Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

MỘT CÁCH TRẢ LỜI KHÔNG PHẢI CỦA NHÀ GIÁO DỤC: TRƯỜNG HỢP TS. THÁI VĂN TÀI

MỘT CÁCH TRẢ LỜI KHÔNG PHẢI CỦA NHÀ GIÁO DỤC: TRƯỜNG HỢP TS. THÁI VĂN TÀI  Bài này tôi dành riêng cho TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dụ...

MỘT CÁCH TRẢ LỜI KHÔNG PHẢI CỦA NHÀ GIÁO DỤC: TRƯỜNG HỢP TS. THÁI VĂN TÀI 

Bài này tôi dành riêng cho TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học. Tôi không phải là một phụ huynh thiếu hiểu biết mà là một chuyên gia sư phạm tiểu học, có bề dày công tác gần 30 năm!

Trả lời phỏng vấn về việc "phụ huynh bế tắc khi dạy con học tiếng Việt" khi cho rằng tiếng Việt lớp Một khá nặng, TS. Thái Văn Tài đưa ra 3 biện hộ:

1) "Bộ GD&ĐT chưa nhận được ý kiến chính thức bằng văn bản từ cá nhân hay tổ chức nào phản ánh chương trình nặng". Một hiển ngôn trước câu tôi trích dẫn này là: "một số phụ huynh và giáo viên phản ánh trên mạng xã hội về chương trình lớp 1 mới nặng", trong khi nếu ông biết đọc báo thì cũng thấy rõ các ý kiến của phụ huynh cũng đã được đăng chính thức trên báo chính thống.

2) "Theo TS Thái Văn Tài, chương trình mới vừa bắt đầu được 1 tháng nhưng nhiều ý kiến kêu “nặng” là chưa đúng thời điểm và chưa đủ căn cứ". Căn cứ mà ông đưa ra phải là "chương trình mới có quy định chuẩn đầu ra và quy định khung thời lượng cho một năm học. Theo đó chương trình lớp 1 mới có 9 môn học. Chương trình cũng quy định chuẩn đầu ra cho từng môn khi kết thúc năm học". Có nghĩa là, chuẩn đầu ra đã được xác định trong Chương trình tổng thể rồi thì bắt buộc người học không thể đạt cũng phải đạt được chứ không thể gọi là nặng!

3) "Để có được chương trình này, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều công đoạn, đã lấy ý kiến của Hội đồng thẩm định quốc gia, hội đồng các nhà khoa học". Có nghĩa là, mọi ý kiến ngoài các Hội đồng đó đều là vô căn cứ do thiếu tính khoa học!

Cuối cùng ông kết luận: “Nếu chúng ta tiếp cận chương trình sau khi trải qua những quy trình rất chặt chẽ này mà nhận định “nặng” là chưa đủ căn cứ xác đáng”.

Trước khi phản biện từng ý kiến của ông, tôi phải khen ông Thái Văn Tài tài thật. Tài đến mức... đó là trả lời không phải của một nhà giáo dục, một nhà khoa học!

Một là, các giáo viên và phụ huynh không rảnh như các ông, kể cả không đủ bản lĩnh đối mặt với sự trù dập để có một văn bản chính thức gửi lên Bộ hoặc đến tận tay ông. Tôi làm thầy đã gần 30 năm, trừ những sự vụ có tính pháp lý tôi mới yêu cầu người học viết thành văn bản. Riêng chuyện chuyên môn, tôi luôn thăm dò và lắng nghe từ phía người học để điều chỉnh mà không cần văn bản nào. Một lớp học tại chức toàn người lớn tuổi cỡ ông mà khi đang dạy nhìn xuống lớp thấy họ quá căng thẳng là tôi phải điều chỉnh ngay, hoặc chuyển sang thư giãn ngoại đề, hoặc cho giải lao, hoặc sau đó cắt giảm kiến thức nếu thấy không cần thiết. Huống hồ trẻ mới vào lớp Một, cả phụ huynh lẫn cô giáo phản ánh việc đang đối mặt với một rừng chữ nhét vào đầu trẻ em trong vòng một tháng, đến mức trẻ phải căng thẳng từ học trên lớp đến về nhà phải mếu máo mà ông lại coi như không có gì?

