Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

“TRÍ THỨC TRÙM MỀN” – VÌ ĐÂU VÀ LÀM THẾ NÀO?

“TRÍ THỨC TRÙM MỀN” – VÌ ĐÂU VÀ LÀM THẾ NÀO? Đi tìm câu trả lời này quả không dễ dàng, nhưng có lẽ cần phải nỗ lực để tìm ra nếu muốn thay đ...

“TRÍ THỨC TRÙM MỀN” – VÌ ĐÂU VÀ LÀM THẾ NÀO?

Đi tìm câu trả lời này quả không dễ dàng, nhưng có lẽ cần phải nỗ lực để tìm ra nếu muốn thay đổi và có kế hoạch thay đổi. Dưới đây là góc nhìn cá nhân của tôi, xin chia sẻ.

1. Ngoài các lý do về phong thổ, về tính chất nông nghiệp làng xã khép kín, thường gắn địa giới hành chính với tộc họ (ví dụ Ngô xá, Nguyễn xá, Lê xá…) đã chia cắt cộng đồng Việt thành các “ốc đảo” có tính “cát cứ” rất mạnh kéo dài mãi tới cuối TK 20 – đầu TK 21 này thì có còn nguyên nhân nào khác nữa đã khiến người Việt rút sâu vào vỏ bọc vị kỷ làm cho ý thức công lợi (luân lý xã hội) không thể phát triển được? Một đằng thì con người cá nhân bị triệt tiêu bởi mô hình và tính chất “gia đình gia trưởng” cộng với ý thức hệ chuyên chế phong kiến, và sự tiếp thu luân lý Nho giáo nửa mùa một cách phiến diện lệch lạc; một đằng khác thì tinh thần cộng lợi lại không thể vì thế mà lớn lên. Đó là 1 nghịch lý nhưng có thể giải thích được khi ta hiểu rằng, nếu con người cá nhân không lớn mạnh thì nó cũng sẽ không thể trở thành nền móng cho sự ra đời của bất cứ giá trị văn hóa lớn nào. Vì mọi sáng tạo và giá trị bao giờ cũng khởi đi từ cá nhân.

2. Không có tôn giáo và siêu hình học. Nếu trên kia là nguyên nhân ở “cơ địa văn hóa” thì đây là phần “thượng tầng tinh thần”. Người Việt Nam không có triết học của mình, nhưng khi tiếp nhận tư tưởng ngoại lai thì lại cải biến nó cho thành ra mất đi cái phần siêu hình / bản thể luận trong triết thuyết của người khác. Nói tóm lại là tầm thường hóa triết học.

Tình trạng của tôn giáo cũng vậy. Việt Nam không có tôn giáo bản địa, mà chỉ có các loại hình tín ngưỡng dân gian. Khi du nhập tôn giáo của các dân tộc khác thì tình hình lại cũng diễn ra như đối với triết học: gạt đi tính chất tư tưởng triết lý để phát triển thành một thứ tín ngưỡng. Thậm chí ngay cả các học thuyết chính trị xã hội nước ngoài khi được người Việt tiếp nhận thì cũng có xu hướng biến thành tín ngưỡng (Nho, Lão là ví dụ).

Theo Einstein, tôn giáo có 3 loại, theo thứ bậc: tôn giáo sợ hãi, tôn giáo luân lý và tôn giáo vũ trụ (“đạo vũ trụ”). Theo đó, “Ở những người sơ khai thì trước tiên là sợ hãi đã tạo nên các biểu tượng tôn giáo” [tr31]. “Lòng khát khao được dẫn dắt, được yêu thương và che chở đã kích thích sự hình thành khái niệm Thượng Đế theo nghĩa xã hội cũng như luân lý”. Nhưng có một loại tôn giáo thứ 3 (đạo vũ trụ) đó là khi “Anh ta cảm thấy sự tồn tại của cá nhân mình như một thứ tù ngục, và anh ta muốn trải nghiệm cái tổng thể hiện tồn như một chỉnh thể thống nhất đầy ý nghĩa” [tr33]. Và cũng theo Einstein các nhà triết học và các khoa học gia lớn (như Schopenhauer, Spinoza…) rất gần gũi nhất với loại “tôn giáo” thứ 3 này.

