Về nỗi khổ mà mình giờ cũng giống như bạn khi đọc sách dịch Đó là khi mình đọc quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa của thầy Yo...
Về nỗi khổ mà mình giờ cũng giống như bạn khi đọc sách dịch
Đó là khi mình đọc quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa của thầy Yoshiharu Tsuboi, mình rất ngờ những đoạn văn dịch tiếng Việt mà nếu ta đọc kỹ, thấy sai hơi nhiều.
Một vài ví dụ:
****
1. Trang 156 "Thật vậy triều đình Huế tiếp tục định kỳ gởi cống phẩm (bang giao sứ) sang Bắc Kinh. Từ năm 1803 đến năm 1853, họ đã gởi bốn năm một lần và sau mỗi khi có vị vua băng hà hay vua mới đăng quang, ở Trung Hoa hoặc ở Việt Nam."
Nhưng xem ra, nếu chúng ta đọc kỹ sử, thì tới năm Minh Mạng 20 (tức năm 1839), nhà Thanh mới đổi cho triều đình Việt Nam 4 năm cống 1 lần. Đọc sử Đại Nam Thực Lục còn ghi là "Kỷ Hợi, Minh Mệnh năm thứ 20 [1839] (Thanh, Đạo Quang năm thứ 19) ... Phủ Thái Bình nhà Thanh gửi đến công văn của bộ Lễ nước ấy nói : nước ta cùng với các nước Lưu Cầu, Xiêm La đều đổi làm 4 năm 1 lần triều cống. Bộ Lễ tâu lên. Vua nói : “Điển lễ bang giao của nước ta cứ 2 năm 1 lần cống và 4 năm sai sứ sang chầu 1 lần, thì 2 lễ cống cùng dâng 1 lúc. Nay nói 4 năm triều cống 1 lần, thì so với trước có gì là khác, trong công văn nói chưa được rõ ràng”. Sai gửi công văn sang Tuần phủ Quảng Tây, hỏi lại, thì là : đổi 4 năm sai sứ sang triều cống 1 lần ; chiểu số phương vật 2 lần cống [cùng dâng 1 lúc trước kia] bớt đi một nửa. Từ đó bèn ghi lại làm lệ : (Vật cống : 1 đôi ngà voi, 2 chiếc sừng tê, lụa dày, lụa nõn, lụa mộc, vải địa phương mỗi thứ đều 100 tấm, 200 lạng trầm hương, 600 lạng tốc hương, sa nhân, hạt cau đều 45 lạng).".
Như vậy thời Gia Long qua luôn tới gần hết thời Minh Mạng, cống phẩm 2 năm 1 lần, sứ bộ sang chầu 4 năm một lần, làm gì có việc "Từ năm 1803 đến năm 1853, họ đã gởi bốn năm một lần" như thầy Tsuboi nêu ra nhỉ ?
Và nếu một vị vua ở Việt Nam mất, theo mình được biết là có một đoàn sứ Việt Nam qua nhà Thanh báo tang chứ làm gì có việc cống phẩm nhỉ ?
Nên không hiểu đoạn này là do dịch giả Việt dịch thoát hay do thầy Tsuboi viết có vấn đề đây ?
****
2. Trang 163 đoạn trích lời dụ của vua Tự Đức "Không có quân mạnh hay quân yếu, mà chỉ có tướng tài hay tướng vụng. Cho nên người xưa nói: Chiến thắng luôn tùy thuộc tướng, chứ không bao giờ phụ thuộc vào quân. Nhà Trần (1225-1413) và nhà Lê (1428-1789) đã lần lượt đẩy lui quân Nguyên và quân Minh. Quân đội ấy thuộc chủng tộc nào ? Dưới triều Minh Mạng (1820-1841), quân đội triều đình đã quét sạch bọn phỉ khỏi các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang và Lạng Sơn. Tại sao bây giờ binh sĩ Việt Nam không đủ sức chống bọn phỉ Tàu ? Nếu bây giờ các khanh cho rằng quân đội nhà Thanh sợ hãi, do dự trước bọn phỉ, thì phải cứ toàn là quân sĩ của ta, không hy vọng sự giúp đỡ nào của người Thanh sao ? "
Còn sử Đại Nam Thực Lục viết ra sao, thì đây "Quan quân thứ bọn Đoàn Thọ tâu nói quân ở Bắc Kỳ không dùng được, xin phái thêm quân ở Nam Kỳ. Vua bảo rằng : quân không có quân mạnh quân yếu, chỉ lính hèn, tướng thì có tướng khéo tướng vụng. Cho nên người xưa nói : Chỉ có tướng tốt thắng, chứ không có quân tốt thắng, đời Trần, Lê trở về trước chống cự nhà Nguyên, nhà Minh thì quân nào ? Khoảng năm Minh Mệnh, 3 đạo Cao, Tuyên, Thái Lạng dẹp yên được giặc, đâu phải hết thảy là quân Nam Kỳ. Nay nhất khái cho quân ở Bắc Kỳ là nhát sợ thì quân Bắc có thể bỏ hết mà quân Nam có thể phái hết được không ? Làm tướng há nên như thế. Bèn chuẩn cho từ Hà Tĩnh trở ra Bắc đều lập thêm quân “chiến tâm”((1) Cũng như lính quyết tâm, quyết chiến.1), phái đến các quân thứ để phòng điều khiển. ..."
