Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

THỐNG NHẤT TRONG HẬN THÙ - AI CHIA RẼ VIỆT NAM

[ THỐNG NHẤT TRONG HẬN THÙ - AI CHIA RẼ VIỆT NAM ] Cứ mỗi năm đến ngày cuối cùng của tháng tư, khắp nơi trên cả nước đều chuẩn bị ăn mừng th...

[THỐNG NHẤT TRONG HẬN THÙ - AI CHIA RẼ VIỆT NAM] Cứ mỗi năm đến ngày cuối cùng của tháng tư, khắp nơi trên cả nước đều chuẩn bị ăn mừng thêm một ngày lãnh thổ Việt Nam được thống nhất sau một cuộc nội chiến kéo dài ba thập niên. Mới ngày nào, đường phố Sài Gòn đầy người dân náo loạn trốn chạy, ai ở lại chứng kiến những chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập và sự đầu hàng của một chính quyền còn quá trẻ. Bốn mươi lăm năm trôi quá, chúng ta không còn thấy những hình ảnh tàn khốc đó nữa. Thay vào đó, thành phố hiện tại đã mang tên Hồ Chí Minh và đang là trung tâm kinh tế của cả nước. Người dân nơi này gần như muốn lãng quên quá khứ để hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn.

Nhưng khác với vẻ bề ngoài hào nhoáng của một đất nước không còn bị cách chia ở vĩ tuyến mười bảy, con người nơi đây thực sự chưa bao giờ cảm thấy trọn vẹn. Vì đằng sau sự thống nhất là một lòng hận chia rẽ con người và tạo ranh giới bất đồng giữa bên thắng và thua cuộc.

Ngày xưa khi tiếng súng ngừng nổ, thay vì có một quốc gia đắm chìm trong hạnh phúc, chúng ta chỉ có “Hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn” như lời của Võ Văn Kiệt. Thời gian trôi qua quá nhanh, nhưng cảm xúc trái nghịch đó đến bây giờ vẫn không thay đổi. Vì khi ngày này đến, chúng ta có một bên ăn mừng trong hân hoan và một bên tưởng niệm cho những gì đã mất.

Ở những phố đông người gốc Việt sinh sống ở xứ người, thay vì có đồng lòng thì chúng ta chứng kiến những cuộc biểu tình lớn nhỏ để thể hiện sự bất mãn. Những con người thuộc thế hệ sinh sống ở một quốc gia hiện tại không còn nữa, những thuyền nhân và con cái họ coi đây là nỗi đau không bao giờ chấm dứt. Không phải vì họ muốn bám giữ quá khứ, mà vì những gì xảy ra trong hiện tại ở quê hương cũ không cho họ niềm tin để quên.

Bên thắng cuộc gọi là “Thống Nhất” và “Giải Phóng” nhưng có bao giờ chúng ta ngừng lại và tự hỏi liệu những thuật ngữ đó có đúng hay hợp lý để miêu tả. Là một người trẻ sinh và lớn lên thời hậu chiến trong gia đình của phe thua cuộc, tôi luôn hoài nghi về điều này. Nó bắt đầu khi các nhà xung quanh không bao giờ treo Quốc Kỳ hay ăn mừng. Mỗi lần nhắc đến sự kiện lịch sử này, những người thế hệ trước có nét mặt cay cú và lời lẽ tiêu cực. Khi lớn lên và vào đời, tôi dần hiểu vì sao. Khi đi đó đây và tiếp xúc với cả hai bên thắng và bại trận, tôi biết nguyên nhân là gì.

Chúng ta không thể nào tự hào gọi đây là giải phóng khi đất nước hiện tại đang tụt hậu và thua kém những quốc gia láng giềng khác. Khi vị thế suy giảm, danh dự xúc phạm, giá trị hao mòn, con người lưu vong và lãnh đạo thối nát, đây chẳng khác nào một cuộc xâm chiếm vì làm vùng đất này tồi tệ hơn. Những nhà cai trị luôn đổ lỗi cho chiến tranh hoặc thế lực thù hận nhưng “Nguỵ” không phải là phe thắng cuộc và đang điều hành nơi này. Liên tục nguỵ biện nhằm chối bỏ trách nhiệm thì không khó để hiểu sao người khác luôn căm ghét mình.

Mặc dù hai lãnh thổ năm nào bây giờ là một, dân chúng nơi đây không thể gọi là “Thống Nhất” khi họ bị phân biệt bởi chính sách Sơ Yếu Lý Lịch vốn chia rẽ con người bằng phe phái dựa theo việc gia đình đã tham chiếm cho ai. Trong một quốc gia văn minh, không ai phải bắt thế hệ trẻ phải gánh chịu vì cha ông mình đã làm gì trong quá khứ. Rồi trách móc vì sao con người mãi hận thù. 

Chúng ta không thể nào là một quốc gia khi có người đi đầu phát biểu rằng người lãnh đạo tối cao nhất của tổ chức điều hành tuyệt đối không thể nào thuộc miền dưới mà phải là một người miền trên. Những chính sách hiện tại không trực tiếp chia rẽ Bắc Nam nhưng tác hại thì quá rõ ràng. 

Khi nhìn sang những dân tộc và chế độ khác, chúng ta thấy lựa chọn và kết quả khác hoàn toàn. Khi Tây và Đông Đức thống nhất sau hơn bốn thập niên chia cách, không hề có sự phân biệt lý lịch hay nguồn gốc con người. Khi Mỹ chấm dứt cuộc nội chiến, cũng không hề có chuyện bên thắng cuộc trả thù hay đàn áp phe thua cuộc. Các liệt sĩ được chôn trung nghĩ trang và thành một dân tộc trở lại. Để rồi tất quên đi đau thương và hướng về phía trước.

Ai đã khiến dân tộc này trở thành địch thủ của nhau. 

Thay vì có vị tha, khi thống nhất đất nước, bên thắng cuộc lại lựa chọn cách trả thù tàn bạo những đồng bào thuộc bên kia chiến tuyến. Những trại cải tạo, những năm tháng chồng xa vợ không hẹn ngày về, những gia đình bị cướp của cải, những cuộc di tản kinh tế mới, những chuyến vượt biên, những con thuyền trên biển, những năm tháng ở trại tỵ nạn và những sự mất mát không thể định lượng. Tất cả những điều đó đã tạo một vết thương không bao giờ lành trong ký ức. Vì không ai thích cảm giác bị đàn áp và coi là người thừa trên chính quê hương mình.

Muốn người dân không còn bám vào quá khứ thì phải làm hiện tại đất nước này tốt đẹp hơn. Muốn đoàn kết dân tộc thì hãy dẹp bỏ những thứ tạo xung đột. Đừng bao giờ kêu gọi “Hoà giải” hay “Xoá bỏ hận thù” khi bạn đang làm điều ngược lại. Một quốc gia thống nhất trong hận thù chẳng khác nào đang bị cai trị. Việt Nam xứng đáng hơn thế. [30.4.2020]

Ku Búa @ Cafe Ku Búa



Không có nhận xét nào

Quảng Cáo