Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VIRUS:VẪN PHONG TOẢ, NHƯNG CÓ ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM

VIRUS:VẪN PHONG TOẢ, NHƯNG CÓ ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM Nước Pháp tiếp tục tình trạng phong toả thêm một tháng nữa, nhưng các trường mẫu giáo,...

VIRUS:VẪN PHONG TOẢ, NHƯNG CÓ ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM

Nước Pháp tiếp tục tình trạng phong toả thêm một tháng nữa, nhưng các trường mẫu giáo, tiểu học có thể mở cửa kể từ 11 tháng 5. Một mặt thận trọng để tránh virus bùng phát trở lại, mặt khác cho phép xã hội dần dần ra khỏi tình trạng phong toả ngột ngạt, kinh tế suy sụp, đó là khuynh hướng chung tại Âu Châu ngày nay, khi số người bị nhiễm dịch, người tử vong thuyên giảm mỗi ngày trong tuần qua.
Đó là một ly nước nửa đầy, nửa vơi. Đại dịch chưa chấm dứt, nhưng sóng gió có vẻ êm dịu trở lại. Trong 3, 4 ngày liên tiếp, số người  nhập viện ít hơn số người ra khỏi bệnh viện, kể cả ở Ý, nước bị tổn hại nặng nhất. Áo là nước đầu tiên đã phong toả, đã có con số tử vong thấp, và là nước đầu tiên ở Âu châu đã ngưng phong toả từ hôm nay

MỞ CỬA TRƯỜNG HỌC

Trước con số kỷ lục 37 triệu khán giả TV, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối thứ Hai đã tuyên bố duy trì tình trạng phong toả ít nhất tới 11 tháng 5. 
Kể từ ngày đó, các nhà giữ trẻ, trường mẫu giáo tiểu học có thể dần dần mở cửa, nhưng các trường đại học, các nơi công cộng (tiệm ăn, café, rạp hát..), vẫn tiếp tục đóng cửa, các đại hội ca nhạc, kịch nghệ, thể thao bỉ huỷ bỏ, ít nhất tới giữa tháng Bẩy.
Emmanuel Macron cho hay chính phủ sẽ có những biện pháp kinh tế giúp đỡ những gia đình có lợi tức thấp, đông con, sinh viên gặp khó khăn, ngoài ngân khoản 1 tỷ euros mỗi ngày trả lương cho những người phải nghỉ việc vì virus.

Quyết định mở lại nhà giữ trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học gây tranh cãi, cho thấy sự lúng túng của nhà nước trong các quyết định liên hệ tới virus.
Macron nói giữ trẻ em ở nhà lâu dài không phải là giải pháp, nhất là sẽ làm gia tăng bất công xã hội, vì những trẻ em thuộc những gia đình có lợi tức thấp, nhà cửa chật hẹp không có đủ điều kiện để tiếp tục học hỏi như những trẻ em may mắn hơn.
Một cách thực tế, muốn đời sống trở lại bình thường để cứu vãn kinh tế, phải ‘’giải phóng’’ cha mẹ khỏi gánh nặng phải nghỉ việc, ở nhà trông coi con cái nhỏ tuổi. 
Nhưng thế nào là mở cửa dần dần (progressivement) ? : mở cửa trường học tuỳ theo lớp tuổi, tuỳ vùng bị nhiễm dịch ít hay nhiều, những nơi trường ốc rộng rãi hay chật hẹp. Và áp dụng những biện pháp gì ( khẩu trang, vệ sinh, số học sinh mỗi lớp vv..) để bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo chức. 
Đó là những vấn đề sẽ được tranh cãi sôi nổi trong những ngày tới, vì ở Pháp, chính phủ khó quyết định những biện pháp liên hệ tới trẻ em, nếu không có sự đồng thuận của các nghiệp đoàn giáo chức, các hội phụ huynh.

