Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

DỊCH VŨ HÁN CÓ THỂ LỚN HƠN NHỮNG GÌ CÔNG BỐ?

Dịch Vũ Hán có thể lớn hơn những gì công bố? Hiện nay, công chúng và giới khoa học nghi ngờ độ chính xác của số ca bị nhiễm virus coro...

Dịch Vũ Hán có thể lớn hơn những gì công bố?
Hiện nay, công chúng và giới khoa học nghi ngờ độ chính xác của số ca bị nhiễm virus corona mới (2019-nCoV) của nhà cầm quyền Tàu báo cáo. Trong thực tế, qui mô dịch Vũ Hán có thể lớn hơn nhiều những gì họ thông báo. Và, có vài phân tích khoa học cho thấy những con số nhà cầm quyền Tàu báo chỉ là bề nổi của một ‘đại dịch’.
1. Con số báo cáo
Liên quan đến dịch Vũ Hán, hiện nay tồn tại một nghịch lí: con số ca bị nhiễm ngay từ những ngày đầu thì không hẳn là quá cao, nhưng nhà cầm quyền cho xây dựng bệnh viện dã chiến. Không chỉ xây dựng bệnh viện dã chiến, họ còn có những biện pháp mạnh khác như phong toả thành phố, hạn chế đi lại, thậm chỉ kiểm dịch cả thành phố. Đồng thời, nhà cầm quyền Tàu còn trấn áp bất cứ bác sĩ nào nói con số ca bệnh cao hơn những gì nhà cầm quyền công bố. Những hành động đó làm cho công chúng nghi ngờ rằng qui mô dịch Vũ Hán lớn hơn là những gì được công bố.
Tính đến nay, con số ca bị nhiễm 2019-nCoV đã cao hơn số ca bị nhiễm trong trận dịch SARS của 17 năm trước. Tính đến ngày 5/2/2020, số ca bị nhiễm được báo cáo là 24,632 người; trong số đó có 494 ca tử vong và 1029 ca hồi phục [1]. Tuyệt đại đa số (99%) số ca báo cáo được ghi nhận ở bên Tàu. Cần nhấn mạnh rằng con số trên là do nhà cầm quyền Tàu báo cáo.
Tuy con số nhiễm 2019-nCoV (~25000) đã vượt qua trận dịch SARS (khoảng 8000 người), nhưng công chúng thì nghi ngờ rằng con số này còn … quá thấp. Công chúng nghi ngờ cũng có lí do, vì cách đây vài ngày, có tin chánh thức từ Tàu cho biết nhà cầm quyền Tàu đã cố tình giấu diếm tình hình dịch bệnh.
Nhưng sự nghi ngờ của công chúng có hợp lí không? Nhìn dưới góc độ khoa học (trong trường hợp này là dịch tễ học) thì nghi ngờ đó hoàn toàn có cơ sở. Trong cái note này tôi sẽ ‘đọc báo dùm bạn’ và giải thích tại sao qui mô dịch Vũ Hán có thể lớn hơn những gì chúng ta được cung cấp.
Biểu đồ 1: So sánh số ca báo cáo màu tím và số ca dự báo bằng mô hình dịch te64 học IDEA (màu xanh). Nguồn: Majumder MS, Mandl KD. Early transmissibility assessment of a novel coronavirus in Wuhan, China. Working paper.

