CÁI VĨNH VIỄN LÀ CÁI KHÔNG TỒN TẠI Ở đây giáo sư Hồ Ngọc Đại đã tự mâu thuẫn với chính tư duy của mình, một cách hiển lộ nhưng lại ẩn khuất ...
CÁI VĨNH VIỄN LÀ CÁI KHÔNG TỒN TẠI
Ở đây giáo sư Hồ Ngọc Đại đã tự mâu thuẫn với chính tư duy của mình, một cách hiển lộ nhưng lại ẩn khuất trong hai mệnh đề nối tiếp nhau khi liên kết và soi chiếu lại.
Ông đã thừa nhận mọi thứ phải thay đổi và chấp nhận cho cái mới tồn tại để phát triển. Và mọi lĩnh vực có công nghệ thực thi, và do đó, ông có công nghệ giáo dục làm sản phẩm của mình để thay thế những cái cũ, lỗi thời. Vậy nhưng, ở cuối cùng, Ông lại khẳng định, công nghệ của ông là thứ sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Nếu đã là công nghệ thì luôn chỉ có chu kỳ. Nếu đã có cái mới thì sẽ có cái mới khác thay thế. Ông ấy thừa nhận trong triết học chỉ cần đọc 4 người là Plato, Kant, Hegel và Marx. Phải thú thực là, trong 4 người này thì chỉ có duy nhất Kant là thực sự có những triết lý đúng đắn như về đạo đức và luân lý, về luật pháp là tự do. Nhưng như Plato, để nhìn nhận chính xác nhất thì lại là cha đẻ của chủ thuyết cộng sản nhưng hoàn toàn có tính nguyên thuỷ hoang dã. Hegel thì với lối viết cực kỳ tăm tối, giống như Heidegger vậy. Và biện chứng pháp của Hegel là nền tảng cho Marx phát triển thành học thuyết chủ nghĩa xã hội của mình sau này, nhưng triển khai theo một hướng hoàn toàn ngược lại bản chất duy tâm của Hegel để từ đó khẳng định sự quyết định của vật chất đối với ý thức.
Và nếu ai đó đã đọc sâu sắc Karl Marx, hẳn người ta hiểu, mọi sự vận động sẽ tiếp diễn không ngừng và cái xuất hiện sau phù hợp hơn sẽ là một phủ định cho cái tồn tại ngay trước đó, tuy có thể có sự kế thừa nhưng có bản chất là một cái mới khác biệt ở tầng cấp cao hơn. Và nguyên lý phát triển của Marx đã khẳng định rằng không có sự đứng lại của sự vận động (là bất biến), tức sự phát triển sẽ như một vòng xoáy trôn ốc mở rộng ra đến vô tận.
Karl Popper, trong Tri thức khách quan cũng đã luận giải về sự hình thành các tri thức trong sự vận động của thế giới và con người rất rõ ràng và dễ hiểu. Rằng, mọi tri thức sẽ phải qua một quá trình sàng lọc kỹ lương, từ phủ định đến phủ định ở cấp cao hơn, được quan sát với tư duy đa nguyên, sẽ tìm đến những giá trị cốt lõi của tri thức. Nhưng quá trình đó không dừng lại mà sẽ vẫn tiếp diễn để phát triển lên ở một cấp độ cao hơn và trở nên sâu sắc hơn.
Bertrand Rusell cũng tương tự về cách mà ông đưa ra triết lý học thuyết nguyên tử logic, ở đó, mọi thứ phải được bóc tách trở thành những nguyên tử nhỏ nhất để xem xét và đánh giá nó. Và ông loại trừ những ngôn ngữ kiểu như là “tất cả, mọi, là...” khỏi suy nghĩ của mình. Và mọi mệnh đề phải đặt nó vào mối tương quan và chỉ dẫn đến một đối tượng trực tiếp nào đó mà ta biết. Và như vậy, cái vĩnh viễn, tức là cái tất cả cũng là cái “là” là một thứ không thể thuộc về một phạm trù của triết học duy nghiệm, mà trở thành lãnh địa của triết học siêu hình, nơi sữ đưa ta trở về cái thời của chủ nghĩa kinh viện, tức vòng tròn triết học của những kẻ giáo điều và khép kín tách biệt khỏi thế giới khách quan để tư duy và nhận thức.
Nếu Ông đã coi những người trên là những nhà triết học đáng đọc nhất theo quan điểm của mình, thì không hà cớ gì mà lại đạp đổ chính những gì mà mình nhiệt thành tôn thờ đối với những hạt nhân triết lý của chính họ. Đó là một sự mâu thuẫn đến mức lạ lùng của một người nghiên cứu có tính khoa học và nhất là đề cao tính thực nghiệm.
Hầu như rằng, sẽ không có gì là vĩnh viễn, ngay cả đại lượng thời gian, người ta tưởng chừng là một chiều bất tử, nhưng hoá ra không phải vậy, vì nó có thể bị biến mất khi vũ trụ rơi vào hố đen. Ở nơi đó thời gian cũng không có nghĩa lý gì vì không thể thể hiện sự hiện hữu hữu lý của mình.
Công nghệ thì càng có tính thay đổi nhanh chóng, theo thời đoạn, mà gắn với con người lại càng dễ bị biến chuyển theo những vòng xoáy thất thường của con người. Chỉ trừ khi tâm trí con người đã trở nên bất dịch thì lúc đó công nghệ giáo dục nào đó (có thể lừ của Ông) mới trở nên vĩnh viễn, và khi ấy, mọi thứ là ở trạng thái “chết” vĩnh viễn.
Chỉ có sự giới hạn trong trí não của con người, theo hiểu biết hạn hẹp của tôi được cân nhắc một cách cẩn trọng, mới là thứ có thể trở nên vĩnh viễn. Ngoài ra, mọi thứ đều có giai đoạn và khung cảnh lịch sử tồn tại của nó.
http://m.plo.vn/xa-hoi/giao-duc/gs-ho-ngoc-dai-cong-nghe-giao-duc-se-ton-tai-vinh-vien-791491.html
Lê Luân
Không có nhận xét nào