Ở BÊN DƯỚI CÁI BÓNG CỦA BỨC TƯỜNG Đối với tôi, Berlin và Vĩnh Phúc của tuổi thơ tôi có mối liên hệ vô hình. Sáng nay đến văn phòng sớm, tôi ...
Ở BÊN DƯỚI CÁI BÓNG CỦA BỨC TƯỜNG
Đối với tôi, Berlin và Vĩnh Phúc của tuổi thơ tôi có mối liên hệ vô hình.
Sáng nay đến văn phòng sớm, tôi tình cờ xem được bức ảnh này trên báo Đức, ảnh chụp đúng 30 năm trước, ngày 4/11/1989, ghi lại khung cảnh trong buổi biểu tình lớn nhất lịch sử Đông Đức. Hàng nghìn người đã có mặt trên quảng trường Alexanderplazt, trước cửa tòa nhà số 7 đường Alexander. Không một ai trong số họ hay biết rằng Bức Tường sẽ sụp đổ chỉ 5 ngày sau đó.
30 năm sau, tôi ngồi làm việc trong chính tòa nhà cao tầng trong ảnh, số 7 đường Alexander và đôi khi nhìn xuống quảnh trường tôi chợt nghĩ về mình, về em bé gần hai tuổi chào đời tại một trạm xá nhỏ ở tỉnh Vĩnh Phúc, nơi mà trường ĐH Sư phạm của mẹ tôi sơ tán về trong những năm chiến tranh rồi thành lập một cơ sở tại đó. Tuổi thơ của tôi tươi đẹp với hình ảnh của những dãy nhà tập thể sơn xanh sơn vàng xây bằng tiền viện trợ của khối XHCN(trong đó có Đông Đức), những hàng xà cừ đường bệ và tiếng cười nói trong trẻo của từng tốp sinh viên rủ nhau đi học dưới tán lá.
Những năm tháng ấy, các gia đình có người đi làm ăn hoặc nghiên cứu ở Đông Âu đều rất quan tâm đến tình hình Đông-Tây Đức. Diễn biến chính trị ở bên Tây được người ta trao đổi với nhau trong giờ giải lao uống nước chè, lúc giặt quần áo dưới bể nước tập thể, hay vào đến tận mâm cơm đạm bạc dưới ánh đèn dầu leo lét khi chiều xuống.
Dù bị mắc chứng chậm nói, nhưng bù lại tôi sớm phát triển khả năng ghi nhớ hình ảnh. Có lẽ đó là một buổi chiều muộn, Mẹ tôi, một giáo viên Sử học, trở về từ giảng đường và nói với các dì của tôi rằng Bức Tường Berlin đã sụp đổ rồi. Phải sống ở cái thời đó và trưởng thành như thế hệ Bố mẹ tôi thì chắc có lẽ mới hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy. Tôi nghĩ về bản thân mình, Tôi nghĩ về bức tường ở Nhà Mười Hai, nơi Mẹ gửi tôi trong một lớp mẫu giáo mà cứ vào buổi trưa thì chúng tôi lại lê la ở ngoài ban công mà cạy các mảng sơn tường vàng tróc hỏng ra.
Làm sao mà tôi, một đứa trẻ một tuổi rưỡi có thể ý thức được rằng cái sự kiện ở tận chân trời xa xôi nào đó đã làm thay đổi cuộc đời tôi và hàng triệu triệu trẻ em khác theo những hướng mà không một ông bố hay bà mẹ nào lường được. Năm sau đó, Liên Bang Xô Viết tan vỡ. Người lao động, nghiên cứu sinh VN nườm nượp trở về nước trong đó có Bố tôi, một nhà Vật Lý thân Liên Xô.
Tôi đoán rằng đó là hình ảnh của tôi, một em bé lớn lên tại một thị trấn nhỏ cách Hà Nội 40km về phía Bắc. Tôi nắm tay mẹ tôi đi dưới những tán lá cây xanh thẳm. Mẹ mới ngoài ba mươi. Mẹ tôi chắc phải có nhiều suy tư vào cái thời cuộc ấy nhưng tôi thì không. Tôi không thể biết rằng có những cá nhân nào đó ở một nơi nào đó - đã đưa ra những quyết định và làm thay đổi số phận của hàng triệu con người. Để rồi sau này, chỉ có thời gian mới có thể làm rõ những mối liên hệ sâu xa ấy.
Lịch sử là một dòng chảy bất tận như thế, nó cuốn thân phận con người vào bên trong, nó gột rửa, nhào nặn, đưa đẩy họ đi tứ phía. Khi tôi bắt đầu tập tành viết cuốn truyện đầu tiên, có nhiều bạn bè Đức giúp đỡ tìm thông tin, các bạn hỏi vì đâu mà tôi lại có cái ấn tượng về Bức tường lớn đến như thế. Tôi nói với họ rằng, mặc dù là một người Việt nhưng tôi đã luôn sống dưới cái bóng của nó. Ở bên dưới cái bóng của Bức Tường.
Berlin, ngày 4 tháng 11 năm 2019.
Ảnh: bên trái, Ảnh chụp từ quảng trường ngày 4/11/1989 từ báo Đức và ảnh tôi chụp từ dưới quảng trường lên đúng 30 năm sau. 🙂
#XND Le Quang #Berlinwall #bứctườngBerlin
Không có nhận xét nào