2. Lí do thiếu báo cáo
Lí do số 1 có liên quan đến mức độ nặng nhẹ của dịch Vũ Hán. Trong dịch SARS năm 2003, đa số bệnh nhân bị nhiễm là tương đối nặng và họ phải nhập viện, do đó con số báo cáo từ bệnh viện là tương đối chính xác. Nhưng lần này, dịch Vũ Hán, những người bị nhiễm đa số là tương đối nhẹ, hiểu theo nghĩa không có triệu chứng, hay có triệu chứng và họ hồi phục mà không cần nhập viện. Con số nhà cầm quyền báo cáo là số ca nặng hay tương đối nặng được nhập viện. Còn số chưa hay không nhập viện thì không thể nào tính chính xác được. Nhưng nếu tính cả số ca nhập viện và không nhập viện thì con số bị nhiễm trong thực tế có thể cao hơn nhiều so với số báo cáo. Nhiều bao nhiêu là vấn đề của ... khoa học.
Câu hỏi kế tiếp là có bằng chứng nào để cho thấy nhà cầm quyền Tàu có thể đã báo cáo thấp hơn thực tế. Để trả lời câu hỏi này thì chúng ta cần phải điểm qua khái niệm căn bản về dịch tễ học. Trong dịch tễ học, có 2 tham số quan trọng để tiên lượng qui mô của một trận dịch bệnh: chỉ số tái sinh hay R0 (mà tôi đã có dịp giải thích hôm trước [2]), và chỉ số phản ảnh hiệu quả của can thiệp.
Tham số thứ nhứt là R0, có ảnh hưởng lớn đến sự lan tỏa của dịch. Chỉ số R0 phản ảnh số người mà một người bị nhiễm có thể lây lan. Hiện nay, WHO ước tính R0 dao động trong khoảng 1.4 đến 2.5. Nói cách khác, tính trung bình, 10 người bị nhiễm 2019-nCoV có thể lây lan cho 14 đến 25 người khác chung quanh. Và, cứ mỗi 10 người mới bị lây nhiễm sẽ lây nhiễm cho 14 đến 25 người khác. Nhìn như thế, chúng ta sẽ thấy số ca bệnh sẽ tăng theo cấp số nhân với thời gian. Do đó, mô hình tiên đoán có tên là ‘Incidence Decay and Exponential Adjustment’ (hay IDEA).
Tham số thứ hai là d, viết tắt chữ ‘discount factor’, tức là hiệu quả của can thiệp. Trước một trận dịch, nhà chức trách phải có biện pháp giảm qui mô dịch bệnh. Biện pháp có thể là kiểm dịch toàn bộ dân số (như Vũ Hán đang làm), hạn chế đi lại xuyên quốc gia hay xuyên bang, biện pháp y tế công cộng, v.v. Hiệu quả của các biện pháp đó có thể phản ảnh qua tham số d.
(Còn một tham số khác nữa là t hay transmissibility, có nghĩa là phần trăm thành viên gia đình mà một bệnh nhân lây truyền. Nhưng tham số này không quan trọng bằng R0 và d.)
3. Bằng chứng khoa học
Với 2 tham số trên, các nhà nghiên cứu có thể tiên đoán được số ca bị nhiễm virus theo thời gian trong một trận dịch. Một nhà dịch tễ học thuộc Đại học Harvard đã dự vào 2 tham số đó và ước tính số ca nhiễm từ ngày 1/12/ đến 26/1/2020 (xem biểu đồ 1).
Kết quả so sánh với số ca báo cáo cho thấy từ ngày 4/1/2020 đến 24/1/2020, số ca báo cáo thấp hơn số ca tiên lượng bằng mô hình IDEA [3]. Dĩ nhiên, chúng ta không thể dựa vào kết quả này để nói rằng nhà cầm quyền Tàu đã không thành thật báo cáo, vì kết quả tiên lượng chỉ dựa vào 2 tham số của một mô hình thống kê thuần túy.