KINH TẾ NGUY KỊCH

Việc phục hồi kinh tế là chuyện khẩn cấp của các nước Âu Châu, đặc biệt là những nước kinh tế đã khó khăn, còn bị đe doạ nặng hơn nữa vì virus như Tây Ban Nha, Ý..
Tại Pháp, mục tiêu giới hạn mức suy thoái kinh tế ở mức độ -8% (thay vì +1,5 hay 2% trước đại dịch), đã là một cuộc khủng hoảng lớn nhất từ 1929, sẽ khó thực hiện, vì mức suy thoái ngày nay đã tới -7%, vì nhà nước phải tài trợ các doanh thương, kỹ nghệ để tránh sa thải nhân viên, phá sản , đóng cửa vĩnh viễn, nghĩa là kéo toàn bộ kinh tế quốc gia sụp đổ.
Chính phủ Pháp đã dự trù một ngân khoản khổng lồ 300 tỉ Euros để đương đầu với khủng hoảng do virus tạo ra. Mạt khác, các nước thuộc Liên Hiệp Âu Châu cũng đi tới thoả thậun dành 500 tỉ Euros để giúp các nước hội viên đương đầu với đại dịch

PHONG TOẢ NGƯỜI GIÀ

Một quyết định khác của Macron sẽ gây tranh cãi, là duy trì tình trạng phong toả với những người cao tuổi, ngay cả khi đời sống đã trở lại bình thường. 
Trên lý thuyết, đó là một quyết định sáng suốt : những người cao tuổi, bệnh tật là nạn nhân đầu tiên của virus. Đa số người tử vong tại nhà thương trên 70 tuổi, chưa kể số nạn nhân trong các nhà dưỡng lão chiếm 1/3 tổng số người chết. Nhưng phong toả trong điều kiện nào, cưỡng bách hay kêu gọi tư nguyện, bắt đầu từ bao nhiêu tuổi ?

KHẨU TRANG VÀ TESTS

Trái lại, 2 quyết định của Macron được dư luận ủng hộ: sẽ bắt buộc đeo khẩu trang trong các phương tiện chuyên chở công cộng, và làm test cho tất cả những người có triệu chứng nhiễm dịch.
Vấn đề là chính quyền có khả năng cung cấp khẩu trang và tests trong những ngày tới, hay sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm như khẩu trang, thuốc rửa tay trong thời gian vừa qua. Chính quyền cho hay nhập cảng mộ số lượng khẩu trang đáng kể, và nhiều công ty, hãng xưởng Pháp đã bắt đầu sản xuất tại chỗ khẩu trang, để dần dần đủ khả năng cung cấp cho nhu cầu địa phương.
Hai biện pháp trên quan trọng, và cần thiết để ngăn chặn việc virus lây lan trở lại, ngay cả khi đã hết phong toả. 
Một chuyên viên về virus nói thế giới sẽ phải sống với coronavirus 2 năm tới, trừ khi tìm ra thuốc chủng ngừa hay thuốc trị thực sự hữu hiệu, chuyện khó thực hiện trong năm. Bởi vì ngay cả khi một số quốc gia hết dịch, virus đã đi khắp thế giới, vẫn sống và có thể bùng phát trở lại ở một nơi khác.
Lý tưởng là có một số đông đã khỏi sau khi nhiễm dịch, có sức đề kháng tự nhiên. Nhưng muốn một cộng đồng có khả năng đề kháng, số người đó phải trên 60% dân số, trong khi ở Pháp số người đã bị nhiễm không tới 10 %.
Anh Quốc, trong giai đoạn đầu, đã có chính sách để cho virus lan tràn, để tạo sức đề kháng tự nhiên, nhưng trước số tử vong tăng quá nhanh, chính phủ Anh đã đổi chiến lược, nhất là từ khi Thủ tướng Boris Johnson bị nhiễm nặng. 
Ngày nay, Anh Quốc là nước bị đe doạ nhiều nhất ở Âu châu, mặc dù số tử vong không bằng Ý, Tây Ban Nha
Trong khi chờ đợi thuốc chủng, phương tiện ngăn chặn virus lây lan là khẩu trang, nhất là ở nhữ nơi công cộng. Những người nói khẩu trang chỉ cần thiết cho các nhân viên nhà thương, những người đã bị lây nhiễm để khỏi truyền bệnh cho người khác, ngày nay đã dần dần đổi ý, và người Tây Phương  đã bắt đầu quen với ‘’ văn hoá khẩu trang’’. Ngoài đường, số người đeo khẩu trang càng ngày càng nhiều

