Về hai quan Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp có bán nước không ? Việc bán nước hay không của 2 ngài chắc ngày nay người ta đã xét lại, nên m...
Về hai quan Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp có bán nước không ?
Việc bán nước hay không của 2 ngài chắc ngày nay người ta đã xét lại, nên mình miễn bàn ở đây.
Mà việc mình muốn bàn ở đây là có hay không vụ 2 ngài tự nhiên lép vế mà khi đi ký hòa ước với Pháp ở Sài Gòn năm 1862 (Hòa ước Nhâm Tuất 1862), hai ngài nghĩ làm sao mà cho Pháp lấy 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, rồi đồng ý trả tiền chiến phí khá cao ?
Thì mình xin thưa với bạn, là KHÔNG ! Nghĩa là hai vụ động trời này (bị Pháp chiếm 3 tỉnh và trả tiền chiến phí rất cao), triều đình nhà Nguyễn đã đem ra bàn rồi bạn ạ trước khi 2 ngài đi ký hòa ước. Mà tại sao các sử gia Việt Nam từ xưa đến nay không đem sử kiện này ra giúp độc giả nâng cao kiến thức, lại để cho cả Việt Nam từ Bắc chí Nam cả trăm năm nay kẻ ghét người thương 2 ngài, thì mình chịu.
Đây, sử kiện này nằm trong bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Tứ Kỷ Quyển XXVI, năm Nhâm Tuất Tự Đức 15 (năm 1862), đoạn
****
Khi ấy Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp xin đi. Lại chuẩn cho sung làm Chánh phó sứ toàn quyền đại thần để nghị về việc hòa. Lại sai đình thần bàn định đại ý về điều ước, vua sửa định rồi trao cho.
(Khi ấy đình thần tâu nói : - Một việc nghị hòa đã 3 - 4 năm rồi mà chưa định cục. Nay tàu của họ đưa thư đến nghị hòa, tuy chưa nói rõ từng khoản từng mục, nhưng đại yếu tưởng cũng không ngoài 14 khoản đã yêu cầu năm trước. Họ yêu cầu là ... Duy kẻ kia trước có xin giao hết cả tỉnh thành và đất phụ thuộc của Gia Định, Định Tường ; và đóng quân ở Thủ Dầu Một, tỉnh Biên Hòa ; Kinh sư của 2 nước đều có quân đại thần đóng ở ; số bạc bồi thường trước đòi 400 vạn đồng ; cùng là nước Y Pha Nho xin ở một khu Đồ Sơn, tỉnh Hải Dương, cửa huyện Nghiêu Phong lập sở tuần lấy thuế 10 năm, sau sẽ trả lại nước ta. Về 5 khoản này, người Tây dương đã nhiều lần đưa thư yêu cầu xin được như lời xin. Nay bọn kia tất không khỏi lại cố yêu cầu cắt đất Biên Hòa, Vĩnh Long giao cho họ, để mong cho hòa ước cũ tất phải thành. Nay vâng xét nghĩ : ở Gia Định từ thành cũ, kẻ kia đã lập đồn để đóng và địa giới ở ven sông 2 huyện Tân An, Cửu An thuộc hạt ấy, một sở Thủ Dầu Một, tỉnh Biên Hòa và đất phụ cận ở ngoài thành tỉnh Định Tường, nghĩ hãy tạm cho bọn kia quản nhận cư trú ; còn địa phận các hạt khác cùng là toàn hạt tỉnh Vĩnh Long, đều nên giao trả về nước ta quản trị ...
