Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

“BỊ QUÊ HƯƠNG RUỒNG BỎ,GIỐNG NÒI KHINH”

"Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh" Liên quan đến dịch Vũ Hán, mấy tuần nay báo chí trong nước đưa tin rằng hàng ngàn &...

"Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh"

Liên quan đến dịch Vũ Hán, mấy tuần nay báo chí trong nước đưa tin rằng hàng ngàn 'Việt kiều' từ Âu châu về nước để được cách li và điều trị. Làn sóng 'hồi hương' đó đã làm cho một số người tự hào rằng 'có một Việt Nam như thế', và một số (kể cả giới có học như bác sĩ, ca sĩ) thì tha hồ miệt thị kiểu như 'Ở nhà làm nông, sang Tây làm nail vài năm thành Việt Kiều'! Những phản ứng đó làm tôi nhớ đến câu thơ nổi tiếng 'Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh'. Nhưng câu chuyện đằng sau thì chắc không hẳn vậy ... 

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có sáng tác một bài thơ nhan đề là 'Phương Xa'. Bài thơ đó có câu ""Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa / Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh" [1]. Thoạt đầu, nhiều người nghĩ rằng thi sĩ viết cho người tị nạn vượt biên sau 1975. Nhưng không phải. Ông viết bài này từ thập niên 1940 để bày tỏ tâm trạng chán chường của một nhóm người (hay dân tộc?) mà ông cho là "đầu thai lầm thế kỉ." 

Thế rồi sau 1975, khi làn sóng người Việt vượt biển tìm đường tị nạn, bài thơ đó trở nên nổi tiếng. Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác một ca khác mà tựa đề như trả lời câu hỏi: "Có Phải Tôi Là Người Quê Hương Ruồng Bỏ Giống Nòi Khinh"? Ca khúc có hai đoạn hay:

"Quê hương tôi ơi! Tôi sinh ra ở đấy
Tôi lớn lên cùng với phận cỏ cây 
Vững chắc như tre, đam mê như ngọn lúa,
Tôi bám rễ vào nước mặn đồng chua.

Tôi yêu câu thơ hay câu ru trìu mến
Đã nối tôi liền với giọng tổ tiên.
Dĩ vãng vinh quang nên tôi vui cuộc sống,
Tuy biết đau lòng vì phận nước long đong."

(Còn những đoạn khác cũng hay, nhưng các bạn hãy tìm đọc thì sẽ biết). 

Càng nổi tiếng khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong một trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây, nói rằng những người vượt biển là bọn “bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, phản bội tổ quốc, chạy theo bơ thừa sữa cặn…”. Wow! 

Trớ trêu một điều là cái đám 'ma cô, đĩ điếm, trộm cướp' đó sau này (thập niên 1980s, 1990) lại có công cứu vãn nền kinh tế VN trong cơn kiệt quệ và bị thế giới cô lập! Thời đó, bọn 'ma cô, đĩ điếm, trộm cướp' không chỉ gởi tiền về quê, mà còn gởi nhiều thứ khác như 'dăm bao thuốc lá', vài cái 'kim may', 'dăm ba xấp vải', 'hộp diêm nhóm lửa', 'vài viên thuốc' (kể cả thuốc ngủ),  'kẹo bánh thênh thang', vài 'cây bút máy', v.v. Và, họ vẫn tiếp tục gởi tiền về quê nhà [2]. Và, số tiền được ví von là ‘viện trợ tình cảm không hoàn lại’ đó còn nhiều hơn số tiền xuất khẩu nông thuỷ sản của cả nước cộng lại. Đâu phải ngẫu nhiên mà nhà nước hàng năm tổ chức tiệc đãi linh đình để cám ơn những ‘nhà tài trợ’ đó. 

Tôi chắc chắn một điều rằng bọn mệnh anh là 'ma cô, đĩ điếm, trộm cướp' thời thập niên 1970-1990 đó sẽ không bao giờ nghĩ tới -- chớ chưa nói đến về -- Việt Nam để được điều trị. Không. Ngàn lần không. Vạn lần không. Triệu lần không. Tỉ lần không. 


Nguyễn Tuấn

===

[1] Nguyên văn bài thơ 'Phương Xa' của Vũ Hoàng Chương: 

Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng,
Xô về đông hay giạt tới phương đoài,
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng,
Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi.

Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa,
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.

[2] Cho đến nay, số tiền người Việt ở nước ngoài gởi về Việt Nam chừng 15 tỉ USD -- mỗi năm. Dĩ nhiên, ngày nay con số này bao gồm cả số tiền người đi lao động ở nước ngoài gởi về. Nay, một số đồng hương đi lao động ở nước ngoài hay đi học ở nước ngoài không có bảo hiểm -- gọi là 'Việt kiều' bởi báo chí -- về nước để trốn dịch bệnh thì bị miệt thị. Thật là không công bằng cho họ. Hình như có nhiều người có kí ức ngắn quá hay chưa được dạy/học về một mảng lịch sử bị bỏ quên.





Không có nhận xét nào

Quảng Cáo