Trước nhóm Harvard, một nhóm nghiên cứu (mà tôi có quen biết) công bố một mô hình phân tích trên Lancet [3] cũng dự báo số ca nhiễm cao hơn những gì Tàu báo cáo. Dùng dữ liệu chủ yếu trong tháng 1/2020 và bằng mô hình thống kê hơi phức tạp (mô hình SEIR), nhóm nghiên cứu của Gs Gabriel Leung ước tính rằng chỉ số R0 là 2.68 (khoảng tin cậy 95% [KTC95] dao động từ 2.47 đến 2.86), tức cao hơn ước tính của WHO một chút. Nhóm nghiên cứu tiếp tục phân tích số hành khách hàng không hàng tháng của một số nước (kể cả Việt Nam), họ đi đến một số nhận xét mà tôi xin tóm lược như sau:
• Số ca nhiễm 2019-nCoV được dự báo là sẽ tăng gấp 2 lần sau mỗi 6.4 ngày;
• Tính đến ngày 25/1, số ca bị nhiễm ước lượng là 43,590, cao gấp ~22 lần so với số báo cáo là 2015 ca;
• Dịch Vũ Hán sẽ đạt mức đỉnh vào khoảng tháng 4, trước khi ‘phai nhạt’ sau đó.
Để định lượng hiện tượng ‘under-reporting’ (báo cáo thấp hơn thực tế, hay ‘báo cáo láo’), một nhóm nghiên cứu khác cũng từ Hồng Kông làm một phân tích cụ thể hơn và họ công bố trên J Clin Med [4]. Phương pháp và cách lí giải của nhóm tác giả này rất thú vị và đáng được lấy làm bài giảng về dịch tễ học! Các tác giả kết luận rằng trong thời gian đầu (1/1 đến 15/1/2020) số ca báo cáo thấp hơn dự báo là 469 ca (KTC95: 403 đến 540 ca). Từ ngày 17/1/2020 trở đi, tỉ suất 'thiếu cáo cáo' tăng 21 lần (KTC95: 18 đến 25) so với thời gian từ 1/1 đến 17/1.
Tóm lại:
1. Có ít nhứt là 3 phân tích dựa trên mô hình thống kê học cho thấy số ca nhiễm 2019-nCoV nhà cầm quyền Tàu báo cáo có thể thấp hơn thực tế rất nhiều. Rất có thể chỉ có 4.8% đến 5.5% những người bị nhiễm được nhập viện (vì Vũ Hán không đủ bệnh viện hoặc vì những ca nhẹ) [5]. Do đó, tính đến ngày 4/2/2020 số bị nhiễm thật sự có thể là 250,000 người, nhưng cũng có thể lên đến 351,000 người. (Nhưng số báo cáo là chỉ ~25,000 người.)
2. Tuy nhiên, số ca tử vong cho đến ngày hôm nay vẫn là 2% [6], có vẻ thấp hơn SARS (10-16%). Điều này phù hợp với nhận xét của WHO và các chuyên gia là dịch Vũ Hán không quá 'deadly' như SARS. Nhưng số tuyệt đối về tử vong thì có thể cao hơn SARS vì nCoV ảnh hưởng đến nhiều người hơn.
3. Con số bị nhiễm chưa được ghi nhận hay chẩn đoán cũng có thể áp dụng cho Việt Nam. Tuy Việt Nam chưa phải ở trong tình trạng epidemic, nhưng cách phản ứng (như xây bệnh viện dã chiến, tuyên bố của các quan chức cao cấp) công chúng cảm thấy như Việt Nam đang bị dịch Vũ Hán tấn công ở cấp độ 'epidemic'. Hiện nay, theo báo chí, Việt Nam ghi nhận 10 ca nhiễm 2019-nCoV, và nếu con số này phản ảnh 5% tổng số, thì số ca thật sự nhiễm có thể là 200?
4. Theo mô hình dịch tễ học, số ca sẽ đạt mức đỉnh vào cuối tháng 4 hay đầu tháng 5 (chứ không phải ‘vài tuần’ tới như một quan chức y tế Việt Nam nói). Trong tương lai, có lẽ chúng ta sẽ sống chung với nCoV2019, chứ chúng chẳng đi đâu cả.

