Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

THIÊN NGA ĐEN

THIÊN NGA ĐEN Một năm trước, Tập Cận Bình đã nói với các quan chức của mình chuẩn bị cho những rủi ro “Tê giác xám” hoặc “Thiên nga đen” hay...

THIÊN NGA ĐEN

Một năm trước, Tập Cận Bình đã nói với các quan chức của mình chuẩn bị cho những rủi ro “Tê giác xám” hoặc “Thiên nga đen” hay những sự kiện đột ngột khác. Chiến tranh thương mại với Mỹ cũng như tình trạng bất ổn ở Hồng Kông thường được các học giả trích dẫn là sự kiện thiên nga đen của năm 2019.

Chỉ một tuần sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, Tập Cận Bình đã bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng mới có khả năng phá vỡ một nền kinh tế vốn đã mong manh, các nhà phân tích cho rằng coronavirus Vũ Hán có thể là sự kiện thiên nga đen đầu tiên năm 2020.

Từ khi được đưa lên vị trí cao nhất năm 2012, theo lý thuyết Marxist cần có một sự cầm quyền lâu dài để không ảnh hưởng đến một cuộc “cải cách xã hội”, Hiến pháp TQ đã được sửa đổi để đảm bảo sự lãnh đạo vô thời hạn của Tập cũng chính là sự lãnh đạo của ĐCSTQ.

Bắt đầu với triều đại của mình, Tập đã đặt tầm quan trọng sống còn của chế độ vào việc chống tham nhũng bằng chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” nhưng 8 năm dưới sự cai trị của Tập, Trung Quốc đại lục dường như đã đạt được rất ít tiến bộ trong việc giải quyết nạn tham nhũng, ít nhất là theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, được phát hành vào ngày 23 / 1. Chỉ số Nhận thức Tham nhũng là thước đo toàn cầu về mức độ tham nhũng của khu vực công ở 180 nước trên toàn cầu. Minh bạch quốc tế là tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng hàng đầu thế giới, tập hợp một loạt dữ liệu để cung cấp cho mỗi lãnh thổ điểm tổng hợp trong số 100 điểm. Điểm càng cao, nỗ lực chống tham nhũng càng tốt.
Năm ngoái,  New Zealand và Đan Mạch cao nhất, với 87 điểm mỗi nước. Thành tích tệ nhất là Somalia với 9 điểm, chỉ sau Nam Sudan 12 và Syria 13.Trung Quốc với 41 điểm, chia sẻ vị trí thứ 80.

Những điều kiện lý tưởng cho một chuỗi tăng trưởng ngoạn mục đã hết, TQ đang phải loay hoay tìm đường ra thì lại gặp một thảm họa, đó là virus Corona Vũ Hán. Sự thiệt hại về nhân mạng không lớn kể cả so với số người chết bởi tai nạn giao thông hàng năm hay những người thiệt mạng vì các bệnh thông thường. Sự thiệt hại về kinh tế tối đa cũng chỉ đến 1% GDP, nhưng nó sẽ là thảm họa bởi nó bóc trần thực chất một chế độ tàn ác và dối trá ra trước bàn dân thiên hạ bởi cách xử lý khủng hoảng của chế độ. Chưa lâu, nước Mỹ từng trải qua một dịch cúm làm chết nhiều ngàn người nhưng nó đã không trở thành thảm họa. Đó là một trong những sự khác biệt. ĐCSTQ khó mà vượt qua được khủng hoảng này. Bởi :

1- Kinh tế cũng là chính trị :

Lý thuyết kinh tế của CNXH là tăng trưởng GDP bằng đầu tư công, điều kiện tiên quyết để thể hiện tính ưu việt của XHCN là GDP năm sau phải cao hơn năm trước và vì vậy nhà nước phải nắm toàn bộ tư liệu sản xuất của xã hội để tạo ra sức mạnh cho đầu tư công. Chỉ số GDP hàng năm là điều kiện quan trọng cho việc thăng quan tiến chức của các đảng viên, vì vậy các quan chức địa phương thường sáng tác các số liệu thống kê, đặc biệt trong một nền kinh tế đang phát triển chậm lại. Nó dẫn đến một thực tế đáng buồn cười như ở Việt Nam chẳng hạn, tất cả các địa phương đều có tăng trưởng 2 con số, vậy mà tăng trưởng của cả nước cộng lại thì chỉ đạt vài phần trăm. Một sự dối trá trơ trẽn nhưng được chấp nhận như một luật chơi bất thành văn. Với sự đỏng đảnh khó nắm bắt và những quy luật khắc nghiệt của thị trường có muôn vàn những lý do biến sự tăng trưởng đều đặn của chỉ số GDP thành không tưởng.

