Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NHÀ ĐẦU TƯ ĐÃ MUA TRÁI PHIẾU CỦA TÂN HOÀNG MINH - VÀ CON ĐƯỜNG LỰA CHỌN BẢO VỆ QUYỀN LỢI ÍCH: TƯ PHÁP HAY HÀNH CHÍNH?!

NHÀ ĐẦU TƯ ĐÃ MUA TRÁI PHIẾU CỦA TÂN HOÀNG MINH - VÀ CON ĐƯỜNG LỰA CHỌN BẢO VỆ QUYỀN LỢI ÍCH: TƯ PHÁP HAY HÀNH CHÍNH?!     "TPO - Tại b...

NHÀ ĐẦU TƯ ĐÃ MUA TRÁI PHIẾU CỦA TÂN HOÀNG MINH - VÀ CON ĐƯỜNG LỰA CHỌN BẢO VỆ QUYỀN LỢI ÍCH: TƯ PHÁP HAY HÀNH CHÍNH?!

NHÀ ĐẦU TƯ ĐÃ MUA TRÁI PHIẾU CỦA TÂN HOÀNG MINH - VÀ CON ĐƯỜNG LỰA CHỌN BẢO VỆ QUYỀN LỢI ÍCH: TƯ PHÁP HAY HÀNH CHÍNH?! 

   "TPO - Tại buổi làm việc với nhà đầu tư ngày 13/4, ông Vũ Đình Luyện - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết, hiện tập đoàn này mới có hướng nhưng chưa có lộ trình trả tiền nhà đầu tư mua trái phiếu" - Trích từ Báo Tiền Phong. Như vậy, với thông tin này, có thể nói rằng, con đường để có thể nhận lại được tiền của các Nhà đầu tư khá chênh vênh, và kết quả như thế nào, còn là một điều phải chờ đợi trong tương lai?! Vấn đề bây giờ, là các Nhà đầu tư nên lựa chọn con đường pháp lý nào để có thể bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp?! 

   Một số Trang thông tin có dẫn lời các Chuyên gia pháp lý về lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã trích dẫn quy định tại Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, và cho rằng: "Nghị định cho phép các Nhà đầu tư cá nhân quyền nhận lại tiền mua trái phiếu và quyền yêu cầu công ty phát hành bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, yêu cầu bồi thường thiệt hại phải gửi đến công ty phát hành trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định xử lý vi phạm Công ty phát hành của Ủy ban chứng khoán nhà nước"! Mặc dù vậy, các Chuyên gia lại không cho biết là trường hợp đã gửi yêu cầu bồi thường, mà phía Công ty phát hành không chịu/không có khả năng/không thực hiện việc bồi thường, thì các Nhà đầu tư phải làm gì tiếp theo để bảo vệ quyền lợi?! Bởi ngay chính các Nghị định này cũng không quy định trình tự, thủ tục là như thế nào để các Nhà đầu tư có thể vận dụng để bảo vệ quyền lợi của mình. 

  Rõ ràng, các Nghị định vừa nêu là Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, nên nội dung của các Nghị định này trọng tâm chỉ quy định về các hành vi bị xem là vi phạm hành chính, mức xử phạt bị áp dụng, biện pháp khắc phục hậu quả...; Hay nói cách khác, đây là Văn bản pháp lý thể hiện mối quan hệ pháp lý giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và Chủ thể có hành vi vi phạm. Cũng chính vì thế, việc các Nghị định này quy định về vấn đề giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự, trách nhiệm dân sự như nêu trên, là vừa thừa lại vừa thiếu. Thiếu là vì, Nghị định chỉ nói Nhà đầu tư có quyền yêu cầu bồi thường, và khống chế thời hạn đưa ra yêu cầu bồi thường là 60 ngày, nhưng lại không quy định tiếp theo đó là trình tự yêu cầu như thế nào, Ai có thẩm quyền giải quyết, nên không đi đến đâu cả; Thừa là vì, giao dịch mua trái phiếu, là giao dịch dân sự, khi giao dịch này bị hủy do vi phạm điều cấm, trái pháp luật hoặc/và bị lừa dối, thì Bộ luật dân sự đã quy định rất rõ về giải quyết hậu quả của các giao dịch này rồi, và cơ chế pháp lý như thế là đủ, nên đúng ra Nghị định chỉ quy định về xử phạt hành chính, và kèm thêm một quy định dẫn chiếu - Đại ý: Nhà đầu tư có quyền đòi lại tiền và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự! 

   Bà con nào cảm thấy chưa hiểu, thì có thể hiểu na ná như trường hợp Cô B lên mạng nói xấu, vu khống, bôi nhọ Cô A, thì Cô A có quyền làm Đơn đề nghị Sở thông tin ra quyết định xử phạt hành chính Cô B. Sở thông tin sau khi nhận Đơn, sẽ tiến hành xác minh sự việc, nếu có căn cứ sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm phạt hành chính đối với Cô B. Nhưng cô A không có quyền yêu cầu Sở thông tin buộc Cô B phải bồi thường cho mình, vì vấn đề bồi thường là vấn đề dân sự, Sở thông tin không có thẩm quyền giải quyết, và cũng không biết dựa vào trình tự nào để giải quyết. Do đó, Cô A muốn được bồi thường phải kiện ra Tòa án, Tòa án sẽ dựa vào Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết yêu cầu khởi kiện theo trình tự đã được quy định. 

   Điều 14.1 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án." Như vậy - Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định (Văn bản pháp luật do Quốc hội ban hành). Hay nói cách khác, Nhà đầu tư không thể và cũng đừng trông mong việc dựa vào các Nghị định vừa nêu trên, để có thể đòi lại tiền, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo thủ tục hành chính. Vì cho đến thời điểm này, chưa có Cơ chế pháp lý để có thể làm được điều đó. Việc Nhà đầu tư đến trụ sở Tân Hoàng Minh đòi tiền, cũng giống như việc Bà con cho vay nợ, rồi tự đi đòi, nếu Con nợ không thiện chí, thì chẳng đi đến đâu. 

   Cho nên giải pháp hữu hiệu nhất, là các Nhà đầu tư cần lập hồ sở khởi kiện vụ án dân sự đối với  Tân Hoàng Minh ra Tòa án có thẩm quyền, đồng thời yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa hoặc cấm dịch chuyển quyền đối với tài sản của Tân Hoàng Minh, nhằm đảm bảo khả năng thi hành án. Vì nếu kiện thắng, mà Tân Hoàng Minh không còn tài sản để thi hành án, thì thắng cũng như không. Một vụ kiện kéo dài vài ba năm hoặc hơn, nếu không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, có khi kiện xong, cũng là lúc Doanh nghiệp phá sản, thì đúng là tiền mất tật mang. Trước một vụ kiện, Bà con ta hay có thói quen hỏi rằng có thắng kiện được không, trong khi đúng ra phải hỏi là khả năng thi hành án được không?! Hơn 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu mà Tân Hoàng Minh đã huy động, không chắc đã đủ tài sản để thi hành án, khi mà phần lớn tài sản có thể đã thế chấp tại Ngân hàng. Do đó, nếu tài sản còn lại không nhiều, thì Cơ hội sẽ chỉ dành cho Nhà đầu tư nào nhanh chân hơn - Vậy nên, thay vì cứ đôi co, chèo kéo tại trụ sở Tân Hoàng Minh, hãy nộp Đơn ra Tòa án.....  

Viết tại Sài Gòn - Ngày 14/04/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Không có nhận xét nào

Quảng Cáo