Vậy bạn dò lại hai đoạn văn trên, thì thấy rõ sự dịch hơi liều. Đoạn "không có quân mạnh hay quân yếu", dịch giả còn thiếu dịch cả câu sau "chỉ lính hèn". Và làm thế nào mà lính Bắc Kỳ (tức lính Việt Nam thuộc Bắc Kỳ) lại trở ra là lính nhà Thanh ? Đây là đoạn so sánh lính Việt ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ, chứ có lính nhà Thanh nào ở đây đâu ? Hay là các dịch giả thấy bản Pháp ngữ viết "Bắc" nên dịch bậy thành "nhà Thanh" ? Mà đây có là lỗi dịch giả hay không hay là do thầy Tsuboi đọc sử chưa tới chữ nên nghĩ chữ Bắc Kỳ là nhà Thanh ?
Và đáng sợ nhất, làm thế nào mà phần "và nhà Lê (1428-1789)" lại có cả chú thích "*, 1789 do Quang Trung - Nguyễn Huệ đúng hơn - ND". Có thật là trong bản gốc tiếng Pháp của thầy Tsuboi, thầy viết là nhà Lê (1428-1789) không ? Và làm thế nào mà người dịch (ND) viết bậy vào đó "1789 do Quang Trung - Nguyễn Huệ đúng hơn" ? Ơ hay, chả lẽ vua Tự Đức khi đưa ra lời dụ nói về nhà Lê, lại đem cả luôn ông Nguyễn Huệ vô khoe à ? Bạn đọc có thấy nóng mặt không nhỉ ?
Nên lỗi của ai đây ? Là của thầy Tsuboi đọc sử bậy hay do các dịch giả Việt Nam dịch bậy ?
Mà mình chỉ mới đọc thoáng qua thôi, tại muốn hiểu quyển này của thầy Tsuboi có thật sự là sách gối đầu giường không. Nhưng mới đọc có phần này (tánh mình thích đọc nhảy tùm lum) đã thấy 2 sự hơi bất thường trong đó.
Mà theo mình, nếu bạn muốn khen một sử gia hay nhà nghiên cứu giỏi, chắc điều cần thiết trước tiên là họ phải viết đúng theo sử liệu, chứ không phải dạng viết sử xín xái, dạng đúng 80% sai 20% đâu đúng không ?
Nên mình đọc mà ngờ, chả lẽ thầy Tsuboi đọc sử bậy hả bạn ?
Mà dịch giả Việt Nam bậy, thì ta còn đó gương thầy Nguyễn Thừa Hỷ và nhóm Khoa Sử Học Đại Học Hà Nội gì đó dịch bậy tới khủng khiếp khi dịch quyển Vùng đất Nam Bộ. May là mình không tin những dịch giả bên Việt Nam mà đem thầy Choi Byung Wook ra mà hỏi thầy có đọc sử Việt không. Mà trước khi mình phê bình, các bạn toàn khen thầy Nguyễn Thừa Hỷ và chả ai lên tiếng gì về sự thầy và nhóm dịch giả của thầy dịch bậy cả.
Vậy ở quyển này của thầy Tsuboi, đã có bạn nào ở Việt Nam đọc cả 2 bản gốc tiếng Pháp và bản dịch Việt và thấy bản dịch tiếng Việt là chuẩn xác không ?
Thầy Tsuboi có viết sử bậy vậy không bạn ? Hay lại là sự đáng buồn của nền dịch thuật Việt Nam ?
Mà mình thấy xưa nay các thầy bên Việt Nam khen thầy Tsuboi lắm, như thầy Trần Ngọc Giàu khen thầy Tsuboi là người yêu Việt Nam, nhưng không biết thầy Giàu đã đọc kỹ bản gốc tiếng Pháp này của thầy Tsuboi chưa ? Mà thầy Giàu thì kỳ trước mình có đem ra phân tích và thấy thầy viết bậy và phán bậy cũng không ít.
Thế còn các thầy cô / sử gia / nhà nghiên cứu bên Việt Nam thì sao ? Những ai đã khen thầy Tsuboi lên tới mây, họ đã đọc quyển này của thầy thật kỹ chưa ? Hay lại là tình trạng họ đọc mà do nghe người ta nói thầy Tsuboi viết hay lắm, nên họ khen lên tới mây mà bản thân họ không hẳn đã đọc kỹ sử để mà hiểu ?
Mà bạn thấy đó, một thầy giỏi mà bị dịch bậy thì trong mắt độc giả mà không biết ngôn ngữ gốc, làm sao độc giả biết thầy ấy giỏi hay không hay lại là hạng thầy tào lao ?
Nên mình phân vân, thầy Tsuboi có thiệt sự biết nhiều về sử Việt hay không ? Hay thầy chỉ đọc đâu đó rồi giải thích bậy chung chung về sử Việt ?
Hay là ngày nay, lại chỉ có mình chịu khó đọc kỹ, và lại cảm thấy hoặc là các dịch giả Việt Nam đã dịch bậy, hoặc là thầy Tsuboi không hẳn quá kỹ khi nghiên cứu về sử ?
Mà làm thế nào mà ai cũng toàn khoe vun vút cho đủ thứ người, mà mình đọc tới đâu cũng thấy vấn đề tới đó nhỉ ? Chả nhẽ kiến thức về tiếng Việt và sử học của người Mỹ gốc Việt rất khác với kiến thức và sử học của người Việt ở Việt Nam à ?
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
P.S: Mình thấy trong sách ghi là Chương III là do một thầy tên Bùi Trần Phương dịch. Thầy Bùi Trần Phương này có là dịch giả của quyển nào khác nữa không bạn ?
Không có nhận xét nào