra viên đừng có bức cung, nhục hình hay làm sai lệch hồ sơ khi điều tra; là con người thì phải có dũng khí và chính trực để bảo vệ lẽ phải, điều đúng; là người theo đạo phải tỉnh ngộ giáo lý để giúp đời tốt đẹp hơn chứ không phục thuận quyền lực...
Cứ như vậy thì sẽ không có kiểu tồn tại các lãnh đạo phát ngôn không ra sao, vì họ sẽ phải từ chức hoặc bị phế truất khi thiếu suy nghĩ trước một vấn đề nào đó, vì vị trí của họ, nếu đúng, là do dân mà ra, của dân mà chịu sự quyết định và vì dân mà phụng sự. Khi dân có quyền phế truất các vị trí chính trị, sẽ không còn những nhà quản lý phát ngôn hồ đồ nữa.
Lê Luân
Không có nhận xét nào