Về địa danh Tây Ninh có là đến từ chiến thắng đồn Xỉ Khê nào đó không ? Theo bài viết của chú Cá Vàng tại đây (xem >> https://www.fac...
Về địa danh Tây Ninh có là đến từ chiến thắng đồn Xỉ Khê nào đó không ?
Theo bài viết của chú Cá Vàng tại đây (xem >> https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/3724255110932495), thì các nhà nghiên cứu Tây Ninh, trong bài viết Về danh xưng và địa giới hành chính Tây Ninh thế kỷ XVII – giữa thế kỷ XIX, đã nhận định rằng là
****
Đồn Xỉ Khê và rạch Xỉ Khê lại có liên quan đến việc quân nhà Nguyễn đánh đuổi quân Xiêm. Trong bài Về danh xưng và địa giới hành chính Tây Ninh thế kỷ XVII – giữa thế kỷ XIX (in trong cuốn Tây Ninh Đất và người, Nhiều tác giả), Nguyễn Đình Cơ và Lê Bá Vương đã viết như sau:
"Sách Đại Nam thực lục còn cho biết quân Nguyễn đã chiến thắng ở đồn Xỉ Khê ở Quang Phong. Khoảng 700 quân Xiêm vượt rạch Xỉ Khê (rạch Tây Ninh) âm mưu tấn công Gia Định, cứu viện cho Lê Văn Khôi. Tuy nhiên đã bị quân nhà Nguyễn đánh tan, buộc lực lượng Xiêm còn lại phải lui vào sâu lãnh thổ Chân Lạp. Khi nghe tin chiến thắng báo “đến kinh đô đã quá nửa đêm, vua trở dậy, khoác áo ra xem, cả mừng, sau đó liên tiếp thưởng cho những người báo tin, lẫn những người góp công vào thắng lợi”. Tên gọi Tây Ninh ra đời trong bối cảnh lịch sử đó."
Về câu cuối, có lẽ 2 tác giả Nguyễn Đình Cơ và Lê Bá Vương muốn nói rằng, do bối cảnh lịch sử đó mà về sau tên gọi Tây Ninh ra đời, với ước vọng vùng đất phía Tây (của Gia Định) yên ổn dài lâu.
****
Nhưng đáng tiếc là các câu nhận định trên của 2 tác giả Nguyễn Đình Cơ và Lê Bá Vương, từ sử liệu cho tới câu khẳng định, đều SAI hết bởi vì:
1. Trận đánh này không hề diễn ra tại đồn Xỉ Khê nào cả, mà đáng ra theo sử Đại Nam Thực Lục, thì đây là "Khi chúng sắp qua sông, do Xỉ Khê kéo xuống, bọn Long đem 700 Phiên binh, giao chiến ...". Như vậy theo đoạn văn trên, là đánh ở một sông theo hướng "Xỉ Khê kéo xuống", có lẽ là sông Quang Hóa
2. Trận đánh này không hề liên quan gì đến quân Nguyễn nào cả, mà đáng ra theo sử Đại Nam Thực Lục, thì đây là "Giáp Ngọ, năm Minh Mệnh thứ 15 [1834] ..., mùa xuân, tháng giêng ... Bọn quan nước Phiên, ốc Nha Trà Tri tên là Long, ốc Ma Nhâm Lịch tên là Tu, ốc Nha Ma Ha Thi Na tên là Kê đánh phá quân Xiêm ở đường bộ. Trước kia, tướng Xiêm là Trà Liên Nha Đạt đem hơn 5000 quân và 50 thớt voi (quân Xiêm chỉ có hơn 500 người, còn đều bắt người Chân Lạp, người Lào cắt tóc, ăn mặc giả làm người Xiêm), xâm lấn Ba Cầu-Nam Phủ. Khi chúng sắp qua sông, do Xỉ Khê kéo xuống, bọn Long đem 700 Phiên binh, giao chiến, giết chết vài chục quân giặc. Giặc phải rút lui. Bọn Long đuổi đến phủ Lô Viên, chém được tên đầu sỏ là Vi Sai Thượng Liêm và hơn 200 thủ cấp đồ đảng nó, lại bắt sống được 3 tên, thu được khí giới và nghi trượng vô kể."
Như vậy theo đoạn văn trên, thì đây là trận đánh của quan quân Cao Miên đánh quân Xiêm, chứ không liên quan gì đến quân Nguyễn như các tác giả đã nêu ra
3. Số quân 700 người trong trận đánh này, là số quan quân Cao Miên đánh quân Xiêm, chứ không là số quân Xiêm như các tác giả đã nêu ra là "Khoảng 700 quân Xiêm vượt rạch Xỉ Khê (rạch Tây Ninh) âm mưu tấn công Gia Định"
4. Chúng ta chưa bao giờ có đủ sử liệu rõ ràng để mà khẳng định "Tên gọi Tây Ninh ra đời trong bối cảnh lịch sử đó" như các tác giả đã nêu ra. Đơn giản là vì trận đánh này không liên quan đến đồn Xỉ Khê nào đó, lẫn quân đội Việt Nam, mà nó là do người Cao Miên đã tự đánh bại quân Xiêm. Và trận đánh này xảy ra vào năm 1834, còn tên phủ Tây Ninh là đến năm 1836 mới có, nên chúng ta không có lý do chính đáng nào mà khẳng định rằng là "Tên gọi Tây Ninh ra đời trong bối cảnh lịch sử đó" như các tác giả trên đã nêu ra
5. Mà thật ra, cũng theo sử Đại Nam Thực Lục, thì có lẽ cái tên Tây Ninh là ăn theo cái tên huyện Tân Ninh kìa, tức là đoạn "Nay đổi đặt đồn Xỉ Khê làm huyện Tân Ninh ; đạo Quang Hoá làm huyện Quang Hoá, gọi thành Quang Hoá là huyện thành. Lại đặt phủ Tây Ninh kiêm lý huyện Tân Ninh. Nhân cái đồn bảo cũ, chữa cao rộng thêm, để làm thành phủ thành. Đổi sông Đục là sông Thanh Lưu, đặt đồn, bảo Thanh Lưu, cho lệ thuộc vào huyện Tân Ninh".
Vậy xem ra hầu như toàn bộ những gì 2 tác giả Nguyễn Đình Cơ và Lê Bá Vương nghiên cứu về trận đánh này, kết luận trong đoạn văn trên, đều sai hết, sai từ địa điểm, cho tới số quân, cho tới quân nước nào đánh quân Xiêm, lẫn kết luận "Tên gọi Tây Ninh ra đời trong bối cảnh lịch sử đó".
Nên có lẽ sự sai như thế này, có lẽ 2 tác giả trên đã không đọc kỹ sử Đại Nam Thực Lục chăng ?
Mời bạn tham khảo
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào