Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

LẠI CHUYỆN VỀ ÔNG HỒ NGỌC ĐẠI.

LẠI CHUYỆN VỀ ÔNG HỒ NGỌC ĐẠI. Sáng nay tui ngồi cà phê với một anh bạn cùng lớp thời Đại học Sư Phạm. Anh bạn tui vốn là quan chức của ngàn...

LẠI CHUYỆN VỀ ÔNG HỒ NGỌC ĐẠI.

Sáng nay tui ngồi cà phê với một anh bạn cùng lớp thời Đại học Sư Phạm. Anh bạn tui vốn là quan chức của ngành giáo dục, phụ trách tiểu học. Và câu chuyện đề cập đến chuyện lao xao trên hệ thống truyền thông và trên mạng xã hội về việc dạy Tiếng Việt cho học sinh lớp một. Anh bạn tui ca ngợi phương pháp của ông Hồ Ngọc Đại hết lời. Tui thì không nói về chuyên môn vì tui không tìm hiểu sâu về nó. Và theo tui nó cũng chẳng có gì là quan trọng. Chẳng qua họ đang biến một chuyện rất bình thường thành chuyện phi thường để tự nâng cao mình thôi. Thật ra tui nghĩ chuyện đánh vần đối với một đứa trẻ đi học chỉ là một thời gian ngắn, chẳng có chi to tát đến độ mạt sát nhau, chửi rủa nhau ẩm ĩ đến thế. Qua năm ba tháng, một năm, đứa trẻ sẽ đọc chữ và lúc ấy chuyện đánh vần không còn gì là cần thiết nữa. Cũng như tui đã từng thú nhận là tui không biết đánh vần. Cũng có sao đâu.

Và bởi không nói đến tận cùng của âm học, âm tiết, âm vị, âm...gì đó nữa... Nên tui chỉ đề cập đến một số bài tập đọc trong sách đó thôi. Ví dụ như chuyện Quả bứa, chuyện Bé xách đỡ mẹ... Thật ra chuyện Quả Bứa đã từng có mặt trong sách Quốc Văn Giáo Khoa thư gần thế kỷ nay rồi. Nhưng trong QVGKT thì hai đứa trẻ thấy quả bứa ở giữa đường, còn trong sách mới là thấy khi đi qua vườn quả. Thấy ngoài đường thì lượm, chẳng cần xin phép ai. Nhưng ở trong vườn thì phải mua, phải xin phép chủ vườn, nếu không là hái trộm. Ở đây hai đứa bé đã cư xử sai. Và diễn tiến câu chuyện cũng cho thấy sự ranh ma, lém lỉnh khi giải quyết vấn đề. Bài Bé xách đỡ mẹ cũng vậy, có thể có người cho rằng đó là sự thông minh, đáng yêu của trẻ con. Thế nhưng theo tui không nên dạy trẻ con như thế. Trẻ con như tờ giấy trắng, đọc như thế chúng sẽ cho đó là đúng và sẽ hành động theo sách. Anh bạn tui thì cho rằng các bài tập đọc chỉ mục đích cho trẻ biết đọc chữ, không cần dạy ý nghĩa và cũng chẳng cần cho chúng biết nghĩa. Thế là sao? Tiếng Việt thường nói Chữ Nghĩa. Tức là chữ luôn song hành với nghĩa, bây giờ dạy chữ mà không cần nghĩa thì giáo dục chúng điều gì trong chữ ấy. Nói tào lao chơi thôi ví dụ đem dâm thư chuyện Cô Giáo Thảo đọc cho chúng nghe cũng được sao bởi theo ý của ông Đại thì cho hs đọc để biết chữ chớ không cần nghĩa. Thế thì tào lao quá! Thế thì cần gì chọn sách chọn bài cho trẻ đọc, cứ cho đọc gì cũng được miễn là đọc được chữ thôi hay sao?

Tui không công kích cũng chưa biểu lộ sự đồng tình kiểu dạy học của ông Đại. Cứ cho đó là một công trình khoa học. Mà đã là cái mới, cái tiên phong thì phải có đúng sai, phải có phản biện. Chuyện bàn cãi phê phán chuyên sâu là dành cho các nhà chuyên môn. Thế nhưng quần chúng phản ứng, phụ huynh phản đối cũng có cái lý của họ. Vì không được hiểu rõ ràng nên họ chống đối. Từ rất lâu họ được dạy như thế, được học như thế, bây giờ họ đem sách học của con ra xem, họ không hiểu chi cả, họ khó chịu chứ. Thế rồi ông Đại bảo họ không được dạy con cháu, chuyện đó là chuyện của Thầy Cô. Kiểu giáo dục đó lại đi ngược kiểu truyền thống trong gia đình người Việt. Trong gia đình Việt Nam, ông bà, cha mẹ kiểm tra việc học của con cháu, cùng học và hướng dẫn con cháu học là chuyện hàng ngày. Bây giờ ông bảo cần gì đến cha mẹ, cha mẹ biết gì mà dạy. Lối nói ngạo mạn của ông, lối kiêu căng của ông, lối xem thường mọi người của ông khiến cho mọi người càng ghét ông hơn. Đó là lối kiêu ngạo cộng sản, lối kiêu ngạo của một người cho mình có quyền lực quyết định, là lối ngạo mạn của phò mã, vị trí một thời đã qua của ông. Tui không phản đối cách dạy của ông, bởi tui không cho đó là quan trọng. Nhưng qua phát biểu của ông, tui xem thường nhân cách của ông, tui thấy ông không có đức tính của một nhà khoa học và tính khiêm tốn của một trí thức. Ông lại lấy bài của sách khác đem vào sách của mình mà không ghi nguồn, đó cũng không phải là cách hành xử đúng đắn của người có học thức. 

Anh bạn tui bảo vệ ông nên cho rằng ông là một người trực tính, nhưng tui thì cho rằng ông thuộc dạng người mà ngày xưa người ta cho là loại hạ mục vô nhân. Người trực tính là người nói thẳng chứ không phải là người coi thường hạ nhục kẻ khác, cho mình là đỉnh. Ông kể rằng hồi đó có thể ông làm bộ trưởng hay thứ trưởng Giáo Dục, nhưng bộ trưởng hay thứ trưởng thì có thể nhiều người làm được, nhưng dạy học thì không ai có thể giỏi bằng ông. Nói thế thì đề cao mình quá!!!! Trước đây trong một hội nghị tập huấn tại Quy Nhơn, ông cũng đã từng phát biểu: Bọn Sư phạm ngu dốt biết gì mà dạy. Cũng lạy ông cả nón với nhận xét này.

Làm khoa học là chấp nhận chịu sự phê phán. Ông cho rằng, với cách dạy của ông, đứa trẻ sẽ có độc lập trong tư duy, có sáng tạo của riêng mình ngay từ nhỏ để tạo được tính cách khi trưởng thành. Tui không hiểu ông lý tưởng hoá hay ông đang giả vờ. Ông chắc cũng biết rõ rằng trong chế độ này không có chuyện tư duy độc lập, không thể có những cách mạng sáng tạo ngoài khuôn khổ triết học và đường lối mà đảng đang theo đuổi và thực hiện. Ông đang ước mơ làm loạn à? 

Tui thì tui quan niệm rằng dạy cách nào cũng được, miễn sao trẻ biết đọc biết viết, biết phân biệt đúng sai, phải trái, sống có nhân  tính, có đạo lý, biết yêu quý mọi người, khi lớn biết ý thức để bảo vệ giang sơn bờ cõi khi tổ quốc bị giặc cướp, cảm thấy nhục khi người dân mình bị khinh miệt. Những điều đó lại thấy vắng bóng trong sách của ông, bởi ông quan niệm không cần trẻ biết nghĩa của bài, tức là ông bỏ mất chức năng giáo dục khi dạy cho con trẻ. Tui phản ứng với ông ở điều này. Thế thôi!
11.9.2018
DODUYNGOC




Không có nhận xét nào

Quảng Cáo