Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỀ VÀI SUY NGHĨ LIÊN QUAN ĐẾN BAN TRỊ SỰ ĐÌNH THẦN

Về vài suy nghĩ liên quan đến ban trị sự đình thần Ngày nay với cuộc sống có chút phần dư dã, nhiều ban trị sự đình thần đã phục dựng các lễ...

Về vài suy nghĩ liên quan đến ban trị sự đình thần

Ngày nay với cuộc sống có chút phần dư dã, nhiều ban trị sự đình thần đã phục dựng các lễ nghi đầy sự trang trọng, nhưng theo mình, phần lớn các nhóm này đã và đang chạy theo hình thức mà quên đi (hoặc giả vờ quên đi) điều quan trọng nhất trong việc phục dựng các điển lễ xưa - đó là họ PHẢI CÓ TRÌNH ĐỘ để mà đọc, nghiên cứu và hiểu rõ các điển lễ đúng sai.

Một vài ví dụ:

1 - Làm thế nào mà ban trị sự một ngôi đình thần ở Biên Hoà nghĩ mình sẽ lạy một sắc phong thần mà trong đó, người ta viết nhăng viết cuội đầy trên ấy ?  Nếu ban trị sự không biết đọc chữ Hán, không có kiến thức căn bản về chữ Hán đúng sai, thì làm thế nào mà họ xứng đáng được bầu vào ban trị sự nhỉ ?  Đã bao giờ thành viên của ban trị sự đình thần liên quan đến các điển lễ xưa và Hán ngữ mà lại dốt đặc  cán mai Hán ngữ ? Không biết Hán ngử thì họ biết đúng sai ra sao trong văn bản đình thần để mà dạy dân ?

2 - Mình vẫn không hiểu tại sao người ta chỉ bầu các thành viên trung niên hoặc già vào ban trị sự đình thần ?  Người già mà dốt thì vẫn dốt thôi.  Họ có gì đâu mà trong những buổi lễ, mặc áo thụng đầy trang nghiêm, nhưng đọc bài văn tế người ta diễn âm sai mà cũng không biết ? Không hiểu xưa, ví dụ cụ Nguyễn Khuyến ra đình, ngồi ghế mà nghe các vị trong ban trị sự đọc sai cả âm Hán, kiến thức thì kém cỏi, cụ khi đó có cảm thấy mình vinh dự ngồi trên, hay là thấy nhục nhã vì bị người ta đánh đồng cùng bọn mù chữ nhỉ ? Già mà dốt thì mình thấy làm cho đình thần nhục thêm.  Thà họ làm trong giới hạn kiến thức họ có, đọc và nói tiếng Việt, chứ bắt chước điển lễ xưa và ê a Hán ngữ làm gì trong khi họ hoàn toàn không đủ trình độ để hiểu rõ về những điều mà họ muốn bắt chước ?

3 - Tại sao phụ nữ không thể tham gia vào ban trị sự đình thần ?  Ví dụ các cô Hán Nôm mình biết, họ đều giỏi chữ và có đạo đức cả, tại sao họ không thể đứng trên và các cụ ngồi dưới phải kính cẩn chào họ ?

4 - Đình thần là nơi để người trẻ học hỏi về kiến thức xưa - và một trong những điều mà người trẻ muốn học, ấy là cách dùng câu từ trong những câu đối xưa.  Ví dụ khi bước vào đình Minh Hương Gia Thạnh, mình muốn biết tại sao cây cột đầu có câu đối và từng chữ đã được chọn ra sao.  Nếu các cụ thủ từ lẫn ban trị sứ đình thần không biết Hán ngữ mà chỉ toàn có kiến thức dạng dân gian hoặc nghe lóm, thì mình sẽ học được gì từ họ nhỉ ?

5 - Đã có bao giờ trong xã hội Nho giáo xưa, mà một người có ăn học, biết điển lễ lại phải đi xum xoe một cụ thủ từ hay ban trị sự dốt Hán ngữ chưa ?  

Trên đây là vài ví dụ mình đưa ra sau khi đi tham quan lẫn xem các bài viết / video trên mạng.  Nếu đình thần là nơi người ta nghĩ họ muốn cho xã hội biết về sự tự hào vùng miền, điển lễ, thì chắc chắn người muốn tham gia vào ban trị sự đình thần, phải có trình độ, phải biết Hán Nôm, để cho thiên hạ biết sự huy hoàng của một nơi thờ thần là ra sao, chứ chúng ta không thể mãi mãi chỉ có những ngôi đình thần với các thành viên ban trị sự có kiến thức ngày càng èo uột tuột hậu, và khi người trẻ mò đến, lại cần phải nói chuyện cẩn thận để những vị này đừng tự ái.

Mình xưa nay chỉ nghe hoặc đọc được là người ta tự hào về việc họ phục dựng điển lễ đình thần hay đàn miếu, nhưng chưa thấy ai viết hay nói về sự tự hào của việc mời những người hay chữ và mê điển lễ vào ban trị sự cả.  Ban trị sự mà chỉ toàn những người già hay có tiền, thì làm sao mà người có ăn học nể ngôi đình thần họ viếng thăm nhỉ ?

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Nhân đang ngồi xe lửa từ Genoa đi Rome, thấy những nhà thờ xa xa mà nhớ ngôi đình thần Việt Nam quá xá.

Ngày cuối tháng 10 @ 2018 - Genova, Ý

Brian




Không có nhận xét nào

Quảng Cáo