Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

PHIÊN TÒA HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI NHƯNG RẤT KỲ CỤC!

PHIÊN TÒA HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI NHƯNG RẤT KỲ CỤC! Chiều ngày 29/11/2018, tòa án tỉnh Long An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính về ...

PHIÊN TÒA HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI NHƯNG RẤT KỲ CỤC!

Chiều ngày 29/11/2018, tòa án tỉnh Long An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính về “Khiếu kiện Quyết định Hành chính”. Tôi là Luật gia đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, bà Trương Minh Tâm khởi kiện quyết định hành chính số 1038 (QĐ 1038) của chủ tịch huyện Vĩnh Hưng và quyết định hành chính số 4075 (QĐ 4075) của chủ tịch tỉnh Long An.

Tóm tắt nội dung vụ việc: Vào năm 1982, chính quyền địa phương cưỡng bức lất 9 ha (9 mẫu) đất của gia đình bà Tâm đưa vào tập đoàn sản xuất (TĐSX), họ nại lý do “đất xâm canh” không chia lại theo nhân khẩu cho gia đình bà. Việc thực hiện chủ trương lấy đất của dân đưa vào Tập đoàn không minh bạch, nhiều bất công đã gây xáo động lớn về ruộng đất, tình hình khiếu kiện đòi lại đất cũ của nông dân cả nước rất gay gắt khó lường dẫn đến phải giải thể các TĐSX. Sau khi các TĐSX bị giải thể các cơ quan chức năng từ trung ương tới tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất để sửa sai. Theo đó nguyên tắc chung là “Nông dân trong tỉnh trực tiếp canh tác đất trong tỉnh thì không gọi là xâm canh, nếu trước đây cắt đất rồi mà gia đình họ thật sự khó khăn thì giải quyết giao lại đất cho người bị cắt, hoặc giao đất mới cho họ, hoặc tổ chức cho chủ cũ và chủ mới thỏa thuận bồi hoàn thành quả lao động”. Tuy nhiên, do tình trạng cán bộ bao chiếm đất và mua bán sang nhượng nên chính quyền địa phương không thực hiện sửa sai. Gia đình bà Tâm liên tục khiếu kiện gay gắt từ địa phương tới trung ương, từ năm 1995 đến nay vẫn chưa giải quyết đúng pháp luật. Tại Biên bản đối thoại số 72/BB-TNMT ngày 14/4/2017 của Phòng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng kết luận “Thống nhất chủ trương quy hoạch đất vào tập đoàn năm 1982, sau đó có nhiều văn bản sửa đổi nhưng ông Lâm làm tham mưu cho nhiều đời Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng không sửa đổi”.

Ngày 29/04/2017, chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng ban hành QĐ 1038 bác đơn khiếu nại của bà Tâm. Ngày 09/11/2017, chủ tịch UBND tỉnh Long An ban hành QĐ 4075 “công nhận và giữ nguyên QĐ 1038 của chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, bác đơn khiếu nại của bà Tâm”. Không đồng ý với QĐ 1038 và QĐ 4075, bà Tâm đã khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án nhân dân tỉnh Long An yêu cầu hủy bỏ QĐ 1038 của chủ tịch huyện Vĩnh Hưng và QĐ 4075 của chủ tịch tỉnh Long An. Ngày 27/6/2018 tòa án tỉnh Long An đã thụ lý, tòa án đã có Quyết định ngày 18/10/2018 đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, người bị kiện là chủ tịch tỉnh Long An và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ tịch tỉnh vắng mặt lần thứ nhất nên tòa ra quyết định hoãn phiên tòa, mở lại vào 8 giờ sáng ngày 14/11/2018. Thật ra, theo người dân Long An cho biết họ nhìn thấy ông Thiện là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ tịch tỉnh đang đứng ngoài cửa phòng xử án, họ la lên thì ông Thiện bỏ chạy.

Trong khi chờ đợi mở lại phiên tòa vào ngày 14/11/2018 thì ngày 24/10/2018 chủ tịch huyện Vĩnh Hưng ban hành QĐ số 2956 hủy bỏ QĐ 1038 của chủ tịch huyện Vĩnh Hưng. Sau đó, ngày 08/11/2018 chủ tịch tỉnh Long An ban hành QĐ số 4131 hủy bỏ QĐ 4075 của chủ tịch tỉnh Long An. Vì có phát sinh tình tiết mới nên ngày 14/11/2018 tòa án tỉnh Long An lại hoãn và đưa vụ án ra xét xử vào ngày 29/11/2018.

Vì đây là vụ án hành chính liên quan tới nông dân đòi lại đất trước đây bị chính quyền cưỡng bức đưa vào TĐSX, sau đó họ bị trắng tay vì không còn đất sản xuất nên nông dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ rất quan tâm đến dự khán để theo dõi phiên tòa. Tuy chỉ là phiên tòa hành chính công khai, nhưng mỗi lần mở phiên tòa thì rất đông (khoảng 50-70) công an sắc phục, thường phục, áo vàng và dân phòng tới khủng bố tinh thần người dân, thậm chí an ninh tỉnh Bến Tre cũng theo bà con dân oan tới tòa án tỉnh Long An.