Tóm lại, người Việt về cơ bản không có trải nghiệm tôn giáo chân chính và không có suy tư triết học; nghĩa là không có siêu hình học. Người Việt không cảm nhận được sự hòa điệu tổng thể của tồn tại như một “sự hùng vĩ và sự kỳ diệu trong thiên nhiên cũng như trong thế giới suy tưởng”. Chính điều này đã đã làm người Việt “co” lại trong những quan niệm rặt giáo điều về sự vun bồi cho thân xác trong nghĩa tách lìa mình khỏi cái toàn thể. Cũng lưu ý thêm, suy tư triết học / cảm thức tôn giáo không phải là kiểu "công chức triết học" hay như một thứ thợ-triết.

3. Giáo dục, như thế, phải “dạy [cho con người] để có ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt, hơn là một con người được phát triển hài hòa” [tr48]. Nghĩa là người Việt, nhất là giới trí thức cần tiếp xúc sâu với triết học và phải nuôi dưỡng cảm thức tôn giáo (đúng nghĩa); phải hình thành những ý niệm tổng thể vượt ra ngoài sự xúc chạm của giác quan thuần túy để vươn lên bằng một đời sống tinh thần cao cả và thiêng liêng hơn.

Thiếu cái gì thì bồi đắp cái đó. Mà trớ trêu thay, với lĩnh vực cốt tủy này lại không thể không bồi đắp nếu muốn vượt qua chính mình để kiến tạo. Triết học cần đưa vào giảng dạy ngay từ nhà trường phổ thông; sách triết cần có mặt trong nhiều gia đình Việt như một thôi thúc phải đọc và suy niệm; những thực hành tôn giáo cần bước ra khỏi vũng lấy mê tín và loại “tôn giáo sợ hãi” (thứ tôn giáo đang gần như toàn trị trong cộng đồng Việt) để đến với những cảm thức tâm linh lành mạnh và sáng tỏa của con người tự do.

Thái Hạo
----------------------
Một số trích dẫn trong bài thuộc cuốn "Thế giới như tôi thấy" của A. Einstien (hình).

Một số trích dẫn trong bài thuộc cuốn "Thế giới như tôi thấy" của A. Einstien (hình).


1 nhận xét

  1. Oái giời ơi ! Nhờ ơn bác ơn đảng , nước ta giờ có hai tôn giáo , rất lạ lẫm so cùng thế giới .
    Đầu tiên : tôn giáo bác hồ . Bác xếp ngang Phật , chỗm chề bên cạnh Phật , cứ có Phật là có bác . Phật ăn gì bác ăn đó , Phật có thùng phước sương , bác cũng ăn ké ..4/6 Phật ăn 4 , bác ăn 6 . Bác chết không ăn được , đã có đảng ăn dùm , đảng xây tượng cho bác ... để bác ăn dài ... dài ...

    Kế tiếp là tôn giáo "sợ hãi " . Sau Cải Cách Ruộng Đất , trời long đất lở , giết gần nửa triệu dân , bác thấy chưa đủ , bèn lừa bằng " Trăm Hoa Đua Nở " , rồi đẻ ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm .
    Đánh tận mạng giới trí thức Bắc Hà . Ai dính vào , ai đọc NVGP là lãnh án tù . Từ sinh viên tới trí thức như Nguyễn mạnh Tường , Trần đức Thảo , Lê Đạt , Thụy An , Nguyễn hữu Đang , Hữu Loan ....

    Từ đó , sau những lần khủng bố trắng , những lần chà đi xát lại ... từ có học cho tới vô học ... sợ đảng sợ bác , còn hơn sợ cọp !
    Tôn giáo " sợ hãi " từ đó khai sinh . Cả nước chỉ biết nói theo đảng làm theo đảng .
    Hãi hùng thật ! từ sau 1945 Việt cộng sáng chế hai tôn giáo mới cho dân tộc Việt , thảo nào VN có tên ĐẠI NGU một thưở !!!

    Trả lờiXóa

Quảng Cáo