Lại Gia Định, Định Tường trước đã nghĩ bàn giao cho nước ta quản trị, nếu họ không nghe, thì nghĩ nên viện theo như lệ Quảng Đông trước đây tạm hãy chuộc về, nếu họ có đòi giá chuộc, thì phỏng lấy 100 - 200 vạn đồng làm giá định chuộc, nhưng hẹn sau sẽ trả dần, hoặc có thể sớm xong chuộc ấy. Nếu bọn kia đòi giao hết các tỉnh họ đã chiếm được, thì quyết không theo. Trong khi bàn nói, thì nên cân nhắc tình lý, tùy nghi biện chiết, khiến cho họ bằng lòng nghĩ lại, giảm được phần nào lại càng tốt. Nếu không được đúng, bấy giờ mới từ ít đến nhiều, liệu nói trong đó. Còn ngoài ra những khoản nào chưa có dự nghĩ, thì việc nhỏ mọn nên chiểu lẽ mà làm cho ổn thỏa, còn việc quan trọng to lớn thì lấy lẽ mà tranh biện. Nếu họ nghe theo thì thôi, họ không nghe thì kiếm lời thoái thác để ngừng hoãn lại, đợi được báo cáo sẽ làm cho hợp sự thể. Vua phê bảo rằng : Về khoản đạo giáo công hành, quyết không thể cho được. Nếu không được đúng thì chỉ được theo như lần trước đã nghĩ : đến thì phải trình, ở thì có nơi. Nam Kỳ thì chỉ một xứ Gia Định, Bắc Kỳ thì Nam Định hoặc Hải Dương một xứ mà thôi. Còn về người Tây dương đi lại tự do, đóng ở Kinh đô, 2 khoản ấy quyết cũng không cho. Về khoản nước Cao Miên, cũng phải trả lời như thế. Nếu họ cố ý yêu cầu, thì cũng cho, để bớt sự vô ích. Duy có ước định, nếu Cao Miên chống cự nước ta, thì nước ta cứ trách cứ vào người Tây dương, nếu không thì nước ta đem quân tiêu diệt, người Tây dương đừng cho làm lạ. Đến như địa hạt Gia Định, Biên Hòa, Định Tường chỉ cho ở đấy buôn 1 - 2 nơi mà thôi ; không được đừng thì chỉ đến chuộc là cùng. Còn các khoản Pha Nho ở buôn và đánh thuế thì bác đi ...
Khi sắp đi, vua rót rượu của vua dùng ban cho. Rồi dụ rằng : Đất đai quyết không thể nào cho được, tà giáo quyết không cho tự do tuyên truyền. Kịp khi 2 viên ấy đến Gia Định, bèn đem đất 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa nhường cho Tây dương, lại nhận số bạc bồi quân phí đến 400 vạn đồng (ước tính đến 280 vạn lạng bạc) và lập nhà giảng đạo ...
****
Nên bạn thấy đó, đâu có vụ hai ngài Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp tự nhiên đi và bị ép đưa 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường đâu đúng không ? Người Pháp họ có viết 14 điều khoản trước đó về vụ này mà ? Mà xem ra, triều đình vương triều Nguyễn trước khi đi đàm phán, họ đều nghĩ rằng họ sẽ chuộc lại các tỉnh thành này với số tiền 200 vạn đồng, thay vì 400 vạn đồng như người Pháp đưa ra trước đây. Và đáng nêu hơn, chính các quan triều Nguyễn còn nêu lên là "ở Gia Định từ thành cũ, kẻ kia đã lập đồn để đóng và địa giới ở ven sông 2 huyện Tân An, Cửu An thuộc hạt ấy, một sở Thủ Dầu Một, tỉnh Biên Hòa và đất phụ cận ở ngoài thành tỉnh Định Tường, nghĩ hãy tạm cho bọn kia quản nhận cư trú ; còn địa phận các hạt khác cùng là toàn hạt tỉnh Vĩnh Long, đều nên giao trả về nước ta quản trị", chứ có phải 2 ngài Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp tự trao đâu ?
Còn việc vua dụ rằng "Đất đai quyết không thể nào cho được, tà giáo quyết không cho tự do tuyên truyền" thì hóa ra phía trên vua lại kèm theo câu "Đến như địa hạt Gia Định, Biên Hòa, Định Tường chỉ cho ở đấy buôn 1 - 2 nơi mà thôi ; không được đừng thì chỉ đến chuộc là cùng".
Nên làm thế nào mà các sử gia Việt Nam lại suy ra là 2 ngài Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp bán nước nhỉ ?
Mà sao đoạn sử kiện cực kỳ quan trọng đến thế này, qua bao nhiêu năm qua, với bao nhiêu hội thảo lẫn núi sách vở ở Việt Nam, chả sử gia Việt Nam nào đem ra nhỉ ? Nếu có ai đó đã đem ra, xin bạn share để mình đọc. Chứ còn đọc đoạn này thì ta thấy rất rõ là trước khi đi, triều đình nhà Nguyễn đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho việc bị người Pháp ép, việc chuộc lại các tỉnh thành, chứ làm gì có việc như bộ Đại Nam Thực Lục nêu ra là "Vua nói : Thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì ? Rất là đau lòng. Hai viên này không những là người có tội của bản triều mà là người có tội của nghìn muôn đời vậy !" nhỉ ? Mà hình như mình đọc đâu đó, có các tác giả trích đoạn vua phê này thì phải, nhưng họ "quên" đoạn văn rất dài phía trên mình nêu ra (mà đoạn văn rất dài này lại nằm ngay bên trên đoạn văn vua phê bình 2 ngài), không hiểu là sao ?
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào