Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN MỚI, GIÀU NGHÈO VÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG - SƠN ISN’T BLOGGING VS KU BÚA

[ NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN MỚI, GIÀU NGHÈO VÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG - SƠN ISN’T BLOGGING VS KU BÚA ] Mới tuần rồi tôi đi cà phê với một người bạn mà lâ...

[NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN MỚI, GIÀU NGHÈO VÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG - SƠN ISN’T BLOGGING VS KU BÚA] Mới tuần rồi tôi đi cà phê với một người bạn mà lâu rồi không gặp. Chúng tôi ngồi tâm sự và chia sẻ với nhau về mọi thứ trên đời. Từ chuyện học tập, đi làm, lập gia đình và tương lai. Khác với tôi, anh ta có một gia đình tương đối khá giả. Bạn có thể nhận thấy điều đó từ làn da và nét mặt. Cuộc sống đầy đủ không thiếu thứ gì.

Nhưng rồi cuộc trò chuyện bắt đầu trở nên gay cấn khi anh ta đề cập đến ý nguyện muốn định cư ở một đất nước tiên tiến hơn.

- Bạn: “Mày có cách nào để đi định cư không?”
- Tôi: “Ủa sao tự nhiên lại hỏi câu này?”
- Bạn: “Tao thấy chán ở đây quá. Muốn có hộ chiếu khác để đi du lịch và làm ăn dễ hơn.”
- Tôi: “Giờ căn nhà mày mà bán thì được nhiêu. Hơn 10 tỷ không?”
- Bạn: “Chắc hơn chứ.”
- Tôi: “Vậy giờ mày bán đi, mua căn nhỏ hơn cho gia đình hoặc chung cư 2-3 tỷ cũng được. Rồi tiền dư thì đi du học. Không thích đại học thì trường nghề cũng được. Bây giờ tao thấy người ta học phục vụ nhiều rồi làm trong mấy khách sạn.”
- Bạn: “Vậy chừng nào mới có hộ chiếu?”
- Tôi: “Để coi. Học 2-3 năm, sau đó tìm công ty làm visa lao động. Đi làm 3-4 năm thì có thường trú rồi nhập tịch. Cũng tầm 7 năm.”
- Bạn: “Vậy mày thấy nước nào ok?”
- Tôi: “Tao theo Nữ Hoàng. Canada, Úc, New Zealand.”
- Bạn: “Má lâu vậy. Còn cưới giả thì sao?”
- Tôi: “Mày và đám con trai xứ này gớm chết mẹ, gái Việt kiều hay Tây nào mà thèm. Người ta nhìn vô là biết liền. Tào lao quá ba.”

Anh ta là một ví dụ điển hình của người có tiền ở đất nước này muốn từ bỏ và tìm cách ra đi mặc dù đời sống đầy đủ vật chất. Hãy suy ngẫm về câu chuyện trên. Tại sao lại có hiện tượng này.

Trước đây thời hậu chiến, những người ra đi là những cựu viên chức của chế độ “Nguỵ” hoặc giới tư sản. Họ biết khó mà sống được trong cơ chế mới cho nên trốn chạy là cách an toàn nhất. Từ những người có địa vị và tài sản, họ tự nguyện trở thành thuyền nhân. Mạo hiểm với tính mạng trên các con thuyền, nếu thành công thì ở trại tỵ nạn vài năm trong lúc chờ tái định cư. 

Mặc dù giai đoạn đau thương đó đã qua rồi nhưng bây giờ làn sóng ra đi của người Việt chưa bao giờ chấm dứt mà chỉ thay tên đổi phương tiện. Chiếc thuyền đánh cá bây giờ là máy bay. Vượt biên tỵ nạn được thay thế bằng vô số hình thức như du học, đầu tư lấy hộ chiếu, cưới giả hoặc trốn lậu.

Chục năm trở lại thì miền Tây nổi tiếng với phong trào con gái lấy chồng Đài loan Hàn Quốc, sau đó kéo em chị em họ hàng. Bây giờ miền Bắc ăn theo với tốc độ chóng mặt. Trong những năm gần đây thì xuất khẩu lao động đã trở thành một ngành công nghiệp tỷ đô với hàng loạt công ty nở rộ trên khắp tỉnh thành. Bằng cách này hay cách khác, họ vẫn tìm cách ra đi. Nhưng thay vì ồn ào thì nó diễn ra trong âm thầm và trật tự.