2- Nền tảng dối trá :

Vì lý do trên, tất cả những vấn đề ảnh hưởng đến GDP đều được giấu kín.Tết Nguyên đán là khoảng thời gian tiêu thụ lớn giúp các quan chức địa phương giữ được số GDP của họ, khủng hoảng với nỗi lo về sụt giảm tăng trưởng  kinh tế là một động lực mạnh mẽ trong việc giữ bí mật điều này.
Trên thực tế, các quan chức Vũ Hán ban đầu đã cố gắng ngăn chặn các cuộc thảo luận trực tuyến về căn bệnh này, cảnh sát đã bắt 8 người với tội vi phạm pháp luật vì đăng thông tin xuyên tạc lên mạng và cảnh báo những người khác được không tin vào tin đồn hoặc lan truyền chúng.

Ngay cả khi các dấu hiệu ngày càng gia tăng rằng virus mới có thể rất dễ lây lan, các quan chức Vũ Hán vẫn tiếp tục cho thấy mọi thứ là bình thường. Truyền thông địa phương vào ngày 18 / 1, đã tổ chức và đưa tin một bữa tiệc khổng lồ của gần 40.000 hộ gia đình mang các món ăn đến ăn ở những khu vực công cộng đông đúc (giống hệt các quan chức VN đến ăn hải sản gần nhà máy Formosa).

Một vấn đề chính là, trong bất kỳ kịch bản thảm họa nào, từ động đất đến dịch bệnh, nhà nước và ĐCSTQ  đều mờ ám đến khó tin , ngay cả với chính bản thân nó. Sao vậy ?
 Trong một môi trường chính trị rất cạnh tranh, “đâm sau lưng đồng đội” là một cách hành xử phổ biến, thông tin trở thành một hàng hóa được giao dịch, thay vì một thứ để chia sẻ. Các quan chức được cho là thường xuyên che giấu thông tin của họ với nhau. Tất nhiên, không phải là không có trong các thể chế dân chủ, nhưng không có tự do báo chí, không có một xã hội dân sự cơ bản, Trung Quốc thiếu bất kỳ thể chế nào ngoài những tổ chức “chính thống”để giữ cho mọi thứ trung thực.
 
Cũng có một niềm tin sâu sắc trong các quan chức cộng sản rằng công chúng là một đám đông u tối, một bầy cừu dễ sợ hãi, hay thay đổi và việc phơi bày thông tin đáng sợ của khủng hoảng sẽ gây ra sự hoảng loạn khi tranh cướp mua bán, sẽ xảy ra cướp bóc và lan truyền những tin đồn không thể kiểm soát. Đó chính là một lời tiên tri tự hoàn thành. Bởi vì công chúng biết chính phủ của họ thường xuyên che đậy mọi thứ, nên họ tin rằng mọi thứ sẽ tồi tệ hơn và tự tìm cách bảo vệ bằng những kiến thức đôi khi phi khoa học. Ví dụ, sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản, người dân ở Trung Quốc đã đổ xô đi mua muối vì tin rằng nó sẽ bảo vệ họ chống lại phóng xạ.

