Tình trạng Việt Nam hiện nay là một người quan tâm vạn người vô tư. Làm cho đất nước ngày một bệ rạc mà chẳng có gì ngăn chặn. Sự bệ rạc c...
Tình trạng Việt Nam hiện nay là một người quan tâm vạn người vô tư. Làm cho đất nước ngày một bệ rạc mà chẳng có gì ngăn chặn. Sự bệ rạc cứ phát triển lớn dần rồi nó sẽ đổ về đâu? Có tạo nhân hôm nay thì ắt có quả vào ngày mai.
Và hôm nay ta phải làm gì để ngày mai có kết quả chứ không phải là hậu quả? Đấy là sự quan tâm với đất nước như là một trách nhiệm. Phải biết đóng góp dù nhỏ nhoi. Đừng tạo gánh nặng cho người khác vì sự vô trách nhiệm của mình.
Lấy ví dụ, một gia đình chừng 5 thành viên, 2 vợ chồng và 3 đứa con. Nếu trong gia đình này chỉ có người vợ là biết lo cho gia đình, nhưng 4 người kia gồm; chồng thì nhậu nhẹt bê tha, con đứa lo mê game, đứa lo ăn chơi đàn đúm, đứa giao du với đám du thủ du thực thì người mẹ cực khổ đến chừng nào? Nếu cả 5 thành viên đều biết lo cho gia đình thì gia đình đó sẽ khác đi rất nhiều.
Đất nước này đâu phải là chỗ xó xỉnh để chúng ta làm nơi tá túc tạm thời? Nó là nhà vĩnh cửu của chúng ta, là nhà của nhiều thế hệ. Tất cả đều phải trải qua trọn cuộc đời trên mảnh đất này, hết đời ta thì đến con, hết đời con thì tới đời cháu vv.. cũng sẽ phải sinh sống trên mảnh đất chữ S này chứ chẳng thể đi đâu được, Việt Nam là đất mẹ muôn đời. Ngôi nhà theo nghĩa đen của mọi người chúng ta cũng chưa chắc bền lâu, chỉ có ngôi nhà Việt Nam mới vĩnh cửu. Vì sao vậy? Có mấy ai ở quá 3 đời trên một mảnh vườn? Nhưng rất nhiều gia đình, nhiều dòng họ phải muôn đời sống trên mảnh đất chữ S này đấy.
Vậy nếu trong một gia đình nhỏ ta biết gánh vác trách nhiệm để đỡ đần cha mẹ, thì tại sao ta lại quên hẳn ngôi nhà lớn? Trong ngôi nhà lớn này cần mọi người cùng lo chứ tại sao phải để một nhóm ít ỏi chừng một phần vạn cất lên tiếng nói? Họ nhiệt tình đấy nhưng chỉ ít ỏi nói hộ cho lượng khổng lồ như thế này thì chúng ta nỡ sao? Im lặng thực sự là một sự nhẫn tâm, trước mắt là nhẫn tâm với những người lên tiếng, còn xa hơn là nhẫn tâm với chính con cháu mình đang và sẽ phải sống trên quê hương này.
Bạn làm ra mười tỷ hay trăm tỷ ư? Ừ bạn giàu đấy, nhưng với tài sản đó bạn lo tới thế hệ nào? Gần nhất là bạn lo được cho con, nhưng rồi tới cháu bạn cũng không thể nào hưởng được số tiền bạn dành dụm được hôm nay. Dù nay bạn có giàu, thì đến đời cháu của bạn nó cũng sống nhờ vào xã hội đương thời của nó. Vậy nếu hôm nay bạn không có trách nhiệm với xã hội này, thì chính cái bệ rạc của xã hội nó sẽ đổ lên đầu con cháu của bạn trong tương lai. Đừng nghĩ mình vô tâm chẳng ảnh hưởng đến ai đâu nhé! Nghĩ thế thiển cận lắm.
Tại Âu Mỹ bạn chỉ cần đủ sống, xe rẻ được mua trả góp, nhà rẻ và tiện nghi cũng được mua trả góp. Ở đó bạn chỉ cần sống và làm việc phổ thông, thu nhập ở mức trung bình, thì mức sống đó cũng tương đương người giàu có bên Việt Nam. Đấy là những thứ mà người giàu ở Việt Nam có thể so sánh. Còn về giáo dục mà con bạn được hưởng nơi Âu Mỹ sẽ hơn hẳn những bậc gia đình giàu có mà cho con học ở nền giáo dục Việt Nam. Y tế cũng khác hẳn, y tế chẳng những miễn phí mà còn chất lượng hơn, y bác sỹ có trách nhiệm hơn. Khi sa cơ thất thế như thất nghiệp, bệnh tật bạn có an sinh xã hội hỗ trợ. Welfare là chốt bảo vệ cho người dân nào lỡ bị rơi xuống đáy xã hội, để họ khỏi dẫn đến quẫn bách mà sinh đạo tặc. Welfare, một chính sách vô cùng nhân đạo của chính quyền làm cho người không nghèo cũng an tâm. Còn ở Việt Nam được gì? Chẳng có gì cả. Giàu có mà khi hết tiền thì cũng bị xã hội khinh khi rẻ mạt. Nhà nước chẳng có trách nhiệm gì với bạn cả, mặc dù họ đánh thuế bạn rất nặng.
Để có cuộc sống nơi chốn văn minh Âu Mỹ thì phải định cư, phải bỏ xứ Việt Nam. Nhưng bao nhiêu người may mắn định cư những nơi đó? Chưa tới 5% dân số. Còn lại, dù giàu có bạn cũng phải biết đấu tranh. Để chi? Để mài dũa xã hội thối nát này đỡ hôi thối hơn, để mà sau này con cháu của bạn có thể sống được trong đó. Bạn sợ ư? Nếu không dám lên án thệ thống chính trị, thì ít nhất bạn cũng dám đụng tới bất công xã hội chứ? Sao sợ đến mức vô lý vậy?
Hãy ngẫm nghĩ về trách nhiệm, Việt Nam là ngôi nhà chung mà dòng họ, con cháu ta muôn đời không thể tách rời nó. Hãy sống có trách nhiệm, đừng mãi xa lánh đến trơ lì nữa, như vậy là có tội với con cháu.
Không có nhận xét nào