Dịch chơi bài viết xoay quanh sử kiện công nữ Ngọc Vạn của thầy Michael Vickery #dich_thuat_Michael_Vickery Phần 1 - thầy Michael Vickery đã...
Dịch chơi bài viết xoay quanh sử kiện công nữ Ngọc Vạn của thầy Michael Vickery
#dich_thuat_Michael_Vickery
Phần 1 - thầy Michael Vickery đã phản biện như thế nào về cuộc hôn nhân năm 1620 của công nữ Ngọc Vạn ?
Có lẽ xưa nay các bạn đã đọc quá nhiều các bài viết của những học giả Việt Nam về công nữ Ngọc Vạn. Tối nay mình xin mời bạn đọc phần 1 dịch thuật của bài viết phản biện năm 2011 rất hay của thầy Michael Vickery, một học giả về sử Cao Miên nổi tiếng thế giới.
Bạn có thể đọc bài viết gốc Anh ngữ tại đây >> http://michaelvickery.org/vickery2011cautionary.pdf.
****
1620 - Một câu chuyện (cần được) cảnh giác
....
Thần thoại lịch sử Cao Miên, được tiếp nối bởi các nhà sử gia cận đại, đã cho rằng (có) một vị vua Cao Miên yếu đuối bắt đầu cho đi đất đai Cao Miên ở vùng đất nam Saigon ngày nay (tiếng Pháp gọi là 'Basse Cochinchine', Khmer 'Kampuchea Krom'), để đổi lấy một nàng công chúa người Việt, không hẳn chỉ vì dục vọng, mà còn là để có được sự giúp đỡ của người Việt chống lại nhóm người đe dọa Thái Ayutthaya. Các Biên Niên Sử khác nhau đã viết khác nhau chút về ngày tháng hôn nhân này, nhưng năm 1620 đã được quy ước là năm được chọn.
Có lẽ (công trình) nghiên cứu học thuật hiện đại đầu tiên (về cuộc hôn nhân năm 1620 này) là từ Aymonier, người đã tóm tắt (câu chuyện) thần thoại, dựa trên sự tổng hợp các biên niên sử Cao Miên của Moura. Sự lẫn lộn (về câu chuyện thần thoại này) là rõ ràng trong các nghiên cứu đầy mâu thuẫn trong một tác phẩm đơn nhất, Les frontieres du Vietnam, ở trang 125, trong chương Nam Tiến, Nguyễn Thế Anh đã viết rằng bước can thiệp đầu tiên của người Việt vào các vấn đề Cao Miên là khi vua Nguyễn Phước Nguyên [Brian chú: Chúa Sãi] đã gả con gái của ông tên Nguyễn Ngọc Vạn cho vua Cao Miên tên Jay Jetta (hoặc Chey Chetta), người muốn có sự giúp đỡ chống lại các mối đe dọa từ Ayutthaya; nhưng Mak Phoeun, trong quyển “La frontiere entre le Cambodge et le Vietnam...”, trang 136-6, đã bỏ qua năm 1620, (vì ông cho rằng) không có biên giới chung giữa Cao Miên và Việt Nam, và Cao Miên vào năm 1622 và năm 1623, đã đẩy lùi các cuộc tấn công của người Xiêm La, rõ ràng là không cần đến sự giúp đỡ của người Việt, và rằng năm 1623, vua Việt (Nam) là Nguyễn Sãi Vương, một tên khác của Nguyễn Phước Nguyên, đã yêu cầu (triều đình Chân Lạp) tạm thời nhượng lại hai đồn thuế (custom posts) Saigon và Kampong Krabei.
(Chúng ta) không rõ tại sao Nguyễn Thế Anh lại quyết định chọn tên Ngọc Vạn là (tên của) người con gái gả cho Cao Miên. Nguồn mà ông đưa ra là từ quyển Việt Sử Xứ Đàng Trong, do Phan Khoang chấp bút. Tuy nhiên, Phan Khoang viết về câu chuyện (hôn nhân) năm 1620 (có một) vị vua Việt (Nam) đã gả một người con gái cho vua Cao Miên, nhưng trong phần chú thích ông đã viết là điều này (tức cuộc hôn nhân năm 1620) đã không được chép lại trong sử Việt, có lẽ là vì những nhà chép biên niên sử Việt (the Viet chroniclers) đã không xem điều này là xứng đáng (để chép vào sử), và Phan Khoang đã lồng điều này (cuộc hôn nhân 1620) vào (quyển Việt Sử Xứ Đàng Trong) dựa vào những nghiên cứu của người Pháp về biên niên sử Cao Miên, là những quyển sử, mà đương nhiên, (có) các câu chuyện thần thoại Cao Miên khác nhau về thời này được / bị lẫn trộn. Ông (Phan Khoang) viết rằng Christopher Borri, người đang ở Việt Nam vào thời gian 1620s, đã biết về cuộc hôn nhân này, và theo bộ Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (LTTB), (là bộ sử về) tiểu sử các nhân vật vương triều Nguyễn, vị vua Việt có 4 người con gái, nhưng 2 cô con gái là Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, không có tiểu sử (được chép lại trong bộ LTTB này) và họ có thể không có chồng. Do đó có lẽ một trong 2 người con gái này đã được gả cho người Cao Miên.
Trước đó, Thái Văn Kiểm, trong quyển "La plaine aux cerfs et la Princesse de jade", trang 385-89, cũng đã xác định 2 cô con gái vô danh khác của Nguyễn Sãi Vương, với tên gọi là Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, là các nàng công chúa đã được nêu lên trong truyền thuyết Cao Miên và Chăm lần lượt được gả cho Jăi Jetthā và Po Romé. Tuy nhiên, trong công trình nghiên cứu biên niên sử Cao Miên về thời gian này, Mak Phoeun đã chú ý đến cuộc hôn nhân hoàng gia, nhưng không là năm 1620. Tại trang 120-121, dựa vào vài đoạn văn biên niên sử, ông đã viết rằng vào năm 1617, vị vua Khmer là Suroyopear, do lo lắng về sự gây hấn của Ayutthaya, đã quyết định thiết lập một liên minh cùng Việt Nam, và yêu cầu việc hôn nhân giữa con trai ông là hoàng tử Jăi Jetthā / Chey Chetta và người con gái của vua Việt Nam, tên là Ang Cūv [phát âm /chov/]. Cô (Ang Cūv) đã đến (Cao Miên) vào năm 1618, và trở thành hoàng hậu chính (chief queen) của Chey Chetta. Trong phiên bản này (của Mak Phoeun), năm 1620 không có ý nghĩa đặc biệt.
Trong quyển Lịch sử Campuchia (History of Cambodia) của David Chandler, tại các đoạn liên quan đến thế kỷ 17, là những đoạn tồi tệ nhất trong tác phẩm chung chung này (this generally slap-dash piece of work), cuộc hôn nhân (năm 1620) hoàn toàn không được đề cập đến, nhưng Chandler (lại) noi theo (và viết về) câu chuyện hoang đường "Nam tiến" đoạt Saigon và thiết lập các viên thuế quan (custom agents) tại Saigon vào những năm 1620s (xem trang 94).
Cả Mabbett và Chandler đều đã tránh vấn đề bằng cách bỏ qua giai đoạn (lịch sử nằm giữa) thời cuối Angkor cho đến các thời cận đại (cùng) với việc mô tả không chuẩn xác về một triều đình Cao Miên dưới sự thống trị của người Thái vào cuối thế kỷ 16, và "một gian đoạn bá chủ của người Thái ... đã kéo dài ... cho đến tận khi người Pháp đến (Cao Miên).".
Sự cẩu thả của Chandler và Mabbett là không chấp nhận được. Sự cẩu thả này không thể nào lại được biện hộ, như Chandler muốn làm, rằng là do từ việc thiếu nguồn (tài liệu / sử liệu). Như quyển Histoire của Mak Phoeun đã chứng minh, thế kỷ 17 là giai đoạn được ghi chép tốt nhất giữa đỉnh cao của (thời) Angkor vào thế kỷ 12 và sự xuất hiện (the arrival) của nhóm người thực dân Âu Châu vào thế kỷ 19.