3- Sự tín nhiệm và tính hợp pháp của chính phủ :

Có những ý kiến khác nhau  về việc chính phủ Trung Quốc đã học được bao nhiêu kinh nghiệm từ thảm họa SARS. Có những chuyên gia dịch tễ học lập luận rằng các dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng sẽ lặp lại, trong khi một số chuyên gia y tế khác nói rằng việc xử lý đã tốt hơn rất nhiều, giờ đây chính phủ (TQ) dường như có một chính sách toàn diện hơn, truyền thông vẫn đưa tin dù có  vẫn hạ thấp mức quan trọng so với việc tuyên truyền xung quanh những lời chúc Năm mới tốt đẹp của Tập.
 Nhưng ngay cả khi có nhiều ý chí hơn để xử lý khủng hoảng đúng mức ở cấp trung ương, vẫn có rất nhiều cách mà hệ thống chính trị này có thể thất bại.

Sự hoang tưởng bản năng về việc chia sẻ thông tin là đặc biệt khó khăn làm kìm hãm sự hợp tác hiệu quả giữa các tổ chức hoặc các cấp chính quyền và với quốc tế. Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới dưới sức ép của Bắc Kinh vẫn chưa tuyên bố Virus Corona là thảm họa quốc tế dù nó đã lan đi khắp thế giới, nó là một hàng rào  ngăn cản các tài nguyên đưa vào đại lục để khắc phục dịch bệnh, ĐCSTQ vẫn coi đây là “vấn đề nội bộ” như các vấn đề chính trị khác như Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông…Hậu quả của việc chính trị hóa tất cả các hoạt động xã hội, một điểm đặc trưng của độc tài toàn trị.

4- Vai trò Tập Cận Bình trong xử lý khủng hoảng.

Ngay sau khi Tập Cận Bình tuyên bố dịch viruscorona Vũ Hán là một điều nghiêm trọng, người ta thấy lập tức các các số liệu về người nhiễm bệnh tăng gấp 3 lần. Các bài xã luận xuất hiện trên các báo hàng đầu lên án các quan chức Vũ Hán che giấu mức độ của dịch bệnh , có những lời đe dọa rằng sẽ đóng tất cả các quan chức “lên cây cọc nhục nhã muôn đời” nếu ém nhẹm những thông tin. Thậm chí những lỗi lầm trong quá khứ cũng bị lôi ra. Ví dụ mới nhất là vào thứ ba,  Tân Hoa Xã đăng tin tỉnh Hồ Nam láng giềng của Hồ Bắc đã trừng phạt 29 quan chức địa phương vì che đậy vụ nổ tại một nhà máy pháo hoa vào tháng trước làm 13 công nhân thiệt mạng và 13 người khác bị thương. Sẽ có một vài “con dê tế thần” để xoa dịu sự phẫn uất, nhưng quá ít và quá muộn.

Các chuyên gia thảm họa Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có thông tin tốt hơn và đáng tin cậy hơn. Tập cũng kêu gọi các quan chức trung thực hơn. Tuy nhiên, trong cả việc hợp tác chuẩn bị khắc phục thảm họa với các nước khác, phía Trung Quốc vẫn nhấn mạnh việc kiểm soát thông tin cực kỳ chặt chẽ ngay từ đầu. Ngay cả lúc này, các quan chức đang đe dọa những cá nhân đăng hoặc chia sẻ thông tin trực tuyến về virus.

Quan trọng hơn tất cả,  Tập đã củng cố quyền lực của mình bằng cách kêu gọi các quan chức khác hoàn toàn tuân thủ sự lãnh đạo của đảng, điều này càng củng cố xu hướng tránh đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào, và, thay vào đó chờ đợi chỉ thị cụ thể từ lãnh tụ. Và, kinh nghiệm cho thấy, Tập luôn có những quyết định sai lầm từ ngày ông ta nắm quyền lãnh đạo. Không có gì là quá đáng khi Tập có thể sẽ là người kết thúc một chế độ tàn ác nhất trong lịch sử.

Và cuối cùng, nền tảng của tất cả là sự căm hận thấu trời của người dân với nhà cầm quyền. Một Clip được cho là của một thanh niên Vũ Hán đang lan truyền rộng rãi, tường thuật những điều bi thảm đang xảy ra ở Vũ Hán, với câu anh ta dành cho chính quyền :

“Lũ khốn kiếp ! Tao nguyền rủa chúng mày!”

Ngô Nhật Đăng



Không có nhận xét nào

Quảng Cáo