GIẤC MỘNG THIÊN NGA Vở vũ kịch ballet kinh điển "Hồ Thiên Nga" của Tchaikovsky đã trở nên huyền thoại bất tử của những ngườ...
GIẤC MỘNG THIÊN NGA
Vở vũ kịch ballet kinh điển "Hồ Thiên Nga" của Tchaikovsky đã trở nên huyền thoại bất tử của những người yêu thích nghệ thuật, và những ai chưa một lần được xem hay nghe giao hưởng thì quả là một sự đáng tiếc. "Hồ Thiên Nga "nổi tiếng đến nỗi những ai biết và yêu mến ballet không thể không biết nó.
Bạn chưa từng nghe giao hưởng "Hồ Thiên Nga" của Tchaikovsky? Hãy nghe thử một lần. Hoặc tìm nghe 1 đoạn ngắn khúc dạo đầu trong bài "còn ta với nồng nàn" do Quang Dũng hát, khi khúc dạo đầu đó là lấy trong "Hồ Thiên Nga".
"Hồ Thiên Nga" là một bi kịch tình yêu, nhưng cũng là một giấc mộng trinh bạch đẹp đẽ.
Giấc mộng Thiên Nga - Giai điệu thấm đượm một nỗi buồn thánh thót trên cao như tiếng đàn cello đang lột tả cùng dàn nhạc. Tác phẩm đã khắc đậm lên tâm hồn khán giả những người yêu nhạc classic một lòng bi mẫn sâu xa và cao thượng.
Chạm vào giấc mộng Thiên Nga, giống như một lần ta được chạm vào sự thanh khiết để rồi mừng rỡ hóa ra mình vẫn có thể chảy nước mắt vì một thứ quá đỗi mong manh và dễ tổn thương. Vượt khỏi trải nghiệm mang tên giải trí, thấy mình được tiếp xúc với một thế giới nhẹ bẫng và đầy an ủi, được tạm quên đi sự xấu xí đang bủa vây đến ngạt thở cuộc sống mà mình đang chìm trong nó.
Hôm qua, chúng ta lần đầu tiên được thấy Thiên Nga, trên mặt hồ huyền thoại đầy truyền thuyết về lịch sử và tâm linh với tích trả gươm của thành Thăng Long. Thiên Nga từ vũ kịch của Tchaikovsky bước ra hiển hiện trước mắt những con người lam lũ, bần cùng vừa thoát khỏi đói rách, nghèo nàn về thẩm mỹ, thấp kém về nghệ thuật hàn lâm mà cứ ngỡ là đang được xem ballet ở nhà hát Bolshoy tại Mát-xơ-cơ va .
Ở đâu đó vẫn tồn tại một giấc mộng Thiên Nga, ở một nơi không hề biết thưởng thức cái đẹp nghệ thuật, những trưởng giả mới phất hay nông dân chưa thoát khỏi lũy tre làng cây đa bến nước, một quá khứ đói rách chưa hề xa, tiếp nhận cái đẹp và giấc mộng tinh khôi của Thiên Nga theo nhiều tầng nấc tầm thường trần trụi mà không phải theo những cung bậc cảm xúc đầy tính nghệ thuật.
Kết thúc của vở "Hồ Thiên Nga" là Thiên Nga sẽ chết, một bị kịch cao trào của đời sống nghiệt ngã mà ở đó, không tồn tại giấc mộng trinh nguyên thuần khiết của Thiên Nga. Số phận thiên nga của Hồ Hoàn Kiếm cũng chắc chắn sẽ như thế, nếu nó không chết vì một cái chết sinh học thì nó cũng đã chết bởi những cái đầu óc và suy nghĩ thấp hèn mường tượng ra món ngỗng nhà hay sâm cầm gọi thu. Nhưng cái chết của Thiên Nga sẽ trở nên bất tử trong những ai đặt trọn vẹn niềm tn vào cái đẹp và tình yêu nghệ thuật, vượt lên trên cả những thực tại thầm thường.
Triết lý mà "Cái Chết của Thiên Nga " gửi gắm lại nằm ở chính vẻ bi thương đẩy đến mức tuyệt mỹ: khi chúng ta không còn giữ được sự trong trắng của tâm hồn mình, khi chúng ta phản bội niềm tin, thì tình yêu tuyệt đối sẽ chết! Và sự tha thứ có đến cũng không còn quan trọng, khi người ta buộc phải đối diện với phía tối của chính mình.
Ai đã nhận ra thông điệp từ Thiên Nga và "cái chết của Thiên Nga" ?
Không có nhận xét nào