Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TỘI ÁC VẪN MANG KHUÔN MẶT CŨ

TỘI ÁC VẪN MANG KHUÔN MẶT CŨ “Chúng nó ác quá”- bà má nghe chuyện Đồng Tâm thở dài. Tôi biết bà nhớ lại những ký ức hãi hùng thời chiến tran...

TỘI ÁC VẪN MANG KHUÔN MẶT CŨ

“Chúng nó ác quá”- bà má nghe chuyện Đồng Tâm thở dài. Tôi biết bà nhớ lại những ký ức hãi hùng thời chiến tranh, cái thời “ngày Quốc gia đêm Việt cộng”, khi đêm đêm du kích, quân giải phóng kéo về, bắn súng ầm ầm và hô xung phong : “Lính hàng thì tha, cán bộ thì chặt đầu” (cán bộ xây dựng nông thôn).

Rồi những câu chuyện của bà ngoại in hằn vào trí não tôi thời còn bé về Việt Minh “răng đen mã tấu” giết người như ngóe, về cải cách ruộng đất rùng rợn làm tôi mất ngủ nhiều đêm vì ác mộng. Sao họ lại ác vậy ? 

Nhân chi sơ tính bản thiện hay nhân chi sơ tính bản ác ? Tôi thì cho rằng con người sinh ra đã mang cả mầm thiện và mầm ác, nuôi cho cái nào lớn hơn, mạnh hơn phần nhiều do giáo dục; tự giáo dục bởi bản thân, giáo dục từ trong gia đình, nhà trường, xã hội , mà hệ thống chính trị đóng vai trò quan trọng. 

Luật pháp ra đời như một khế ước của xã hội dựa trên quan niệm Thiện- Ác, dùng nó để kiềm chế cái Ác, nhưng nhiều khi nó lại là điều kiện cho cái Ác phát triển. Con người lấy tư cách gì khi cho mình cái quyền tước đoạt mạng sống người khác ? Câu hỏi siêu hình đó từng ám ảnh nhân loại và lịch sử đã có những bi kịch của sự nhân danh điều Thiện để làm điều Ác. Luật pháp cũng dần tiến tới bỏ những điều khoản quá khắc nghiệt, người ta khó mà tin rằng cho đến tận thế kỷ 17, nước Anh mới bỏ hình phạt mổ bụng sống tử tù, dân Paris chủ nhật hàng tuần vẫn lũ lượt kéo đến quảng trường trung tâm xem treo cổ và chặt đầu như bây giờ người ta kéo đến sân vận động xem bóng đá. 

Nhưng ở đâu đó trên thế giới này vẫn còn rơi rớt những điều man rợ như những kẻ khủng bố cực đoan ISIS, lấy chặt đầu người làm vũ khí để reo rắc sợ hãi làm người ta ghê tởm và căm thù, chúng đã bị tiêu diệt một cách xứng đáng. Những tên đao phủ như Soleimani phải bị loại ra khỏi đời sống, đó là công lý.

Nhìn tấm ảnh xác của cụ Lê Đình Kình được “bàn giao” cho gia đình, tôi bỗng nhớ đến những cái chết trong gia đình mình, những cái chết của những người bị gọi là “phản loạn”, bây giờ gọi là “phản động”. 

Cụ ngũ đại của tôi, đang yên lành làm quan trong triều đình Huế tự nhiên lại cùng ông Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi lên rừng làm cuộc Cần Vương, cuộc “phản loạn” thất bại, con trai bị bắt, học trò yêu bị giết. Cụ về quê, thuê một chiếc thuyền, bơi ra giữa sông, uống rượu ngâm thơ, 3 ngày sau dân làng bơi ra xem thì cụ đã chết. Dù sao đó cũng là một cái chết đẹp, dân làng đến giờ còn nhắc.

 Ông nội tôi, cháu nội cụ thì lại đi lính cho Pháp, đóng đến chức Đội.  Nhưng rồi cái máu “phản loạn” di truyền vẫn thế, ông cùng bạn bè như Đội Cấn tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, ông thoát lên đoạn đầu đài với các đồng chí của mình vì trước mấy tháng khởi nghĩa Yên Bái thì bị điều sang Pháp. Sau vài năm, chán cảnh cá chậu chim lồng, lại tham gia “binh biến” rồi ra khỏi lính về Việt Nam, ông tham gia Đại Việt tìm cách chống Pháp. Những năm 45, 46 ông thoát chết, không bị chặt đầu, bỏ rọ trôi sông bởi Việt Minh như các bạn mình do chủ trương của ông Hồ và ông Giáp nhưng rồi cũng chết. Nghe theo lời kêu gọi của ông Hồ đoàn kết các đảng phái để chống Pháp, ông nội tôi tham gia vào Liên Việt, sau một buổi họp Liên Việt liên khu do Việt Minh tổ chức, ông nội tôi đi họp về, cứ thế nằm đi ngoài không cầm được sau 3 ngày thì chết. Cái chết của ông tôi không còn đẹp mà đã là mờ ám, kỷ niệm về ông chẳng có gì, chú út tôi kể : “Đám ma của ông đông lắm, cả phủ đi đưa, 4 làng để tang” hay một lần, đi qua cái thị trấn xinh đẹp ven sông Cầu của tỉnh Bắc Ninh (cách Hà nội hơn 30km) mẹ tôi bảo : “Ngày xưa ông nội con đóng đồn ở đây”. Chỉ có vậy.

Bà nội tôi chết, chết vì tự sát, bà không chịu nổi những lời lẽ cay nghiệt, điêu toa của những kẻ mà trước đó bà nuôi dưỡng nay quay lại “đấu tố” mình. Cái chết của bà không mờ ám, mà đã là cái chết uất ức. Mấy chục năm sau khi cha tôi đã mất, ông chú mới kể : “ Bố mày về nhà, câu đầu tiên hỏi :’Mẹ đâu?’, chú khóc chỉ lên bàn thờ. Bố mày mắt vằn đỏ, bỏ vào trong buồng nằm, 7 ngày không đi đâu, đến ngày thứ 8 vùng dậy, lôi trong ba-lô ra cái áo len và cái áo bông mua về cho mẹ, chặt nhỏ rồi châm lửa đốt. Đi luôn từ ngày đó không về”.

Tôi lại tưởng tượng cái đêm cụ Kình bị giết, chắc cụ đã biết số phận của mình khi nghe tiếng dân làng hô : “Chúng nó đánh rồi”. Cụ làm gì ? Hoảng sợ hay thản nhiên chờ đợi? Khó mà biết, nhưng tôi chắc rằng cụ đã chuẩn bị : “Người mất trước, đất mất sau”.

Tôi cũng không muốn bàn chuyện ai sai ai đúng vì lại phải trưng ra những bằng chứng, mà bằng chứng của đảng thì như ông nghị Dương Trung Quốc khi nói về vụ Đồng Tâm : “Là một nhà sử học tôi thấy cái gót chân Asin của đảng là: không bao giờ đưa ra những bằng chứng lịch sử”. Tôi không đánh giá cao ông Nghị này, thông cảm, để cho ông thỉnh thoảng được hưởng cái nỗi thống khoái của “người đọc sách” khi được nói thẳng vào mặt kẻ cường quyền dù thế cũng không xóa nổi bao nhiêu cái nhục nhã khi phải quỳ gối, uốn lưỡi xu nịnh.

Tôi khóc cụ Kình nhưng không khóc cho 3 người công an đã chết (mờ ám), đó là thái độ của tôi. Vả lại, họ đâu cần giọt nước mắt “thương vay khóc mướn” của tôi, đảng và nhà nước đã làm điều ấy, tặng huân chương, tổ chức tang lễ cấp nhà nước, phát động phong trào học tập vv…và ngay cả người thân của họ cũng tự hào vì họ đã “hy sinh vì dân vì nước” cơ mà.

Nhìn ảnh xác cụ Kình, tôi cũng nhớ đến Cù Huy Hà Vũ, có lần hắn kể : “Đăng, biết tôi nói gì với bọn hỏi cung không ? Tôi bảo, nếu chúng mày giết tao thì rồi sẽ có người trả thù. Chúng mày biết nhân dân trả thù thế nào không ? Họ sẽ chặt đầu chúng mày, mổ bụng chúng mày, lôi ruột chúng mày vắt lên cành cây cho quạ rỉa”. Lúc đó tôi chỉ cười “ Khiếp, Vũ nói gì mà ghê thế”.

Nhìn ảnh xác cụ Kình, tôi ước giá có một ông Trump nào đó, ra lệnh bắn một quả tên lửa Ninja, phanh xác kẻ chủ mưu giết cụ Kình làm 6 mảnh, lúc đó tôi sẽ cười.

Hôm rồi, tôi phải ký một bản cam đoan không được viết bài để lật đổ chế độ, vừa ký tôi vừa ao ước : Giá chỉ viết bài thôi mà lật đổ được chế độ thì giá nào tôi cũng chịu trả.

Ngô Nhật Đăng



Không có nhận xét nào

Quảng Cáo