Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

LÒNG HIẾU THẢO CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI PHƯƠNG TÂY

[ LÒNG HIẾU THẢO CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI PHƯƠNG TÂY ] Mới tháng rồi, một người bạn của tôi tạm ngừng công việc hiện tại ở một đất nước khác ...

[LÒNG HIẾU THẢO CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI PHƯƠNG TÂY] Mới tháng rồi, một người bạn của tôi tạm ngừng công việc hiện tại ở một đất nước khác để về chăm sóc cho mẹ già đang nằm viện. Dù tốn đủ thứ, từ tiền vé đến viện phí, nhưng đối với cô ta những khoản đó không bao giờ lãng phí khi dành để trả hiếu cha mẹ.

Sự hiếu thảo đã được truyền từ đời này sang thế hệ khác. Thể hiện rõ nhất qua câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Bước vào bất cứ bệnh viện nào, chúng ta cũng có thể bắt gặp những hình ảnh những người trưởng thành chăm sóc người già, đa số là anh chị em thay phiên nhau để ở bên cạnh cha mẹ mình. Người Việt có truyền thống hiếu thảo, bạn không chỉ thấy điều đó ở bệnh viện mà ở bất cứ căn nhà nào có hai thế hệ sinh sống. Bất cứ người nào không làm bổn phận tối thiểu này sẽ bị oán trách là bất hiếu.

Hiện tại thì nét đẹp này càng ngày càng hiếm thấy khi các người trẻ quay cuồng trong cơn lốc công việc và sự nghiệp. Kèm với nhịp sống hối hả ở đô thị, cho dù họ muốn thì cũng không tìm đâu ra thời gian để trả hiếu. Những ai có điều kiện thì thuê người giúp việc, nếu may mắn có thành viên làm nội trợ thì là một món quà tinh thần.

Ở các nước Phương Tây thì chúng ta ít khi nào thấy hành vi hiếu thảo này. Các thanh niên khi đến tuổi trưởng thành sẽ ra riêng để đi học, đi làm và phát triển sự nghiệp của mình. Nhà chỉ là nơi họ bắt đầu nhưng thế giới mới là điểm đến. Cha mẹ là người nuôi dưỡng, nhưng chỉ chính bàn tay và nghị lực của mỗi cá nhân mới có thể xây dựng dấu ấn cho cuộc đời.

Bạn sẽ gần như ít khi nào thấy hình ảnh người trưởng thành chăm sóc cho cha mẹ vì khi lớn lên, cha mẹ ở riêng và con cái thì có mái nhà khác cho gia đình nhỏ của mình. Nếu có thì sẽ là những y tá hoặc điều dưỡng viên đang làm công việc của mình.

Vậy có phải là người Phương Tây không hiếu thảo? Không hề. Hay họ thờ ơ với cha mẹ mình? Càng không. Họ rất yêu những người đã sinh đẻ và nuôi mình lớn khôn. Không ai mà không yêu cha mẹ cả, trừ những thành phần vô văn hoá cá biệt.

Nhưng cách họ thể hiện không như ở Việt Nam. 

Người Phương Tây chăm sóc cha mẹ mình bằng cách đi làm đóng thuế cho ngân sách. Một phần trong số tiền đó sẽ được dùng để chi trả cho các chương trình hưu trí và y tế cho người già. 

Họ yêu những người trước đây nuôi mình bằng cách thiết lập và duy trì cơ chế an sinh xã hội cho những ai không còn sức lao động và không thể tự lo cho bản thân mình. Hỏi bất cứ người nào ở Úc, Anh, Pháp, Canada, Đức hay bất cứ quốc gia Phương Tây nào thì những người già ở đó đang tận hưởng những ngày cuối đời trong viện dưỡng lão hoặc trong căn nhà riêng với tiền lương hưu của mình.

Không những vậy, người già được ưu đãi nhiều thứ hơn thế, y tế công chỉ là thứ cơ bản. Những ai đến tuổi về hưu sẽ được giảm giá xe buýt và tiền thuốc. Nếu có thể và muốn, họ được phép đi thư giãn và nghỉ mát dài hạn ở những đất nước khác mà vẫn được hưởng tiền hưu.

Bạn có thể không đồng ý với vài chính sách nhưng không chối bỏ vai trò của nó. Đây là sự đền đáp của xã hội dành cho những cá nhân đã góp phần xây dựng nó bằng những khoản tiền thuế họ đóng khi đi làm hay những sản phẩm họ đã tạo ra trong đời. Những khoản tài chính đó, được trích từ lương của thế hệ đang đi làm, để chi trả cho những người đi trước mình. Để không một người già nào phải thiệt thòi.

Như một lời cam kết với tất cả thành viên trong xã hội rằng nếu bạn góp sức xây dựng nơi này, khi về già, nó sẽ trả ơn bạn. Đó là lòng hiếu thảo của Phương Tây.

Đất nước Việt Nam hiện tại còn rất lâu mới có thể bắt kịp và thiết lập những cơ chế tương tự. Bước ra bất cứ con đường nào thì bạn cũng có thể thấy hình ảnh người già bán vé số hay ăn xin. Bạn cũng sẽ nghe kể không ít câu chuyện cha mẹ xa con cái lâu năm không gặp hay những người già bị bỏ rơi. Nếu hiếu thảo là truyền thống của dân tộc này thì hiện tại nó càng trở nên khan hiếm.

Muốn thực sự trả thiếu cho cha mẹ hay những người đi trước thế hệ hiện tại, thì những hành vi hỏi thăm hay chăm sóc tạm thời kia sẽ không bao giờ đủ. Những con người trong xã hội Việt Nam phải xây dựng cơ chế hưu trí và y tế cho người già tương tự như ở Phương Tây. Để cho dù họ là ai, có con cái đang làm gì hay ở đâu, thì vẫn được bảo vệ. Đó mới là lòng thiếu thảo thực sự. [18.2.2020] 

Ku Búa @ Cafe Ku Búa



Không có nhận xét nào

Quảng Cáo