Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

THỜI GIAN KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI

THỜI GIAN KHÔNG  BAO GIỜ TRỞ LẠI Hột hôm Đức Phật hỏi một shramana rằng, "Đời người dài bao lâu?" Đức Phật vừa hỏi xong,môn đồ này...

Thời gian không  bao giờ trở lại

THỜI GIAN KHÔNG  BAO GIỜ TRỞ LẠI


Hột hôm Đức Phật hỏi một shramana rằng, "Đời người dài bao lâu?"

Đức Phật vừa hỏi xong,môn đồ này trả lời liền: "Thưa Đức Phật, đời người có lẽ dài được vài chục năm, nếu người nào sống thọ thì có lẽ được hơn thế một chút"

Đức Phật nói, "Vậy là ngươi chưa hiểu gì rồi"

 Sau đó, Đức Phật lại hỏi một môn đồ khác, người này trả lời rằng, "Thưa Đức Phật, chẳng phải ai cũng có thể sống được tới vài chục năm. Có những người chỉ sống được vài năm mà thôi"

Đức Phật vẫn nói, "Chưa đúng"

"Vậy vài tháng?Vài tuần?Vài ngày?…"

Đức Phật trả lời: "Các ngươi chưa hiểu gì về Phật pháp rồi"

 Cuối cùng, chỉ còn lại một môn đồ im lặng từ lúc đầu đến giờ. Đức Phật nhìn anh ta, rồi hỏi, "Còn ngươi, ngươi nghĩ đời người dài bao lâu?"

Người này nhìn Đức Phật, lễ phép nói: "Thưa Đức Phật, con nghĩ đời người chỉ dài bằng một hơi thở mà thôi"

Đức Phật mỉm cười, gật đầu đồng tình, "Tốt lắm. Ngươi đã hiểu được đạo lý trên đời rồi đó"

Một câu chuyện rất là hay dạy con người ta "tỉnh thức" nhìn lại đời mình đặng mà sắp xếp thì giờ cho đủ ,sống cho thanh thản và giữ lòng bớt tạp niệm cho nhẹ nhàng 

Chúng ta ai cũng từng là thằng con nít ba tuổi nhìn trời xanh bao la,nhìn mái nhà to lớn,cái gì cũng lạ lẫm,cái chi cũng kích thích tò mò 

Chúng ta nếu ở nông thôn đã lớn lên với đồng xanh ,lộ đỏ bụi mờ ,bên xóm làng gà gáy eo óc sáng sớm,bên tiếng xe lam chạy cà xịch cà lụi mỗi trưa về .Còn ở thị thành thì quá quen với xe cộ ,với những dòng người bất tận,với những tấn trò đời diễn ra trước hiên nhà 

Trong mắt đứa trẻ  món gì lúc đó cũng kỳ lạ,bánh quy sao ngon quá,bánh ít sao dẻo quá,miếng mứt me sao mà khéo,trong màu hổ phách như vậy? 

Tuổi thơ rất đẹp,một manh  áo mới cũng làm giấc ngủ thêm ngon,một đôi giày mới cũng làm thích thú cả tuần 

Mười hai năm trời rèn mình làng quê yêu quý,bốn năm rưỡi lết mòn ghế giảng đường.Đứa con nít xưa nhổ giò lớn xộn,trở thành người trưởng thành

Ai cũng có lúc phải lớn lên và hồ hỡi đón nhận những điều mới mẻ ,mình trưởng thành và tự ra quyết định ,khi đó không cần phải hỏi người lớn rằng con có làm được cái này hay không 

Tre già thì măng mọc,măng lớn thì tre đi 

Đau buồn lắm,trẻ con lớn lên thì ông bà rơi rụng lần hồi.Những quãng đời hoa mộng của tuổi thanh xuân không trọn vẹn khi quanh mình người già lần hồi bước về miền quá khứ 

Thềm xưa vẫn còn đây,khoảnh sân vẫn còn đây ,chỉ có người là im lặng vô định .Lắm lúc chỉ còn gặp lại trong giấc mơ,mơ màng,thảng thốt,tỉnh ra thì  mọi thứ như ảo ảnh cuộc đời.Chúng ta có đau đớn,có níu kéo cũng không đặng,quy luật nó là như vậy,người phải chịu 

Lớn thêm một chút thì lại gặp cái cảnh bạn bè,người tình của mình cũng rời xa trong một chiều sương xuống 

Có những lúc ngồi một góc đường rơi nước mắt ,nói thiệt,khóc nhiều lắm,tỷ như đang đi thấy cái cảnh cũ ,mình nhớ rõ ràng cách đây không lâu hai đứa còn ngừng lại ở đoạn này nè ,rồi nói này nói nọ,ước nọ ước kia ,vậy mà giờ mất tiêu rồi,đốt đuốc tìm khắp thế gian này không bao giờ gặp

Nói về cái lặng trong tâm hồn,có lẽ chúng ta sẽ cần nhiều khoảnh khắc lặng im 

Đọc câu chuyện về "hơi thở" của Đức Phật ta sẽ yêu cuộc sống này hơn,biết ý thức trong cuộc dấn thân nhiều hơn

Yêu cuộc sống không có nghĩa là khư khư đóng cửa tự "trọng thị" mình, mà mình phải rộng lòng ra,phải dấn thân nhiều hơn cho xã hội,cho quê nhà,phải ráng làm mọi thứ cần thiết trước khi hơi tàn lực kiệt 

Cái gì cũng có quy luật của nó hết,tiếp nối giữa măng và tre,ông bà dạy dỗ rồi bước đi xa,trao lại cho con cháu những trách nhiệm với xã hội,với xóm làng.Rồi khi ta đi xa cũng kịp trao lại cho thế hệ kế tiếp   

Đó là cái đạo làm người,đạo là lương tâm có ngay trong con người, cứ sống 'tử tế' và đúng theo phép tắc,tôn trọng nhau sẽ thấy Đạo

"Đạo chẳng đâu xa, ở tại người
Lương tâm thiện tánh sẵn trong ngươi
Tồn tâm dưỡng tánh đừng phai lợt
Phản chiếu hồi quang Đạo sáng ngời”

Người Nam Kỳ quan niệm rất thoáng về Phật pháp,đạo ở đâu xa,đạo ở trong nhà và đạo với quê hương 

Nam Kỳ dám khẳng định rằng tu đâu không bằng tu nhà,vô chùa nhìn Phật muốn ham,nhưng về nhà thấy mẹ thì không muốn vô chùa nữa,mẹ là người cho ta cái Đạo rồi 

"Có hai Phật sống trong nhà
Sớm hôm lễ niệm đi xa đâu cần
Hoặc mạnh dạn và rõ ràng hơn
Cha già là Phật Thích Ca
Mẹ già đích thị Phật bà Quan Âm" 

Cái đạo lớn nữa là "đạo yêu xứ sở",yêu cái miếng đất đẻ ra mình,nuôi mình lớn,bảo vệ nó quyết liệt trước bạo quyền 

"Đời phải đời thạnh trị
Cuộc phải cuộc văn minh
Kìa là gió mát trăng thanh,
Biết đâu nhơn đạo, em bày tình cho vui?"

 Ông bà ta hay dạy,một xứ sở,con người sẽ là rường cột nâng đỡ mọi thứ,từ đức tin tới niềm tin và giữ lửa hương nồng hương hỏa để cho xứ sở đó nó tồn tại qua bao biến động

Một cái nhà muốn vững phải có rường cột vững,nó là những bộ phận làm nền chống đỡ ngôi nhà

Rường cột chính là người dân,dân có yêu,có giữ thời sẽ vững

"Rửa tay cho trắng, ngắt ngọn rau đắng cho tươi
Hỏi bạc hai mươi chuộc miệng em cười"

Người Nam Kỳ biết buồn tủi ,biết rơi lệ khi khói nhang hoang tàn lạnh ngắt trên bàn thờ ông bà trực hệ với mình,những người đổ xương máu cho ta miếng đất cắm dùi tới ngày nay

Hãy biết buồn,biết tự ái,biết đau thương ,biết thương nhau với thân phận của người dân xứ mình trong thời cuộc vì như vậy bạn hãy còn lương tri của một người Nam Kỳ hàng cháu biết ơn ông bà mình,biết nhận ra cái đau của xứ sở mình 

Quê hương là nơi có một người mình yêu thương da diết ,có một tuổi thơ chan chứa những niềm tin

Quê hương mình là nơi mình chan nước mắt mỗi khi mình khổ sở và đi vô đường tưởng như tuyệt lộ

"Em bỏ đất bởi bị dồn tuyệt lộ
Lời ca dao, câu Vọng Cổ ngân buồn"

Chúng ta yêu quê hương thì chẳng có gì phải ngại ngùng,chẳng có thế lực nào ngăn đặng cái lòng nhiệt thành đó 

Quê mình vẫn là của mình.Ai bỏ đi được thì đã đi,ai ở lại thì phải ráng mà yêu thương nó.


Nguyễn Gia Việt 


Không có nhận xét nào

Quảng Cáo