Nguyễn Tuấn
===
[1] https://gisanddata.maps.arcgis.com/…/opsdashboa…/index.html…
[2] https://www.facebook.com/drnguyenvtuan/posts/881520872295231
[3] https://www.thelancet.com/…/PIIS0140-6736(20)30260…/fulltext
[4] https://www.mdpi.com/2077-0383/9/2/388/pdf
[5] https://www.medrxiv.org/…/10…/2020.01.23.20018549v1.full.pdf
[6] Con số 2% gọi là 'case fatality rate', có nghĩa là số ca tử vong chia cho số người được chẩn đoán là nhiễm; nó không phải là 'mortality rate' cần phải chờ đến hết dịch mới tính được và thường khác với CFR. Trong thực tế, CFR thấp hơn 2% vì số ca nhẹ ngoài cộng đồng chưa được tính tới.

Biểu đồ 2: So sánh số ca báo cáo (ô màu vàng) với số ca dự báo bằng mô phỏng (màu xám) và mô hình (màu xanh). Biểu đồ trên phản ảnh số ca tích lũy. Biểu đồ dưới phản ảnh số ca hàng ngày. Nguồn: Zhao et al. J Clin Med 2020, 9, 388; doi:10.3390/jcm9020388.


Sưu tầm thông tin về thông tin và nhiễu thông tin liên quan đến 2019-nCoV. Những thông tin này có ích và dễ hiểu, nhưng chỉ cho người biết tiếng Anh mà thôi, chớ còn người không am hiểu tiếng Anh thì ...[]. Tôi mạo muội dịch sang tiếng Việt để các bạn nào quan tâm tìm hiểu:

Huyền thoại 1: Siêu vi khuẩn corona là nguy hiểm nhứt hiện nay.

Sự thật 1: Cúm mùa giết người cao gấp 60 lần số người chết vì hay có liên quan với virus corona. (Tôi xin ghi thêm: Mỗi năm, theo số liệu của WHO, có khoảng 650,000 người chết vì cúm mùa).

Huyền thoại 2: Nếu được chẩn đoán là nhiễm virus corona thì tôi sẽ chết.

Sự thật 2: Chỉ có 2% số người bị nhiễm virus corona chết, và đa số những người chết có những bệnh đi kèm và suy giảm hệ miễn dịch (như cao tuổi). Ghi thêm: đa số (80%) những ca tử vong là nam giới trên 70 tuổi, và có những bệnh đi kèm như tiểu đường và tim mạch. Con số 2% gọi là 'case fatality rate' có nghĩa là số ca tử vong chia cho số người được chẩn đoán là nhiễm; nó không phải là 'mortality rate' phải chờ đến hết dịch mới tính được và thường khác với CFR.

Huyền thoại 3: Tôi cần phải mua bộ đồ hazmat (bảo hộ) và khẩu trang N95 để tránh bị nhiễm virus corona.

Sự thật 3: Rửa tay và hắt hơi vào khuỷu tay là hai biện pháp tốt nhất để phòng chống lây nhiễm virus corona. Ghi thêm: Rất khó đeo khẩu trang N95 đúng và hơn 3 giờ đồng hồ; những ai đeo nó mà cảm thấy thoải mái tức là người đó đeo không đúng cách. Đeo khẩu trang không đúng cách còn tăng nguy cơ lây nhiễm!

Huyền thoại 4: Tất cả chúng ta cần phải hoang mang và đổ thừa Tàu cộng về trận dịch này. Tôi nên bông đùa thiếu tế nhị về các sinh viên và học sinh quốc tế.

Sự thật 4: Hoang mang và cuồng loạn đang xảy ra, và nó được kích thích bởi chủ nghĩa kì thị chủng tộc và chủ nghĩa bài ngoại, chớ không vì chứng cớ hay thực tiễn. Không có lí do gì để tỏ ra khiếm nhã với người khác.

Huyền thoại 5: Tôi nên tin bất cứ những gì tôi đọc trên mạng về virus corona, vì các thông tin đó đã được kiểm tra và viết ra một cách khách quan.

Sự thật 5: Nhiễu thông tin và kì thị chủng tộc còn nguy hiểm hơn bất cứ con virus nào; kiểm tra nguồn tài liệu tham khảo và tìm chứng cớ chớ không phải tìm chủ kiến. Ghi thêm: Nhiễu thông tin đang là vấn nạn trong trận dịch này (và SARS trước đây). Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiễu thông tin là do nhà cầm quyền không minh bạch hoá thông tin.
 

Không có nhận xét nào

Quảng Cáo