Nếu trước đây chỉ những người nghèo mới muốn thoát khỏi nơi đây để tìm cuộc sống tốt hơn thì bây giờ người giàu cũng khao khát điều tương tự. Có bao giờ bạn, tôi hay chúng ta ngừng lại và suy ngẫm vì sao lại như vậy?

Đây không còn là tỵ nạn vật chất hay không phải là thoát nghèo nữa. Mà là khủng hoảng niềm tin và hy vọng tương lai.

Ở Việt Nam cho dù bạn nghèo hay giàu thì cũng không cải thiện đời sống cho lắm hoặc có giới hạn nhất định. Vì một người lao động hay một giám đốc vẫn phải ăn đồ ăn không rõ nguồn gốc dù mua ở chợ hay siêu thị. Nếu bạn nghĩ rằng chỉ cần trả tiền cao hơn là có thể mua hàng chất lượng bảo đảm thì quá lầm. Khó mà biết được bó rau hay phần thịt kia là sạch hay bẩn. Vì khi cơ quan kiểm tra thờ ơ thì mọi thứ chỉ dựa trên niềm tin.

Tiền có thể mua phương tiện tốt hơn nhưng người đi xe máy hay xe hơi vẫn phải lái trên các con đường đầy ổ gà và mua với giá gấp đôi ở nước khác. Lâu lâu thì lại bị ai đó ngoắc vô làm tiền.

Ở nhà cấp bốn hay biệt thự thì vẫn cũng phải hít thở không khí ô nhiễm trong môi trường độc hại. Phải tốn tiền mua máy lọc không khí trong khi đó là thứ quái dị ở xứ khác.

Chưa kể, khi đi làm giấy tờ hành chính thì vẫn phải chịu đựng sự quan liêu của các viên chức và trả thêm tiền để làm suôn sẻ. Rồi lỡ bị xe đụng hay gặp tai nạn thì chỉ biết đánh cược với thân thể trong các bệnh viện.

Trên hết, dù là một đại gia hay người nông dân thì vẫn phải bị bịt miệng bởi một cơ chế độc tài không có chúng ta quyền nói và thể hiện chính kiến. Trong khi ở các nước văn minh khác, cứ mỗi vài năm họ đi bỏ phiếu để bầu chọn người đại diện mình thì tôi và bạn chỉ biết nhìn trong ghen tị vì khi đến lượt mình, chúng ta chỉ có tờ giấy điền tên sẵn.

Người Việt Nam ra đi không chỉ vì vật chất mà vì ao ước sống trong môi trường trong sạch hơn. Nơi con cái họ có thể đi học như học sinh, thay vì là con chuột bạch thí nghiệm. Họ thèm muốn sự trật tự xã hội, nơi cảnh sát không lạm quyền và thành quả lao động được tôn trọng.

Tất cả những thứ đó cơ chế hiện tại ở đất nước này không hề có và cũng không thể nào mua được bằng tiền. Cho nên cách duy nhất họ có được là ra đi vì chẳng biết làm gì hơn.

Con chim nhốt trong lồng dù giàu hay nghèo thì vẫn thua con chim tự do tung bay. Kêu là trốn chạy cũng không sai. Gọi là hèn nhát cũng hoàn toàn đúng. Nhưng bất chấp miệng đời, họ vẫn ra đi. Đó là cái tôi gọi là làn sóng vượt biên mới, một thế hệ người Việt tỵ nạn thời bình. Vì đất nước này không thay đổi, cho nên họ ra đi. 

PS: Hiểu chưa, anh Sơn Isn’t Blogging? [17.3.2020]

Ku Búa @ Cafe Ku Búa



1 nhận xét

  1. Cười té ghế, khi đọc bài viết của người , và cái post của ngợm . Họ đã được đúc khuôn ra vậy rồi , hồng hơn chuyên , cơ mà .
    Khuôn cho ra toàn zombie , lính chì , bảo vệ chế độ ngu !!!

    Trả lờiXóa

Quảng Cáo