Đặc biệt, phiên tòa hôm qua (29/11/2018), hàng trăm công an sắc phục, thường phục, áo vàng và dân phòng được bố trí 2 ngã 4 đầu đường vào tòa án, trước cửa, trong sân và phòng chờ trong tòa án. Trong sân tòa án có 1 xe tải biển số xanh của công an (hình 1), ngoài ngã 4 có 1 xe tải của CSGT. Khi chúng tôi được mời vào phòng xử án, bà con dân oan cũng vào thì có khoảng 50-60 công an sắc phục, thường phục và dân phòng vào theo. Dù chỉ là phiên tòa hành chính công khai nhưng công an cùng thư ký tòa án bắt mọi người phải bỏ hết túi xách, bóp tay và chai nước uống ở ngoài không cho mang vào phòng xử án (nhưng giày dép vẫn mang vào được). Tôi thấy bất bình nói với một thiếu tá công an “phiên tòa xử mấy tiếng đồng hồ, nếu không cho mang chai nước vào khi khát nước lấy nước đâu mà uống, nếu không cho mang nước vào yêu cầu tòa án cấp cho mỗi người 1 chai nước để uống” nhưng không được chấp nhận.

Khi bắt đầu mở phiên tòa, phòng xử có 4 cửa thì công an, an ninh đứng dày đặc các cửa để theo dõi phiên tòa. Thậm chí tôi nghe bà con kể lại, còn có người mặc thường phục tóc đã hoa râm chỉ huy điều động lực lượng tới các cửa và sân phía trước phòng xử án.

Phiên xử vắng mặt người bị kiện là chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của 2 vị này với lý do có đơn xin vắng mặt. Sau khi làm thủ tục mở phiên tòa, thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ cho tôi xác định lại nội dung khởi kiện là yêu cầu tòa án hủy bỏ các quyết định trái pháp luật và công nhận gia đình bà Tâm được quyền sử dụng 9 ha đất nông nghiệp. Sau đó đến phần hỏi đáp, thẩm phán và kiểm sát viên hỏi tôi vài câu cho có thủ tục. Vì vắng mặt người bị kiện và người bảo vệ quyền lợi của họ nên tôi bị cắt không được hỏi, không được tranh luận. Sau đó thẩm phán công bố đơn xin phép vắng mặt của người bảo vệ quyền lợi của chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh. Theo đó, họ yêu cầu tòa chấp nhận 2 quyết định mới về việc hủy bỏ QĐ 1038 của chủ tịch huyện và QĐ 4075 của chủ tịch tỉnh rồi tuyên bố kết thúc tạm nghỉ chờ nghị án. Tôi phản đối không chấp nhận và yêu cầu cho tôi được trình bày luận cứ, các căn cứ pháp luật để chứng minh yêu cầu của tôi là có cơ sở theo quy định tại Luật tố tụng hành chính trước khi nghị án nhưng không được chấp nhận.

Khi tuyên án, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu của người bảo vệ quyền lợi của chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh; chấp nhận 2 quyết định mới của họ về việc hủy bỏ QĐ 1038 của chủ tịch huyện và QĐ 4075 của chủ tịch tỉnh; còn việc công nhận gia đình bà Tâm được quyền sử dụng 9 ha đất nông nghiệp thuộc thẩm quyền của ủy ban. Phiên tòa diễn ra vỏn vẹn khoảng 1 giờ đồng hồ.

Cuối cùng, mục đích của tôi là yêu cầu tòa án hủy bỏ QĐ 1038 của chủ tịch huyện và QĐ 4075 của chủ tịch tỉnh cũng đã đạt được. Tuy mục đích đã đạt được nhưng không như mong muốn của tôi, vì tôi muốn được tranh luận công khai để làm rõ nội dung vụ án, đưa ra các luận cứ và căn cứ pháp luật để bác bỏ những áp đặt sai trái của 2 QĐ, qua đó bà con nông dân dự khán có cơ hội mở mang kiến thức pháp luật và làm tiền lệ sau này. Trên cơ sở đó, tòa tuyên hủy bỏ QĐ 1038 của chủ tịch huyện Vĩnh Hưng và QĐ 4075 của chủ tịch tỉnh Long An một cách thuyết phục, chứ không phải để họ tự hủy bỏ QĐ của họ.

QĐ 1038 của chủ tịch huyện Vĩnh Hưng và QĐ 4075 của chủ tịch tỉnh Long An đã bị hủy bỏ, tới đây họ sẽ ra QĐ khác, Cuộc đấu tranh cho công bằng và công lý của chúng tôi sẽ lại tiếp tục, rất mong những người quan tâm tiếp tục theo dõi và ủng hộ chúng tôi.

Viết tại Sài Gòn ngày 30/11/2018.
Luật gia: Nguyễn Mạnh Hùng.









Không có nhận xét nào

Quảng Cáo