Người ta có ấn tượng rằng các yếu tố của câu chuyện hôn nhân đã được truyền qua nhiều tác phẩm khác nhau, như việc Phan Khoang đã sử dụng cách diễn giải của người Pháp về Biên Niên Sử Cao Miên để điền vào một trang lịch sử Việt Nam mà ông tìm thấy có quá ít tài liệu tiếng Việt (để viết về điều này). Bản thân các Biên Niên Sử Cao Miên, được viết vào các thời gian khác nhau, và viết dưới những định kiến chính trị đương thời khác nhau, phản ánh những tư tưởng của người Cao Miên về các mối quan hệ trong quá khứ với Việt Nam. Do vậy, một biên niên sử nói rằng người Việt đã bắt đầu lấn chiếm đất vào thời điểm ấy, một biên niên sử khác (thì lại) nói rằng người Việt đã đòi hỏi việc cho sử dụng tạm thời các trạm thuế (custom posts), và một biên niên sử khác, ít đáng tin nhất, đã viết là người Việt đã yêu cầu quyền sử dụng đất đai Cao Miên để huấn luyện quân Việt để chống lại người Trung Quốc, (điều này) cho thấy quan niệm sai lầm về bản chất sự thù hận Trịnh (Bắc) - Nguyễn (Trung / Nam) và chiến tranh vào thế kỷ 17.
Những tác giả bất cẩn hiện đại có xu hướng hỗn hợp hóa tất cả mọi thứ (và điều này cũng là cách làm của những nhà chép biên niên sử Cao Miên và Thái khi họ phải đối diện với các nguồn tài liệu dường như mâu thuẫn nhau). Chẳng hạn như Chandler, viết rằng cuộc Nam Tiến của người Việt đã đưa người Việt thực dân [Brian chú: colonists cần dịch là người thực dân, nhưng các học giả Việt hay dịch là dân di cư] đến đồng bằng sông Cửu Long vào những năm 1620s, và hiệu ứng đầu tiên là việc người Việt chiếm lấy Saigon ... (bằng cách) trước tiên là có những vị thuế quan vào những năm 1620s". Tuy nhiên, ông ta đã không lặp lại nguồn tin vịt về lãnh thổ Cao Miên được dùng để quân Việt chuẩn bị cho chiến tranh ở phía Bắc. Nhưng ông ta lại, kết hợp hai câu chuyện hoang đường mang đầy tính ái quốc sau này, một của người Việt, và một của người Cao Miên. (Đó là) sau khi đã viết về những người Việt thực dân tại đồng bằng sông Cửu Long những năm 1620s, ông ta nói rằng "vùng này thưa thớt dân cư ngụ" (the area was lightly populated), và đây chính là quan điểm chủ nghĩa sô vanh của người Việt về sự chiếm đóng vùng đất trống trải không nằm dưới sự cai trị của người Cao Miên; nhưng sự cai trị của nhà Nguyễn ..."cuối cùng đã trục xuất ... cả chục ngàn người gốc Khmer từ khu vực thuộc phạm vi quyền hạn của người Cao Miên", và câu sau này chính là cách diển giải (ngược lại) của người Cao Miên ái quốc.
Tất nhiên, Chandler có thể không có dụng ý (nêu lên) tại đây những gì ông ta dường như đã nói. Trong các đoạn văn này, ý nghĩa của "phía Nam" không phải lúc nào cũng rõ ràng. Khi ông viết về năm 1626, sau khi những người Việt thực dân đã xâm chiếm vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhà Nguyễn đã chia tay với triều địa Lê Trịnh ở phía Bắc, và "bắt đầu tự mình cai quản Đàng Nam", và "Đàng Nam" (Southern Region) nên được hiểu (trong ý nghĩa này), không phải là vùng đồng bằng sông Cửu Long của Cao Miên, mà là vùng miền trung Việt Nam ngày nay, và (vùng miền trung Việt Nam này) vẫn còn đang bị tách rời khỏi đồng bằng sông Cửu Long và Cao Miên bởi một quốc gia Chiêm Thành đang tồn tại. Có lẽ đấy (vùng miền trung Việt Nam ngày nay) là vùng mà Chanler đã đề cập đến là "thưa thớt dân cư ngụ" (lightly populated), nhưng nếu là vậy, thì hóa ra nhận xét này lại hoàn toàn không liên quan gì đến các phần còn lại trong nội dung sách của Chandler. Và (nếu đúng là vùng này là vùng miền trung Việt Nam ngày nay chứ không là vùng đồng bằng sông Cửu Long), thì làm sao mà có thể có việc "tác dụng (của việc này) là sự khóa lại vùng biên giới miền Đông Nam của Cao Miên" (như Chandler đã viết trong sách) ? Biên giới với ai - Chăm, Nguyễn Việt Nam, biển cả ?
