BRI LẦN 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc và tham dự diễn đàn “Một Vành Đai-Một Con Đường” (BRF lần 2) do nước...
BRI LẦN 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc và tham dự diễn đàn “Một Vành Đai-Một Con Đường” (BRF lần 2) do nước chủ trì là Trung Quốc tổ chức.
Về mặt công khai, tôi đánh giá tốt những quan điểm mà thủ tướng đưa ra tại lần này. Vẫn thể hiện nhu cầu hợp tác kinh tế giữa hai nước (vì cần phải hợp tác) vừa thể hiện sự thận trọng và đòi hỏi cao hơn về các mặt khác ngoài kinh tế như an ninh, quốc phòng, môi trường (vì cần phải đấu tranh)... Tiếp tục giữ lập trường mà ông Trần Đại Quang đã phát biểu trước đây tại BRI lần 1 năm 2017.
Về ngoại giao, việc Bộ Ngoại Giao Việt Nam công bố chính thức là Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “đang bệnh” trong ngày thủ tướng xuất phát đi Trung Quốc là một sự tế nhị cần thiết. Thông báo đó tuy không nói là muốn Trung Quốc nghe nhưng cũng hàm ý muốn Trung Quốc lắng nghe.
Bài phát biểu chung của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại BRI lần 2 đã cho thấy Tập Cận Bình không còn vững vàng và tự tin về “sự thành công tất yếu” của BRI như bài phát biểu tại lần 1. Những thay đổi quan trọng là từ việc vẽ ra những hào nhoáng của chiến lược để mê hoặc các nước trong lần 1, nay Trung Quốc đã phải phòng thủ hơn. Tập trung vào việc xoá tan các nghi ngại, lo lắng từ các nước tham gia dự án.
Bài phát biểu lần này không đề cập đến việc gia tăng vốn đầu tư cho BRI cũng cho thấy Trung Quốc đang đuối sức về tài chính. Điều này cho thấy Trade War mà Trump mở ra đã có hiệu quả, ép được BRI của Tập phải quay lại củng cố và phòng thủ, điều chỉnh chính sách cho bớt bá quyền lại... mà chưa thể phát triển lớn hơn. Điều này làm các nước tham gia BRI cũng sẽ có lợi nếu biết tranh thủ khéo léo.
Mỹ từ chối tham dự BRI nhưng Trung Quốc vẫn không quên Mỹ là tham số quan trọng ảnh hưởng đến tính chiến lược của đại dự án. Mặc dù Tập không đề cập trực tiếp đến Trade War nhưng vẫn nói những điều có liên quan. Cái quan trọng nhất là Tập thể hiện cho dư luận thấy Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ Mỹ nhiều hơn để kết thúc Trade War.
Trước mặt 40 quốc gia tham dự đối thoại, Tập muốn thể hiện ra là Trung Quốc sẵn sàng nhường bước nhưng nếu Trade War tiếp tục thì là lỗi ở phía Trump. Tập đang cố giành lại ngọn cờ chính nghĩa cho Trung Quốc trước cái nhìn của quốc tế. Nghĩa là sắp tới đây nếu kinh tế thế giới căng thẳng vì Trade War tiếp tục kéo dài hơn thì lỗi là do Mỹ-Trump nhiều hơn là Trung Quốc-Tập.
Việc giành ngọn cờ chính nghĩa về đối ngoại là của hai quốc gia. Còn bản thân Tập và Trump cũng cần giành ngọn cờ chính nghĩa về cho cá nhân mình trong đối nội khi kỳ bầu cử cho chu kỳ chính trị tiếp theo đang tới gần. Một bộ phận bên trong Mỹ và Trung Quốc đang phản đối việc hai nước gia tăng mâu thuẫn.
Nếu Tập hay Trump thành công trong việc đổ lỗi cho ông phía bên kia thì dễ thuyết phục nội bộ của riêng mình hơn cho các bước đi chính trị cá nhân về sau. Trong lúc Tập cố giựt ngọn cờ chính nghĩa của Trump qua bài phát biểu thì Trump cũng không ngồi yên.
Cơ quan Tình báo Đối ngoại CIA thì công bố ra báo cáo buộc tội Huawei là tập đoàn gián điệp, còn Cơ quan Điều tra Liên bang FBI thì đưa ra cáo buộc TQ ăn cắp các bí mật công nghệ và thương mại của Mỹ thông qua các dịch vụ tình báo, các công ty nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, các nhà nghiên cứu và sinh viên tốt nghiệp. Coi bộ cứ Tập muốn lùi thì Trump lại tiến. Thành ra cuộc hẹn hò mơ hồ giữa Trump-Tập tháng 6 tới đây tại Mỹ sẽ còn rất xa xôi.
Chưa kể việc để thu hút chắc chắn hơn các đồng minh nhỏ nhằm làm giảm ảnh hưởng của BRI, Mỹ đã lập ra IDFC (International Development Finance Corporation) để cung cấp tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án về hạ tầng cơ sở trong khu vực. Trong cuộc đấu nhau của hai ông lớn qua BRI và IDFC này, Việt Nam cần tranh thủ để tận dụng nguồn vốn hai bên.
Lấy tiền từ Trung Quốc thì dễ nhưng không an toàn, lấy từ Mỹ thì khó nhưng an toàn hơn về an ninh quốc gia. Mấu chốt nằm ở việc đảng CSVN quân bình và cân bằng đường lối được đến đâu. Việt Nam đang là đối tác chiến lược với Trung Quốc, do đó chỉ có là đối tác chiến lược với Mỹ thì mới đủ để đặt nền móng cho sự cân bằng thực chất và hiệu quả.
Tất cả những điều đó sẽ được sáng tỏ hơn trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới đây.
H.M
Không có nhận xét nào