Hai là, một tháng chưa đủ thì bao nhiêu lâu là đủ căn cứ để đánh giá nặng hay không nặng? Tôi dạy một bài học khó do độ trừu tượng của vấn đề, người học phải căng não ra nghe, khi đó tôi chỉ cần kéo thời gian khoảng 10 phút là cả lớp gần như loạn, nếu không thì con mắt của người học cũng dại hẳn đi như bị tâm thần. Với trẻ em như búp trên cành, tra tấn một tháng cân não với rừng chữ của 9 môn học, chưa đủ đánh giá nặng hay không nặng, vì ý ông là chưa có đứa nào vào bệnh viện tâm thần hay sao? Hay là theo ông, bằng kinh nghiệm lâu nay, hãy đợi sau một năm, thậm chí cho trẻ học hết phổ thông, với kết quả đánh giá cuối cùng thế nào mới đủ căn cứ. Vậy thì tôi trả lời thay cho ông, chương trình dù có bắt trẻ lớp Một đạt chuẩn bác học, thì cuối năm vẫn 100% khá và giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông là 90%. Với thành tích đó không thể gọi là một chương trình nặng ư? Trả lời như vậy thì không thể là ý kiến của nhà giáo mà là ý kiến của con bệnh thành tích, ông Tài ạ!

Ba là, căn cứ khoa học nào để các Hội đồng mà ông khoe trên kia tạo ra Chuẩn đầu ra của chương trình, rằng ngay từ khi bước vào lớp Một, trẻ em vừa học đánh vần vừa đạt tốc độ đọc thông 9 loại môn học khác nhau? Cứ có Hội đồng khoa học thẩm định là đã đạt chuẩn khoa học ư? Đây không phải là ý kiến của nhà giáo, càng không phải là ý kiến của nhà khoa học có chuyên môn. Bởi một trong những căn cứ khoa học khách quan nhất của dạy học phát triển năng lực mà thế giới đang làm là căn cứ vào chính năng lực của người học. Năng lực ấy tồn tại dưới dạng tiềm năng của lứa tuổi mà giáo dục hiện đại tác động vào đó để đánh thức, phát huy thành hiện thực và phát triển theo từng bậc. Vì thế, qua thực nghiệm khoa học và căn cứ thường xuyên vào phản hồi của người học, các nhà giáo dục mới xác lập một hệ thống chuẩn đầu ra tương xứng. Lấy ý chí chủ quan của Hội đồng khoa học áp đặt chuẩn đầu ra thật cao, bắt người học phải đạt cho bằng được thì đó chỉ có thể là trại tù ở Côn Lôn, khi các tù nhân ốm yếu buộc phải vác từng tảng đá nặng gấp ba thân xác của họ!

Tôi hiểu, với chuẩn đầu ra kiểu đó, cũng giống như các loại chuẩn Tiếng Anh trình độ B1, C1 châu Âu, chuẩn đầu ra nghiên cứu sinh hay giáo sư phải có bài báo ISI như hiện nay, nếu thực lực người học không đạt tới thì là phải chạy điểm, mua bằng, hoặc buộc giáo viên phải hợp thức hoá cho đạt chuẩn! Và đã tư duy như vậy thì các ông cải cách làm gì nữa, vì lâu nay chẳng phải nền giáo dục này vẫn ở trong căn bệnh trầm trọng đó sao? Hay là các ông muốn cả xã hội phải chạy-mua ở trình độ cao hơn nữa?

Trung thu 2020
Chu Mộng Long
------------
Bấm vào đây đọc bài trả lời của TS. Thái Văn Tài:
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/phu-huynh-be-tac-khi-day-con-hoc-tieng-viet-lop-1-bo-gddt-noi-gi-20200930221834818.htm?fbclid=IwAR0AGBD9nrH8Dt4Igh1e6kLTrWhOAMFS3ysBe3AdRfuLCMWf1Rh6EuRVrqE.
-----------------

Và các bạn xem bài Toán lớp Một. Chưa đầy một tháng, học sinh lớp Một đã phải đọc hiểu và làm được một bài toán có lời văn, xưa gọi là Toán đố. Bài toán NGÔ BẮP + BẮP với phạm vi số hàng chục. Trong khi, về nguyên tắc, trẻ mới vào lớp Một chỉ làm quen với con số trong phạm vi 1 đến 9 và chỉ làm phép tính đơn giản đã.

MỘT CÁCH TRẢ LỜI KHÔNG PHẢI CỦA NHÀ GIÁO DỤC: TRƯỜNG HỢP TS. THÁI VĂN TÀI

MỘT CÁCH TRẢ LỜI KHÔNG PHẢI CỦA NHÀ GIÁO DỤC: TRƯỜNG HỢP TS. THÁI VĂN TÀI


Không có nhận xét nào

Quảng Cáo