Về tests, những nước thành công trong việc chặn dịch, như Đại Hàn hay Đức là những nước đã làm tests trên quy mô lớn. 
Nước Pháp không kịp đáp ứng với nhu cầu tests.
Hiện nay, ở Pháp chỉ có loại test PCR (tìm dấu vết virus trong mũi, trong họng), có mục đích tìm ra những người đang bị nhiễm để điều trị, dành ưu tiên cho nhân viên nhà thương, những người cao tuổi có triệu chứng nhiễm dịch. 
Người ta chờ đợi trong những ngày tới một loại test khác, gọi là ‘’test sérologique’’ ( thử máu, với kết quả nhanh chóng) tìm ra những người đã bị nhiễm dịch, nhưng an toàn, nghĩa là có khả năng đề kháng tư nhiên.
Người ta biết là một người bị nhiễm có thể truyền dịch cho 3 người, 3 người này tiếp tục lây lan mỗi người cho 3 người khác vv.. Mục đích của việc phong toả, đeo khẩu trang, làm test là ngăn chặ n virus bằng cách giảm khả năng lây lan từ 3 xuống dưới 1. Với tests, người ta tìm ra người bị nhiễm để cách ly, tránh truyền nhiễm cho người khác, trước hết la cho những người trong gia đình
Nước Pháp chỉ thực sự nghĩ đến việc chấm dứt phong toả khi 
có thể cung cấp khẩu trang cho mọi người, và tests ít nhất cho những người có triệu chứng hay làm nghề tiếp cận với quần chứng

120.000 NẠN NHÂN

 Tới ngày 14/ 4, virus đã hoành hành tại 185 quốc gia, với gần 2 triệu người bị nhiễm, trên 120.000 người chết, 70% ở Âu Châu. 
Cố nhiên con số đó xa với sự thực, vì ngày nay, không còn ai tin những con số của Trung Cộng.
Nhìn chung, số tử vong vẫn khủng khiếp, nhưng khuynh hướng chung có vẻ lạc quan.
Hoa Kỳ, với số người chết lớn nhất ( 23.500), mức độ tử vong đang giảm so với những ngày trước. Ý (20.465) ghi nhận số người chết giảm trong 10 ngày liên tiếp. Tây Ban Nha (18.058), số nạn nhân tăng trở lại sau 5 ngày giảm.  Pháp (gần 15.000 tử vong), số nạn nhân giảm từ 5 ngày liên tiếp, khiến các nhà thương trở lại săn sóc những bệnh nhân khác ,đã bị…bỏ quên trong giai đoạn gay go. Nước Anh tương đối đáng ngại nhất, vì áp dụng những biện pháp phòng ngừa hơi trễ, và người ta nghĩ con số 11.329 không phản ảnh đúng sự thực, vì số người chết vì virus tại gia chưa được tính trong thống kê.
Tại Á Châu, ít media nói tới Việt Nam vì không tin sự minh bạch của nhà nước. Ấn Độ sống trong lo ngại. Đài Loan, Hong Kong, Singapour sau một thời gian yên tĩnh, đang có những ca truyền nhiễm mới.
Nói chung, con đường gian nan còn dài, chưa ai biết chắc chắn ngày nào sẽ hết dịch, nhưng nhiều dấu hiệu, đặc biệt ở Âu Châu, cho thấy có ánh sáng le lói cuối đường hầm. 
Bổn phận của mỗi người là vẫn phải thận trọng. Đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc, đứng gần người khác, rửa tay  vẫn là những cử chỉ phải làm hàng ngày. Tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân là điều kiện để đi tới thành công của tập thể.

(tuthuc-paris-blog.com)






Không có nhận xét nào

Quảng Cáo