Và một điểm khác nữa, mặc dù Chandler khi viết (về điều này) có thể là vô hại trong tác phẩm mới nhất của ông, đó là Cao Miên không "bị cắt đứt khỏi sự tiếp cận hàng hải với thế giới bên ngoài" (cut off from maritime access to the outside world). Như Yoneo Ishii đã chứng minh, trong phần lớn thế kỷ 17, Cao Miên đã được người Nhật xem là một cường quốc thương mại hàng hải hơn là Ayutthaya. Đặc biệt là, trong triều đại của vua đạo Hồi Cao Miên, từ năm 1642 đến năm 1659, "Cao Miên đã vượt qua Xiêm La một lần nữa trong việc gửi các thuyền buồm (thương mại) đến Nagasaki ... Cao Miên đã làm như thế một lần nữa vào những năm 1690s" khi mà, theo Chanlder và những trường phái Cao Miên chống Việt Nam, "Cao Miên đã bị cắt đứt khỏi sự tiếp cận hàng hải với thế giới bên ngoài", một sự cô lập "độc nhất trong khu vực Đông Nam Á thời tiền thực địa (bởi người Âu Châu)". Như Ishii viết, Cao Miên là giải pháp thay thế Xiêm La trong việc cung cấp gỗ vang (sappanwood) và da hươu nai, là hai món hàng được đòi hỏi cao tại thị trường Nhật Bổn". Do đó, [Brian chú: với các tài liệu đã viết Cao Miên là một thị trường cung cấp các món hàng được đòi hỏi cao tại thị trường Nhật Bổn, và Hội An của nhà Nguyễn là nơi các thương thuyền Nhật Bổn thường lui tới), thì việc Cao Miên bị cô lập là xa vời (không diễn ra), việc giao thiệp với nhà Nguyễn vào giữa và cuối thế kỷ 17 là một cái lợi về thương mại cho Cao Miên - "có thể là phương tiện để duy trì vị trí tương đối cao của các bến cảng Cao Miên giữa những bến cảng tại Đông Nam Á". Do vậy, chúng ta thấy những sự lẫn lộn của các học thuyết cận đại về những sự kiện diễn ra trong thời gian 1620s [Brian chú: tức là ý thầy Michael Vickery viết về Cao Miên có ưu thế về thương mại và về sức mạnh quân sự như vậy, thì việc các tác giả hiện đại cho rằng năm 1620 Cao Miên bị yếu rồi có cả việc người Việt tự nhiên đến ở Sài Gòn vào những năm 1620s là hầu như không hợp lý]. Như vậy, (với các tác giả cận đại tuyên truyền về những gì liên quan đến giai đoạn những năm 1620s), những bằng chứng sự thật cơ bản của họ đâu ? [Brian chú: và xin mời các học giả Việt Nam xưa nay rất thích tuyên truyền về thuyết Cao Miên thế kỷ XVII yếu ớt như thế nào, có bà công nữ Ngọc Vạn được gả vì lý do vua Cao Miên cần Việt Nam giúp đỡ quân sự, rồi người Việt vào Sài Gòn những năm 1620s khi vua Cao Miên đã cho mượn Sài Gòn Bến Nghé ra sao, xin cứ tự nhiên đọc và phản luận - với các bằng chứng lịch sử, chứ không là "truyền thuyết dân gian" của những người già không hiểu một chữ Hán, một chữ Nôm, một tiếng Anh, và một tiếng Pháp, nhưng rất thích tuyên truyền các "truyền thuyết dân gian" trong sử Việt].
****
Đây là hết phần 1 dịch thuật, còn tiếp phần 2 dịch thuật nữa.
Nếu bạn thấy mình dịch sai chỗ nào, xin lên tiếng luôn.
Nếu bạn thấy có phần nào hơi khó hiểu, tag tên mình hỏi luôn. Mình yêu thích học hỏi về sử và không chơi với vụ "truyền thuyết dân gian" khá là phản khoa học của các học giả Việt Nam xưa lẫn nay.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào