Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về cô sinh viên năm 2 Trương Thị Hà

Thời trung học, tui học trường Kỹ thuật Đà Nẵng, đây cũng là ngôi trường đẹp và đúng chuẩn quốc tế của một ngôi trường hiện đại. Hiệu trưởng...

Thời trung học, tui học trường Kỹ thuật Đà Nẵng, đây cũng là ngôi trường đẹp và đúng chuẩn quốc tế của một ngôi trường hiện đại.
Hiệu trưởng là một giáo sư vốn là sinh viên miền Bắc quê Nghệ An vượt tuyến bằng đường bộ vào Nam khoảng năm 1958. Như thế, vị giáo sư này chắc chắn là chống Cộng dữ lắm rồi, khỏi cần kể. Năm tui học đệ tam, lớp 10 bây giờ, có một vị giáo sư dạy môn Tân toán học là người hoạt động cộng sản. Thầy theo Việt cộng ai cũng biết vì đã từng bị tù, thế nhưng khi mãn hạn tù, thầy vẫn đi dạy học lại bình thường, chẳng ảnh hưởng chi đến nghề nghiệp của Thầy. Một lần, Thầy đang dạy trên lớp thì cảnh sát được lệnh vào bắt. Thầy hiệu trưởng dù là một người chống cộng quyết liệt nhưng không đồng tình. Thầy bảo: “Các ông làm công việc của các ông, chúng tôi không cản trở, nhưng đây là trường học, chúng tôi không muốn học sinh của chúng tôi chứng kiến cảnh Thầy của mình bị bắt và còng tay, giải đi trong khuôn viên trường. Các ông hãy đợi ngoài kia, khi ông ấy ra khỏi trường, các ông có quyền thi hành phận sự.”
Cách cư xử đó đã cho tui có nhiều thiện cảm và kính nể thầy hiệu trưởng.

Bạn bè trong lớp của tui cũng có nhiều người hoạt động cho Việt cộng, nhất là các bạn vốn xuất thân từ quê ra Đà Nẵng học. Họ rải truyền đơn, họ có những hành tung bí mật và cũng có nhiều người vị bắt, bị giam tù. Thế nhưng khi các bạn ấy mãn hạn tù, nhà trường dành mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn ấy vẫn được tiếp tục học, việc theo dõi hay không là việc của công an, cảnh sát, nhà trường và bạn bè chúng tôi chẳng hề lưu tâm. Các bạn vẫn sinh hoạt và học tập bình đẳng như mọi người, chẳng có chi phân biệt. Sau 75, những người bạn ấy trở thành quan chức của chế độ mới, lúc đó sự phân hoá mới xuát hiện giữa kẻ có quyền lực và những người thua trận.

Nhắc lại chuyện này vì tui vừa mới đọc được thư của cô sinh viên năm 2 Trương Thị Hà, khóa 2017- 2020, Lớp trưởng lớp 17/2, Khoa Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố.
Cô sinh viên kể lại rằng ngày 17.6.2018 vừa qua, cô và gần 200 người nữa bị bắt vào tạm giam ở Tao Đàn vì tình nghi tham gia biểu tình. Trong hoàn cảnh bị đe doạ và sợ hãi, cô đã cầu cứu đến thầy giáo nơi cô ấy đang theo học và làm lớp trưởng. Tiến sỹ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trưởng phòng đào tạo; và Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng truyền thông của trường đã xuất hiện nơi cô bị giam theo yêu cầu của công an. Cô chỉ cẩu xin hai vị thầy khả kính của mình báo giúp cho luật sư biết tình trạng của mình để nhờ can thiệp. Nhưng hai vị thầy này đã từ chối, bảo là thầy không biết luật, bỏ mặc sinh viên của mình đang cùng đường và bị đe doạ sau khi chứng kiến sinh viên của mình bị tát trước mặt mình và họ đã ký ngay biên bản do công an soạn sẵn rồi ra về.
Họ xem như không có trách nhiệm gì và không muốn liên quan. Đó là hành động hèn nhát, vô trách nhiệm đáng khinh bỉ. Họ đã đến nơi, đã chứng kiến những sự việc trước mắt mình mà không có một hành động nào để có thể giúp cho sinh viên, người học trò của mình. Đó cũng là hành vi thiếu văn minh, văn hoá và là lối cư xử ích kỷ xuất phát từ sự sợ hãi mất chức quyền và sợ liên lụy. Trước nỗi đau và đang bị hành hạ của học trò mình mà anh ngoảnh mặt bỏ đi cũng là hành vi man rợ của kẻ đã bị tước mất trái tim và liêm sỉ.

Kể chuyện cũ và nói chuyện mới dù trong hai hoàn cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau, chế độ khác nhau so sánh lại càng khập  khiễng. Thế nhưng, hành động và kiểu cư xử của những người thầy của hai thời kỳ lại khác nhau cho ta nhiều suy nghĩ.
Cái đấy người ta gọi là văn hoá, là văn minh, là tính nhân văn của con người. Khi anh hành xử ngược lại bản chất nhân văn của loài người, anh chỉ là những con thú hai chân.

Đỗ Duy Ngọc




Không có nhận xét nào

Quảng Cáo